Mỹ tiến thoái lưỡng nan khi loạt nước từ chối tham gia liên minh ở Biển Đỏ

VOV.VN - Trước các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ, Mỹ tuyên bố thành lập một liên minh có tên gọi “Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng” (OPG). Tuy nhiên, loạt nước tuyên bố không tham gia vào liên minh này, khiến Mỹ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu thương mại trên Biển Đỏ đã buộc Mỹ phải thành lập một liên minh trong khu vực để chống lại điều mà Washington gọi là “cướp biển” trong khu vực.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder hôm 22/12 cho hay, đã có hơn 20 nước đăng ký tham gia liên minh có tên gọi Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng (OPG). Tuy nhiên, cho đến nay, một loạt nước đã đã từ chối tham gia lực lượng này.

Đồng minh “quay xe”

Chính phủ Tây Ban Nha ngày 24/12 cho biết nước này sẽ không tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu bảo vệ các tàu hàng đi qua Biển Đỏ khỏi các cuộc tấn công của Houthi ở Yemen. Mặc dù lý do cụ thể không được đưa ra nhưng truyền thông Tây Ban Nha cho rằng nguyên nhân xuất phát từ vấn đề chính trị trong nước. Thủ tướng Pedro Sanchez đang trong quá trình thành lập liên minh và cần sự ủng hộ của đảng cánh tả cực đoan Sumar, vốn phản đối chính sách đối ngoại của Mỹ.

Pháp ủng hộ các nỗ lực đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đỏ và khu vực xung quanh, đồng thời cho biết đã hoạt động trong khu vực. Tuy nhiên, các tàu của Pháp sẽ hoạt động dưới sự chỉ huy của Pháp chứ không phải liên minh do Mỹ dẫn đầu. Paris cũng không cho biết liệu có triển khai thêm lực lượng hải quân tại khu vực hay không. Hiện Pháp có căn cứ hải quân ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và 1.500 quân ở Djibouti. Khinh hạm Languedoc của nước này đang ở Biển Đỏ.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Italy cho biết họ sẽ cử tàu khu trục hải quân Virginio Fasan tới Biển Đỏ để bảo vệ lợi ích quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của các chủ tàu hàng Italy. Tuy nhiên, Italy khẳng định đây là một phần trong các hoạt động hiện có của họ và không phải là một phần của OPG.

Cả Pháp, Italy và Tây Ban Nha đều cho biết họ sẽ không tham gia sứ mệnh dưới sự chỉ huy của Mỹ mà sẽ chỉ tham gia khi đó là lực lượng của Liên minh châu Âu hoặc NATO.

Mới nhất, Australia cũng từ chối tham gia liên minh bảo vệ hàng hải ở Trung Đông. Đây là một động thái bất ngờ, bởi Australia là một đồng minh tích cực của Mỹ trong các hoạt động chung trên toàn cầu.

Chính phủ Australia cho rằng, các ưu tiên của hải quân nước này là các khu vực gần nhà hơn, ở Thái Bình Dương và Biển Đông, nơi Hải quân Hoàng gia Australia có kinh nghiệm và lịch sử triển khai lâu dài hơn là các vùng biển ở Trung Đông.

Quyết định bất đắc dĩ

Quyết định thành lập liên minh OPG đối phó với Houthi gần như là tình huống bất đắc dĩ đối với Washington. Đầu tháng 11, một tàu khu trục Mỹ đã bắn hạ một số tên lửa phóng từ phía Yemen nhưng Washington vẫn cố gắng giữ thái độ bình thường và không tuyên bố rằng họ đang giao chiến với nhóm vũ trang ở Yemen.

Nếu Houthi chỉ dừng lại ở việc phóng tên lửa vào Israel nhưng thất bại, Mỹ vẫn có thể nói rằng đây không phải là động tháu làm tình hình khu vực leo thang nghiêm trọng. Nhưng khi Houthi liên tục tấn công nhằm vào các tàu đến và đi từ kênh đào Suez, đe dọa an ninh của các tuyến hàng hải quốc tế, Mỹ buộc phải hành động.

Mặc dù hải quân Mỹ đã có số lượng tàu tương đối lớn trong khu vực, nhưng Washington vẫn phải đề nghị các nước đồng minh tham gia vào liên minh hàng hải ở Biển Đỏ.

Có 2 lý do. Thứ nhất, cho dù có một lực lượng tương đối lớn, Mỹ cũng không thể tập hợp quá nhiều tàu cho nhiệm vụ bảo vệ hàng hải. Thứ hai, về mặt chính trị Mỹ không muốn trở thành quốc gia duy nhất tấn công Yemen vì điều này có thể khiến nhiều nước Trung Đông coi là hành động quân sự trực tiếp nhằm hỗ trợ Israel.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan cả về chính trị và quân sự của Mỹ phần lớn là do yếu tố địa lý và sự kiểm soát của Yemen đối với điểm nút quan trọng chiến lược nối Biển Đỏ với Vịnh Aden của Ấn Độ Dương, đó là Eo biển Bab el-Mandeb. Eo biển này chỉ rộng 29km tại điểm hẹp nhất.

Kể từ khi xung đột Israel – Hamas bùng phát ngày 7/10 tại Dải Gaza, lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen đã tiến hành hơn 100 cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa nhằm vào tàu thuyền di chuyển trên tuyến đường vận chuyển quan trọng ở Biển Đỏ. Houthi tuyên bố thực hiện các cuộc tấn công trên nhằm thể hiện sự đoàn kết đối với lực lượng Hamas tại Gaza.

Rủi ro bị tấn công đã khiến các doanh nghiệp vận tải lớn phải tránh đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez, chuyển hướng đi quanh cực nam châu Phi. Hành trình này dài hơn, làm tăng chi phí nhiên liệu.

Các hãng vận tải thương mại hiện áp dụng khoản phụ phí 700 USD đối với mỗi container đi tuyến đường dài hơn. Chỉ tính những hàng hóa do châu Á sản xuất đang chuyển sang châu Âu, chi phí tăng thêm là 2 tỷ USD mỗi tháng. Khách hàng là những người cuối cùng phải gánh chịu chi phí gia tăng đó và điều này dẫn đến lạm phát. Ngoài ra, việc di chuyển tuyến đường dài hơn sẽ gây ra sự chậm trễ trong phân phối, gây thiếu hụt hàng hóa và làm gián đoạn chung đối với các nền kinh tế, điều mà mọi quốc gia đều cảm nhận được.

Mỹ tiến thoái lưỡng nan

Mỹ lạc quan rằng họ có thể tập hợp một lực lượng hùng mạnh lên tới 20 quốc gia tham gia để thực hiện Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng.

Chỉ trong vài ngày, hy vọng của Washington đã bị “nhấn chìm” trong những lời từ chối. Lầu Năm Góc tin rằng Trung Quốc, một quốc gia có lợi ích lớn trong việc duy trì các tuyến đường biển đưa hàng xuất khẩu của nước này sang châu Âu, sẽ tham gia liên minh, đặc biệt khi Bắc Kinh đã có lực lượng hỗ trợ gồm một tàu khu trục và một khinh hạm ở phía Tây Ấn Độ Dương. Tuy nhiên Bắc Kinh trả lời rằng họ không quan tâm đến việc gia nhập OPG.

Các nước Arab nằm dọc bờ Biển Đỏ như Saudi Arabia và Ai Cập cũng không muốn tham gia.

Với sự từ chối của cả Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Australia, cho đến nay, mới chỉ có Mỹ, Vương quốc Anh, Na Uy, Hà Lan, Hy Lạp, Canada là những quốc gia chính thức tham gia OPG. Hầu hết đều các nước này đã có tàu ở Ấn Độ Dương hoặc phía đông Địa Trung Hải và có thể đến Biển Đỏ trong vòng vài ngày, cho phép OPG đảm nhận nhiệm vụ hộ tống tàu thương mại trước Năm mới.

Phản ứng trước nỗ lực thành lập liên minh bảo vệ của Mỹ, hãng vận tải Maersk của Đan Mạch ngày 24/12 thông báo sẽ tiếp tục đi qua Biển Đỏ dưới sự hộ tống của OPG. Nếu OPG có thể đảm bảo hành trình an toàn, họ có thể vận động đến các công ty vận tải khác như MSC và CGN, gã khổng lồ dầu mỏ BP và những công ty khác quay trở lại tuyến đường này. Tuy nhiên Maersk vẫn nhấn mạnh họ vẫn có thể sử dụng tuyến đường dài hơn vòng qua cực Nam châu Phi tùy vào điều kiện an toàn cụ thể.

Cho dù có bao nhiêu nước tham gia Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng, nhiệm vụ sẽ không chỉ đơn giản là hộ tống các tàu qua phía nam Biển Đỏ. Trong vài ngày qua, đã có một số dấu hiệu đáng lo ngại về khả năng căng thẳng leo thang và mở ra một mặt trận khác có sự tham gia một số nước trong khu vực.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Các vụ tấn công ở Biển Đỏ tiếp tục khoét sâu căng thẳng Mỹ - Iran
Các vụ tấn công ở Biển Đỏ tiếp tục khoét sâu căng thẳng Mỹ - Iran

VOV.VN - Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục đối mặt với căng thẳng mới liên quan các vụ tấn công trên Biển Đỏ. Ngay sau khi Mỹ cáo buộc Iran liên quan các vụ tấn công trên Biển Đỏ, Iran hôm qua (23/12) đã ngay lập tức bác bỏ cáo buộc này.

Các vụ tấn công ở Biển Đỏ tiếp tục khoét sâu căng thẳng Mỹ - Iran

Các vụ tấn công ở Biển Đỏ tiếp tục khoét sâu căng thẳng Mỹ - Iran

VOV.VN - Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục đối mặt với căng thẳng mới liên quan các vụ tấn công trên Biển Đỏ. Ngay sau khi Mỹ cáo buộc Iran liên quan các vụ tấn công trên Biển Đỏ, Iran hôm qua (23/12) đã ngay lập tức bác bỏ cáo buộc này.

Iran bác bỏ cáo buộc "dính líu" tới các vụ tấn công tàu thuyền qua lại Biển Đỏ
Iran bác bỏ cáo buộc "dính líu" tới các vụ tấn công tàu thuyền qua lại Biển Đỏ

VOV.VN - Ngoại trưởng Iran Hossein Amirrabdollahian hôm qua (23/12) bác bỏ cáo buộc "dính líu" tới các vụ tấn công nhằm vào tàu thuyền qua lại Biển Đỏ.

Iran bác bỏ cáo buộc "dính líu" tới các vụ tấn công tàu thuyền qua lại Biển Đỏ

Iran bác bỏ cáo buộc "dính líu" tới các vụ tấn công tàu thuyền qua lại Biển Đỏ

VOV.VN - Ngoại trưởng Iran Hossein Amirrabdollahian hôm qua (23/12) bác bỏ cáo buộc "dính líu" tới các vụ tấn công nhằm vào tàu thuyền qua lại Biển Đỏ.

Houthi tấn công tàu ở Biển Đỏ: Phương Tây thiệt hại, Nga hưởng lợi lớn
Houthi tấn công tàu ở Biển Đỏ: Phương Tây thiệt hại, Nga hưởng lợi lớn

VOV.VN - Các vụ tấn công do lực lượng Houthi thực hiện nhằm vào các tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ đã gây tổn thất lớn cho phương Tây, trong khi Nga lại được hưởng lợi lớn. Những cuộc tấn công này có thể tái định hình cán cân sức mạnh trong thương mại toàn cầu.

Houthi tấn công tàu ở Biển Đỏ: Phương Tây thiệt hại, Nga hưởng lợi lớn

Houthi tấn công tàu ở Biển Đỏ: Phương Tây thiệt hại, Nga hưởng lợi lớn

VOV.VN - Các vụ tấn công do lực lượng Houthi thực hiện nhằm vào các tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ đã gây tổn thất lớn cho phương Tây, trong khi Nga lại được hưởng lợi lớn. Những cuộc tấn công này có thể tái định hình cán cân sức mạnh trong thương mại toàn cầu.