Em trai Quốc vương về Saudi Arabia giữa khủng hoảng vì vụ Khashoggi
VOV.VN - Sự trở về của em trai Quốc vương Saudi Arabia Salman làm dấy lên những đồn đoán về ngôi vị Thái tử đang lung lay vì vụ nhà báo Khashoggi bị giết.
Hãng tin Reuters dẫn 3 nguồn tin thân cận với Hoàng gia Saudi Arabia cho biết, Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz, em trai Quốc vương, chú của Thái tử Mohammed bin Salman (MbS), vừa trở về thủ đô Riyadh ngày 30/10 sau 2 tháng rưỡi ở nước ngoài trong bối cảnh Hoàng tộc Saud đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng uy tín vì cái chết của nhà báo Mỹ gốc Saudi Arabia Jamal Khashoggi hôm 2/10.
Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz. (Ảnh: The New Arab) |
Sự trở về của Hoàng thân Ahmed, người gần đây thường chỉ trích Quốc vương và Thái tử, được các nguồn tin cho là một dấu hiệu chứng tỏ, Hoàng gia Saudi Arabia muốn thành lập một “mặt trận đoàn kết” giữa cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của thế hệ Hoàng tộc Saud này. Giới chức Saudi Arabia hiện chưa có bất cứ bình luận nào về sự trở về này cũng như lý do đằng sau đó.
Vị Hoàng thân vắng bóng
Kể từ tháng 9, giới quan sát ở Saudi Arabia đã tò mò về việc khi nào hay liệu Hoàng thân Ahmed có trở về nước hay không sau khi một đoạn video được lan truyền trên mạng cho thấy ông chỉ trích Hoàng tộc Saud, đứng đầu là Quốc vương và Thái tử.
Trong đoạn video đó, một đám người biểu tình bên ngoài tư dinh của Hoàng thân Ahmed ở London đã kêu gọi lật đổ Hoàng tộc Saud.
“Tại sao lại là tất cả người họ Saud khi mà có những cá nhân cụ thể phải chịu trách nhiệm?” – Câu trả lời của Hoàng thân Ahmed bị cho là gián tiếp lên án cuộc chiến mà Saudi Arabia “tiếp lửa” ở Yemen cũng như việc vương quốc này hậu thuẫn các hoạt động chèn ép phe Shi’ite đối lập ở Bahrain.
Hãng thông tấn chính thức của Saudi Arabia SPA sau đó dẫn lời Hoàng than Ahmed cho biết: “Tôi đã nói rõ rằng. Quốc vương và Thái tử phải chịu trách nhiệm với vương quốc. Điều đó đúng với an ninh và ổn định của đất nước và người dân. Những gì đã nói ra không nên bị hiểu theo cách khác.”
Hoàng thân Ahmed vốn là thành viên của Hội đồng Trung thành, chỉ gồm 3 bô lão của Hoàng tộc Saud, người phản đối việc phế truất Thái tử Mohammed bin Nayef và sắc phong Thái tử MbS năm 2017.
Reuters dẫn 1 nguồn tin ngoại giao cấp cao ở Arab cho biết, Hoàng thân Ahmed đã xin Quốc vương bảo đảm an toàn cho ông trước khi về nước và dường như đã được đồng ý.
“Tôi nghĩ chắc là có một sự thỏa thuận trước nào đó” – nguồn tin này cho biết. “Đã có trao đổi qua lại và khi mọi việc sáng tỏ, ông ấy đã quyết định trở về”.
“Họ [Quốc vương và Hoàng thân – ND] đang gạt bỏ những khác biệt giữa tâm bão” – một doanh nhân Saudi Arabia thân cận với Hoàng tộc Saud chia sẻ với Reuters.
Việc Hoàng thân Ahmed được phép trở về là một dấu hiệu nữa cho thấy vị Quốc vương 82 tuổi đang phải đích thân xử chính sách đối ngoại ra sao sau vụ nhà báo Khashoggi bị giết trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/10. Trước đó, Quốc vương Salman đã giao lại hầu hết chính sự cho Thái tử MbS.
Hàn gắn rạn nứt Hoàng tộc
Không chỉ thúc đẩy hàng loạt cải cách kinh tế, xã hội ở Saudi Arabia, Thái tử MbS nổi tiếng “không nương tay” với những Hoàng thân, Quốc thích. Năm ngoái, ông đã bắt hàng loạt thành viên Hoàng tộc trong một chiến dịch chống tham nhũng được cho là lật đổ những quy luật bất thành văn về đặc quyền, đặc lời của Hoàng tộc. Nghi vấn Anh biết Saudi Arabia âm mưu bắt cóc nhà báo Khashoggi
Tuy nhiên, phe đa nghi lại cho rằng hành động của Thái tử MbS chỉ là một “nước cờ” để thâu tóm quyền lực, một bước đi gây “sốc” ở 1 vương quốc vốn coi trọng các bô lão và sự cân bằng quyền lực trong hoàng tộc.
Một nguồn tin cho biết, đích thân Thái tử MbS đã chào đón Hoàng thân Ahmed trở về Riyadh nhưng không có một bức ảnh hay phát ngôn chính thức nào được đưa ra sau diễn biến đó.
“Việc MbS ra sân bay đón ông ấy trở về có lẽ là một dấu hiệu mà Ahmed hy vọng là nó cho thấy Thái tử trẻ muốn đánh tiếng rằng những khác biệt truyền thống với các bô lão trong Hoàng tộc đang được giải quyết” – nhà phân tích Neil Patrick nhận định.
Lại phế truất Thái tử?
Việc những nghi phạm giết hại Khashoggi đều ít nhiều có liên quan đến Thái tử MbS làm dấy lên nghi ngờ rằng ông đứng đằng sau lệnh giết hại nhà báo này và khiến chiếc ghế của ông lung lay.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ít có khả năng Hoàng thân Ahmed, 76 tuổi, sẽ thay thế Thái tử MbS.
“Rất khó tưởng tượng rằng Hoàng thân Ahmed lại có thể đưa ra một giải pháp khác cho chiến lược đang thành công hiện nay” – nhà phân tích của Chatham House, ông Neil Quilliam nhận định. “Nhiều khả năng là Saudi Arabia đang muốn đoàn kết Hoàng tộc lại, cho Hoàng thân một con đường trở về, đồng thời cũng là cách để thông báo chính sách.”
Một nguồn tin Saudi Arabia cũng cho rằng sự rạn nứt giữa Hoàng thân Ahmed với Quốc vương và Thái tử vì đoạn video chỉ trích gần đây không quá lớn. Thực tế, Hoàng thân Ahmed không phải là một “mối đe dọa” với chiếc ghế Thái tử của MbS.
“Đó chỉ là một khoảnh khắc thật thà không đề phòng, nhưng đã là một gia đình thì không đấu đá trước công luận, đó không phải là phong cách của Hoàng tộc Saud” – nguồn tin này cho biết.
Sự trở về này có thể khiến phương Tây an tâm hơn, đặc biệt là các nhà đầu tư, trong bối cảnh Saudi Arabia đối mặt với khủng hoảng ngoại giao vì vụ Khashoggi.
Hoàng thân Ahmed từng là Thứ trưởng Bộ Nội vụ gần 40 năm và giữ vị trí Bộ trưởng được khoảng 5 tháng trước khi bị cách chức năm 2012. Ông không nắm giữ vị trí nào trong chính phủ kể từ đó./. Kịch bản tồi tệ nếu Saudi Arabia bị bao vây ngoại giao vì vụ Khashoggi