Nhiệm vụ khó khăn của Tổng thống Mỹ Biden trong chuyến công du châu Âu lần thứ 2

VOV.VN - Gần 5 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố “Nước Mỹ trở lại” trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, thách thức của ông hiện giờ là thuyết phục các nước đồng minh rằng Mỹ “đã ở lại” và gắn kết với họ khi ông trở lại thăm châu Âu lần thứ 2.

Bị chi phối bởi chường trình nghị sự trong nước

Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rome, Italy và Hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 tại Glasgow, Scotland, Tổng thống Biden đã hối thúc các nhà lãnh đạo phương Tây sát cánh với Mỹ để đối phó với những thách thức chung. Chuyến đi lần này trở thành giao điểm mạnh mẽ giữa chương trình nghị sự trong nước và đối ngoại trong bối cảnh ông Biden đang nỗ lực thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua các đề xuất ngân sách của ông. 

Tổng thống Joe Biden công bố kế hoạch “Xây dựng lại tốt hơn” với trị giá 1,75 nghìn tỷ USD. Khoản kinh phí lớn nhất trong gói này, trị giá 555 tỉ USD, sẽ được chi cho đầu tư năng lượng sạch. Phần còn lại chủ yếu được chi cho chăm sóc trẻ em, chăm sóc sức khỏe cho người thu nhập thấp và người già, cũng như nhà ở giá phải chăng. Kế hoạch “Xây dựng lại tốt hơn” ban đầu kêu gọi chi 3,5 nghìn tỷ USD để phân bổ cho nhiều lĩnh vực tiến bộ, nhưng sau đó bị cắt giảm một nửa do không thể thuyết phục hai đảng đồng ý. Trong khi sự ủng hộ dành cho kế hoạch “Xây dựng lại tốt hơn” vẫn chưa rõ ràng, gói đầu tư hạ tầng trị giá khoảng 1.000 tỷ USD mà ông đưa ra cũng đang bị trì hoãn.

Nhiều quan chức chính quyền Biden cho rằng các đồng minh sẽ hiểu được sự phức tạp trong tiến trình lập pháp của nước Mỹ và không cảm thấy bối rối. Tuy vậy, một số nhà lãnh đạo quốc tế dường như đã nhận thức rõ về sự suy giảm tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Biden trong các cuộc thăm dò dư luận, triển vọng giành lại chỗ đứng của đảng Cộng hòa tại Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 và khả năng cựu Tổng thống Donald Trump hoặc một nhân vật nào đó có quan điểm tương tự với ông lên nắm quyền khi nhiệm kỳ của ông Biden kết thúc.

Quan điểm của Nhà Trắng, được các quan chức cấp cao trong chính quyền Biden nêu rõ trong cuộc họp báo tại Rome, là các liên minh của Mỹ đã phải chịu những tổn thương lớn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và giờ chính quyền mới đang hàn gắn những mối quan hệ này. Nhà Trắng tin rằng, các đồng minh của Mỹ muốn Tổng thống Biden đạt được nhiều tiến bộ nhất có thể khi ông cam kết gắn bó với liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Benjamin Haddad, Giám đốc Trung tâm Châu Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận xét: “Chính quyền Biden đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về việc thiết lập quan hệ xuyên Đại Tây Dương với chính sách “Nước Mỹ trở lại”. Nhưng có lẽ họ đã kỳ vọng quá lớn vào việc có thể lật ngược những gì đã xảy ra trong 4 năm qua”.

Thuyết phục các đồng minh “Nước Mỹ đã trở lại”

Tổng thống Biden từng tuyên bố Mỹ sẽ là một đối tác gắn kết hơn, ổn định hơn và dễ đoán định hơn với các đồng minh so với thời cựu Tổng thống Trump. Nhưng ngay trong giai đoạn đầu tiên của nhiệm kỳ, ông đã khiến nhiều đồng minh thất vọng khi giải quyết một số vấn đề quốc tế, chẳng hạn như quyết định rút toàn bộ binh sỹ khỏi Afghanistan hay nhất trí với thỏa thuận hỗ trợ Australia đóng tàu ngầm hạt nhân - làm dấy lên một cuộc tranh cãi ngoại giao với Pháp, đồng thời tạo cơ hội cho đảng Cộng hòa chỉ trích.

Ông Biden cũng gây mất lòng một số đồng minh Đông Âu như Ba Lan và Ukraine với quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với những công ty tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức qua Biển Baltic.

Mỹ từ lâu luôn cho rằng, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là mối đe dọa đối với an ninh năng lượng châu Âu vì làm gia tăng sự phụ thuộc của lục địa này vào nguồn cung khí đốt của Nga, tạo điều kiện cho Moscow gia tăng sức ép chính trị lên các nước láng giềng. Tuy vậy, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt sẽ tạo ra mâu thuẫn với Đức – một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ.

Chưa kể, nhiều đồng minh châu Âu cũng phản đối việc chính quyền Biden áp đặt hạn chế đi lại đến Mỹ với công dân của nước nước thuộc Liên minh châu Âu do đại dịch Covid-19.

Trong một động thái mới nhất, Mỹ tuyên bố bố sẽ dỡ bỏ các hạn chế vào tháng 11/2021 vốn đang ảnh hưởng đến khách du lịch từ 33 quốc gia gồm các nước thành viên EU, Trung Quốc, Iran, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ.

Nhà Trắng ngày 30/10 cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại song phương dai dẳng liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ đối với thép và nhôm, qua đó tránh được nguy cơ EU áp thuế trả đũa đối với mô tô, rượu whishkey và các sản phẩm khác nhập khẩu từ Mỹ. Thỏa thuận này được cho là một bước đi nữa trong việc hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ với các đồng minh Châu Âu.

Các thành viên của đảng Dân chủ tại Hạ viện hy vọng sẽ có một cuộc bỏ phiếu về kế hoạch “Xây dựng lại tốt hơn” của Tổng thống Biden, trong đó có cả gói đầu tư cho khí hậu vào ngày 2/11, khi ông kết thúc tham dự hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26. Nhưng vẫn chưa rõ, điều này có được thực hiện hay không. Nếu Quốc hội không thông qua dự luật cần thiết để thực thi hành động chống biến đổi khí hậu thì điều này sẽ giống như việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thêm một lần nữa, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry nhấn mạnh.

William Howell, một nhà khoa học chính trị của Đại học Chicago, cho rằng, những thách thức mà Tổng thống Biden phải đối mặt không hoàn toàn đến từ việc thúc đẩy sự ủng hộ đối với chương trình nghị sự trong nước của ông, mà chủ yếu xuất phát từ thực trạng chính trị của nước Mỹ. “Sự bế tắc, phân cực trong nền chính trị Mỹ sẽ khiến các nhà lãnh đạo nước ngoài lo ngại trước khi tham gia vào những thỏa thuận dài hạn với chúng ta”.

Trước đó hôm qua, Tổng thống Biden đã có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson để điều phối chiến lược về thỏa thuận Iran. Tuyên bố chung của 4 nước bày tỏ quyết tâm nhằm đảm bảo Iran không bao giờ có thể phát triển hoặc có được vũ khí hạt nhân. Cuộc gặp 4 bên này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo ra một lập trường thống nhất, đối lập với những gì từng xảy ra thời chính quyền Trump khi mà vấn đề hạt nhân Iran là một trong những vấn đề tranh cãi chính giữa Mỹ và châu Âu.

Ông Biden cũng đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 29/10, trong một nỗ lực nhằm giải quyết những tranh cãi và bất đồng liên quan đến thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, Anh và Australia, khiến Pháp mất đi thỏa thuận đóng tàu trị giá hàng chục tỷ USD./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thượng đỉnh G7: Cơ hội “có một không hai” giúp ông Biden khôi phục lòng tin với châu Âu
Thượng đỉnh G7: Cơ hội “có một không hai” giúp ông Biden khôi phục lòng tin với châu Âu

VOV.VN - Hội nghị Thượng đỉnh G7 là cơ hội giúp Tổng thống Biden hàn gắn lại quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác, vốn bị rạn nứt dưới thời chính quyền Donald Trump.

Thượng đỉnh G7: Cơ hội “có một không hai” giúp ông Biden khôi phục lòng tin với châu Âu

Thượng đỉnh G7: Cơ hội “có một không hai” giúp ông Biden khôi phục lòng tin với châu Âu

VOV.VN - Hội nghị Thượng đỉnh G7 là cơ hội giúp Tổng thống Biden hàn gắn lại quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác, vốn bị rạn nứt dưới thời chính quyền Donald Trump.

Hậu trường Thượng đỉnh của Biden tiết lộ sự thực tế của châu Âu trước Trung Quốc
Hậu trường Thượng đỉnh của Biden tiết lộ sự thực tế của châu Âu trước Trung Quốc

VOV.VN - Sự thống nhất trong lập trường đối phó với Trung Quốc là điều dễ thấy trong các Thượng đỉnh tuần qua của Tổng thống Biden, nhưng cứng rắn tới đâu và những nước nào sẵn sàng cứng rắn không phải lúc nào cũng giống nhau.

Hậu trường Thượng đỉnh của Biden tiết lộ sự thực tế của châu Âu trước Trung Quốc

Hậu trường Thượng đỉnh của Biden tiết lộ sự thực tế của châu Âu trước Trung Quốc

VOV.VN - Sự thống nhất trong lập trường đối phó với Trung Quốc là điều dễ thấy trong các Thượng đỉnh tuần qua của Tổng thống Biden, nhưng cứng rắn tới đâu và những nước nào sẵn sàng cứng rắn không phải lúc nào cũng giống nhau.

3 Thượng đỉnh ở châu Âu và 1 mục tiêu đối phó với Trung Quốc của Tổng thống Biden
3 Thượng đỉnh ở châu Âu và 1 mục tiêu đối phó với Trung Quốc của Tổng thống Biden

VOV.VN - 3 Hội nghị Thượng đỉnh vừa diễn ra ở châu Âu, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Biden nhưng chủ đề xuyên suốt và đáng chú ý nhất trong cả 3 cuộc gặp này chính là nỗ lực đối phó với Trung Quốc.

3 Thượng đỉnh ở châu Âu và 1 mục tiêu đối phó với Trung Quốc của Tổng thống Biden

3 Thượng đỉnh ở châu Âu và 1 mục tiêu đối phó với Trung Quốc của Tổng thống Biden

VOV.VN - 3 Hội nghị Thượng đỉnh vừa diễn ra ở châu Âu, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Biden nhưng chủ đề xuyên suốt và đáng chú ý nhất trong cả 3 cuộc gặp này chính là nỗ lực đối phó với Trung Quốc.