Cuộc cách mạng làm việc 4 ngày/tuần: Thuận lợi và khó khăn?

VOV.VN -  Hơn hai năm sau đại dịch Covid-19, nhiều người lao động trên toàn cầu đã kiệt sức, bỏ việc hoặc đang phải vật lộn để kiếm sống khi đối diện cuộc khủng hoảng lạm phát kỷ lục. Trước thực trạng này, từ giữa năm 2022, hàng nghìn người ở Vương quốc Anh đã thử nghiệm lịch làm việc 4 ngày mà không cắt giảm lương.

Những kết quả tích cực bất ngờ đang được kỳ vọng có thể trở thành cuộc cách mạng trên toàn cầu, giúp mở ra một kỷ nguyên làm việc mới, phù hợp với thế kỷ 21 hiện nay.

Thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần lớn nhất thế giới tại Anh

Từ tháng 6 đến tháng 12/2022, 61 công ty tại Anh đã tham gia cuộc thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày lớn nhất thế giới. Trong đó, các công ty cam kết giảm 20% giờ làm việc cho nhân viên và vẫn giữ nguyên lương. Đây là các công ty thuộc rất nhiều ngành nghề như marketing, tài chính, bán lẻ trực tuyến, giáo dục, chăm sóc sức khỏe hay cửa hàng đồ ăn. Đây là thử nghiệm lớn nhất thế giới về tuần làm việc 4 ngày cho đến nay. Kết quả sau khi thử nghiệm đã khiến dư luận bất ngờ.

Bà Juliet Schor - Giáo sư Xã hội học tại trường Cao đẳng Boston (Anh), Trưởng nhóm nghiên cứu về xu hướng làm việc 4 ngày mỗi tuần - “4 Day Week Global” cho biết: “Chúng tôi đã ghi nhận những kết quả rất tích cực ở tất cả mọi đối tượng như: công ty, nhân viên và môi trường. Các công ty phản hồi tốt, người lao động hài lòng khi các mức lương, phúc lợi vẫn không thay đổi, căng thẳng công việc giảm đi; không bị kiệt sức cả về sức khoẻ vật chất và tinh thần. Các gia đình cũng vui vẻ hơn, bớt xung đột hơn. Các công ty cũng ít chứng kiến cảnh nhân viên vắng mặt, nghỉ việc thay vào đó là hiệu quả và công suất làm việc tốt hơn”.

Thực tế tại châu Âu, một số quốc gia như Pháp, Iceland, Tây Ban Nha thời gian qua cũng đã thực hiện giảm giờ làm việc hàng tuần ở các mức độ khác nhau. Còn tại Đông Nam Á, một số nước trong khu vực cũng đang có xu hướng thử nghiệm ý tưởng tuần làm việc 4 ngày nhằm ngăn chặn tình trạng làm việc cẳng thẳng kéo dài, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực.

Thử nghiệm tại Indonesia: “giấc mộng viển vông” với Đông Nam Á?

Tại Indonesia, công ty công nghệ tài chính ALAMI đi đầu trong việc thử nghiệm tuần làm 4 ngày vào cuối năm 2021, nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần và năng suất của người lao động.  Theo đánh giá của công ty sau một thời gian thử nghiệm, kế hoạch giúp tăng năng suất vì nhân viên có nhiều thời gian nghỉ ngơi, tập trung làm việc hiệu quả hơn. Thậm chí thứ 6 cũng có người vẫn đến công sở làm việc dù là ngày nghỉ, nhưng tâm lý không bị áp lực nên hiệu quả cũng tăng lên.

Sự đi đầu của Alami đã gây ra tiếng vang lớn tại Indonesia với hastag #Bye5 tràn ngập trên các trang mạng xã hội vào thời điểm nhiều lao động đang cảm thấy kiệt sức, đặc biệt là những người làm việc trong các công ty khởi nghiệp. Theo một cuộc khảo sát gần đây, lao động từ Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia rất muốn áp dụng tuần làm việc 4 ngày vì họ quan tâm đến chất lượng cuộc sống và ý nghĩa của công việc.

Mặc dù vậy, thực tế tại Indonesia cũng nhiều quốc gia Đông Nam Á khác không có nhiều doanh nghiệp cả tư và công đủ can đảm thực hiện thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày. Đã có nhiều đánh giá đề xuất một tuần làm việc 4 ngày là một “giấc mơ viển vông” đối với Đông Nam Á vì khu vực này vẫn chưa sẵn sàng. Tại các nước này, tỷ lệ làm việc 5 ngày /tuần, thậm chí là 6 ngày/tuần vẫn còn khá phổ biến.

Bên cạnh đó, mức năng suất trung bình của ASEAN thấp hơn 81% so với Mỹ nên rất nhiều Hiệp hội doanh nghiệp phản đối đề xuất này vì có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chi phí lao động tăng cao và ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của cả nền kinh tế. Ngoài ra hình thức này có thể chỉ khả thi đối với một số ngành cụ thể; người lao động có thể phải đối mặt với việc giảm lương vì giảm giờ làm hay câu hỏi về tính hiệu quả năng suất lao động bị dồn trong thời gian ngắn. Vì vậy, một chính sách mới khó có thể thu được những lợi ích như mong muốn nếu chính phủ và người sử dụng lao động không giải quyết trước các yếu tố về văn hóa làm việc cũng như ban hành nhiều biện pháp bảo vệ người lao động hơn.

 Thử nghiệm tại Mỹ: Lao động văn phòng khá hài lòng, ngành nghề khác khó thích nghi

Các thử nghiệm ở Mỹ đều được tiến hành đối với các công ty và người lao động làm việc văn phòng và kết quả cho thấy họ khá hài lòng với mô hình làm việc 4 ngày 1 tuần và thậm chí không có ai muốn quay trở lại làm việc 5 ngày một tuần như trước. Một số khảo sát gần đây cho thấy có tới 71% người dân Mỹ ủng hộ khái niệm làm việc 4 ngày 1 tuần, chỉ có 4% phản đối ý tưởng này trong khi 22% không ủng hộ cũng không phản đối. Các con số này cho thấy ngày càng có nhiều người dân Mỹ ủng hộ giảm số ngày làm việc trong tuần, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của họ và bây giờ là lúc họ muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống và muốn có nhiều thời gian hơn cho bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, đó chỉ là các thử nghiệm được tiến hành đối với những người làm việc văn phòng và mô hình làm việc 4 ngày/tuần có vẻ rất phù hợp khi công việc của những người này được tính bằng đầu việc cụ thể hay họ được giao những nhiệm vụ nhất định. Người lao động trong các ngành nghề khác như khách sạn, bán lẻ, sản xuất và y tế sẽ khó có thể thích nghi được với thay đổi khi nghề nghiệp của họ yêu cầu phải có mặt trực tiếp. Ngoài ra, còn một số công việc được trả lương theo giờ, do đó, việc giảm ngày làm việc đồng nghĩa với việc giảm thu nhập.

Từ góc độ quản lý, giảm ngày làm đồng nghĩa với việc phải thuê thêm nhân sự lấp vào chỗ trống. Mỗi tuần làm việc 4 ngày, nhưng bạn được trả lương 5 ngày thì đó sẽ là thách thức với các công ty trong việc vận hành, chi trả các chi phí, do đó mà các đơn vị nhỏ không mấy nhiệt tình với ý tưởng này.

Để có thể khắc phục những mặt trái của mô hình làm việc 4 ngày một tuần, các nhà tuyển dụng phải có những định hướng rõ ràng hoặc có những thay đổi về cấu trúc công việc, ví dụ như cách làm việc của nhân viên cần hiệu quả và thông minh hơn, các nhà tuyển dụng phải hiểu được quy trình làm việc của nhân viên và biết rõ họ thường lãng phí thời gian khi nào để từ đó có những công cụ hữu hiệu giúp tiết kiệm thời gian đồng thời tiết kiệm chi phí và tăng hiệu suất công việc. 

Trung Quốc: Khó rút ngắn thời gian làm việc trong thời gian ngắn

Câu chuyện rút ngắn giờ làm việc đã được nhắc đến ở Trung Quốc từ vài năm nay. Ngay từ năm 2018, Viện Khoa học Xã hội nước này đã đề xuất, từ năm 2020, một số doanh nghiệp nhà nước ở miền Đông Trung Quốc thí điểm thực hiện chế độ làm việc 4 ngày/tuần, sau đó từng bước nhân rộng ra cả nước. Bởi theo dữ liệu do viện này công bố, năm 2017, thời gian giải trí trung bình của người Trung Quốc là 2,27 giờ mỗi ngày, ít hơn 2,55 giờ của 3 năm trước. Trong khi đó, người dân ở Mỹ, Đức và Anh có trung bình 5 giờ giải trí mỗi ngày, gấp đôi so với người Trung Quốc.

Tuy nhiên, tháng 8/2020, Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc trong một văn bản phúc đáp kiến nghị của các nhà lập pháp nước này về chế độ làm việc 4,5 ngày đã khẳng định, trong tình hình kinh tế hiện nay, việc rút ngắn thời gian làm việc “chưa có cơ sở thực tế, chưa phù hợp để triển khai rộng rãi trong doanh nghiệp”. Bộ này cho rằng, việc rút ngắn thời gian làm việc “sẽ làm gia tăng áp lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kéo theo chi phí và gánh nặng việc làm cao hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế”. Bên cạnh đó, chế độ nghỉ 2,5 ngày được thực hiện ở một số nơi đối với cán bộ nhân viên các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp khi đó đã gây tác động không tốt trong xã hội.

Hồi tháng 9/2022, ông Vương Kỳ Diên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Giải trí thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, một lần nữa cho rằng nước này có thể thực hiện chế độ làm việc 4 ngày/tuần vào năm 2025 ở khu vực miền Đông và hầu hết các vùng, nhất là các doanh nghiệp lớn hoặc thực hiện việc đổi ca/ngày làm việc trong công chức nhà nước, sau đó chuyển đổi dần và tiến tới thực hiện chế độ làm việc 4 ngày/tuần vào năm 2030.

Những năm gần gây, văn hóa làm việc “996”, tức nhân viên làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần, ban đầu vốn chỉ phổ biến trong lĩnh vực công nghệ, nay đã lan rộng sang hầu hết các ngành nghề ở Trung Quốc.

Cường độ làm việc căng thẳng và áp lực công việc ngày càng gia tăng, khiến trào lưu “nằm thẳng” (tạm dừng trạng thái làm việc cật lực) bùng nổ trong giới trẻ nước này vào năm 2021. Gần đây, nhiều thanh niên Trung Quốc còn tạm nghỉ việc lên chùa làm tình nguyện viên để tìm bình an giữa áp lực bủa vây. Tiếp đó, hồi đầu tháng 4, tức dịp nghỉ lễ “Tết Thanh minh” năm nay, thông tin về nhân viên một doanh nghiệp bất bình khi bị lãnh đạo yêu cầu làm thêm giờ, phàn nàn trong nhóm làm việc trên WeChat và nhận được sự hưởng ứng của nhiều đồng nghiệp, đã nhanh chóng lọt vào top các tin “hot” được tìm kiếm trên mạng xã hội nước này. Những động thái này đã cho thấy, áp lực làm thêm giờ đã trở thành một hiện tượng và vấn đề trong xã hội Trung Quốc.  

Tuy nhiên, chuyên gia nước này cho rằng, có một số khó khăn trong việc rút ngắn giờ làm ở Trung Quốc, trong đó nguyên nhân chính là do dân số nước này quá lớn. Dân số đông, đồng nghĩa với việc nếu người Trung Quốc muốn có cuộc sống sung túc, nước này buộc phải phát triển toàn bộ chuỗi công nghiệp, tức không thể chỉ nhờ phát triển một hoặc vài ngành nào đó để có thể đạt mức thu nhập cao như nhiều quốc gia khác. Đến nay, mặc dù hệ thống công nghiệp của Trung Quốc đã phát triển tương đối đầy đủ, nhưng GDP bình quân đầu người của nước này vẫn chưa đến 13.000 USD.

Ngoài ra, Mỹ giờ đã coi Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lớn nhất, Bắc Kinh đang phải đối mặt với sự hiệp đồng chèn ép từ phương Tây, điều này khiến nước này buộc phải không ngừng phát triển và nâng cấp tất cả các ngành nghề, thậm chí phải nâng cấp lên mức cao nhất thế giới để tự bảo toàn. Một môi trường quốc tế khắc nghiệt như vậy đã buộc mọi tầng lớp trong xã hội Trung Quốc phải tăng tốc và bắt kịp trình độ cao nhất trong mỗi ngành nghề. Đây cũng là nguyên nhân sản sinh và thúc đẩy “văn hóa làm thêm giờ”.

Để đạt được các mục tiêu như cơ bản thực hiện hiện đại hóa XHCN vào năm 2035 và đến năm 2050 trở thành cường quốc hiện đại hóa XHCN, người dân Trung Quốc sẽ còn phải tiếp tục phấn đấu không ngừng nghỉ. Do vậy, sẽ rất khó để nước này nhanh chóng trút bỏ văn hóa làm việc “996” và thực hiện việc rút ngắn thời gian làm việc trong thời gian ngắn.

Có thể thấy, hiện ý tưởng tuần làm việc 4 ngày vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau và mỗi ý kiến đều có các lý lẽ riêng, cho rằng phù hợp với nền kinh tế của quốc gia mình. Dù quyết định của mỗi cơ quan, đơn vị, chính phủ là như thế nào, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn phải là năng suất làm việc, cuộc sống và sức khoẻ của người lao động được đảm bảo, các công ty và quốc gia gia đạt được mục tiêu phát triển bền vững về lâu dài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tây Ban Nha thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày mà vẫn trả đủ lương
Tây Ban Nha thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày mà vẫn trả đủ lương

VOV.VN - Chính quyền Tây Ban Nha hôm qua cho biết, các công ty tại nước này có ít hơn 250 nhân công có một tháng để đăng ký thử nghiệm chương trình tuần làm việc 4 ngày (32 giờ) với mức lương đầy đủ.

Tây Ban Nha thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày mà vẫn trả đủ lương

Tây Ban Nha thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày mà vẫn trả đủ lương

VOV.VN - Chính quyền Tây Ban Nha hôm qua cho biết, các công ty tại nước này có ít hơn 250 nhân công có một tháng để đăng ký thử nghiệm chương trình tuần làm việc 4 ngày (32 giờ) với mức lương đầy đủ.

Giá dầu tăng cao, Philippines xem xét tuần làm việc 4 ngày
Giá dầu tăng cao, Philippines xem xét tuần làm việc 4 ngày

VOV.VN - Philippines đang tìm các biện pháp nhằm trợ giúp người dân trong bối cảnh giá nhiên lục liên tục tăng cao, trong đó có việc xem xét đề xuất áp dụng một tuần làm việc 4 ngày.

Giá dầu tăng cao, Philippines xem xét tuần làm việc 4 ngày

Giá dầu tăng cao, Philippines xem xét tuần làm việc 4 ngày

VOV.VN - Philippines đang tìm các biện pháp nhằm trợ giúp người dân trong bối cảnh giá nhiên lục liên tục tăng cao, trong đó có việc xem xét đề xuất áp dụng một tuần làm việc 4 ngày.

UAE sẽ giảm giờ làm việc nhà nước xuống còn 4 ngày rưỡi một tuần
UAE sẽ giảm giờ làm việc nhà nước xuống còn 4 ngày rưỡi một tuần

VOV.VN - Các bộ của chính phủ UAE sẽ giảm giờ làm việc trong tuần, bắt đầu từ ngày 1/1/2022 nhằm cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đồng thời tăng năng suất, và nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia này trên thị trường toàn cầu.

UAE sẽ giảm giờ làm việc nhà nước xuống còn 4 ngày rưỡi một tuần

UAE sẽ giảm giờ làm việc nhà nước xuống còn 4 ngày rưỡi một tuần

VOV.VN - Các bộ của chính phủ UAE sẽ giảm giờ làm việc trong tuần, bắt đầu từ ngày 1/1/2022 nhằm cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đồng thời tăng năng suất, và nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia này trên thị trường toàn cầu.