Ông Trump có thể ngừng cấp quyền công dân bằng sắc lệnh hành pháp?
VOV.VN - Các học giả tin rằng, việc cấp quyền công dân được bảo vệ bởi Tu chính án thứ 14 và không thể bị thay đổi bằng một chữ ký của Tổng thống.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một đoạn phỏng vấn được đăng tải ngày 30/10 nói rằng, ông có ý định ký một sắc lệnh hành pháp chấm dứt việc tự động cấp quyền công dân cho những đứa trẻ mới sinh của những người nhập cư tới Mỹ. Tuy nhiên, chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã nhanh chóng bác bỏ kế hoạch này.
Tổng thống Donald Trump trong cuộc phỏng vấn với Axios. Ảnh: NBC News
Trong một đoạn phỏng vấn với Axios được công bố sáng 30/10, Tổng thống Trump nói rằng, việc tự động cấp quyền công dân cho những đứa trẻ mới sinh “cần phải chấm dứt” và điều này sẽ được thực hiện “bằng một sắc lệnh hành pháp”.
“Chúng ta là nước duy nhất trên thế giới mà người nước ngoài đặt chân lên lãnh thổ, sinh con và đứa trẻ đó lập tức trở thành công dân Mỹ với đầy đủ quyền lợi trong suốt 85 năm. Điều đó thật buồn cười. Và nó cần phải chấm dứt”, ông Trump nói.
Ông Trump cho biết, sắc lệnh hành pháp đang được soạn thảo. Ông cũng đã bàn bạc với đội ngũ cố vấn Nhà Trắng về vấn đề này. “Trước đây mọi người nói với tôi rằng sẽ cần Quốc hội thông qua một tu chính án mới để làm điều này. Nhưng giờ họ nói rằng, tôi có thể làm điều đó và chỉ cần một sắc lệnh hành pháp”.
Đoạn clip của ông Trump với Axios được đăng tải sáng 30/10 chỉ là một phần cuộc phỏng vấn và toàn bộ cuộc phỏng vấn sẽ được phát sóng vào tối Chủ nhật 4/12.
Các nhà lập pháp nói gì?
Nhiều giờ sau khi đoạn phỏng vấn của ông Trump với Axios được công bố, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, người hiếm khi bất đồng với Tổng thống, đã lên tiếng bác bỏ và giải thích rằng, Tổng thống “không thể ngừng cấp quyền công dân cho trẻ mới sinh bằng một sắc lệnh hành pháp”.
“Nghiêm túc mà nói, bạn không thể chấm dứt việc cấp quyền công dân cho trẻ mới sinh bằng một sắc lệnh hành pháp. “Tôi tin vào các văn bản rõ ràng của Hiến pháp và trong trường hợp này, Tu chính án thứ 14 khá là rõ ràng. Và nó sẽ liên quan đến một tiến trình hiến pháp rất rất dài”, ông Ryan nói với đài phát thanh WVLK.
Các thành viên đảng Dân chủ cũng lên tiếng chỉ trích ông Trump sau cuộc phỏng vấn. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi nói: “Tổng thống không có quyền lực xóa bỏ các phần trong Hiến Pháp, nhưng ông ấy và Quốc hội đang do Cộng hòa nắm đa số đã dùng 2 năm để cố làm điều đó”.
Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Lindsey Graham, một đồng minh thân cận của ông Trump nói rằng, ông sẽ giới thiệu một pháp chế tại Thượng viện để có thể chấm dứt việc tự động cấp quyền công dân. “Chính sách tự động cấp quyền công dân cho trẻ mới sinh chính là thỏi nam châm thu hút nhập cư bất hợp pháp, và nó cần phải chấm dứt”, ông Graham nói.
Tổng thống Trump muốn ngừng cấp quyền công dân cho một số trẻ sơ sinh ở Mỹ
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất tự động cấp quyền công dân cho trẻ mới sinh như lời ông Trump nói. Trên thực tế, tính đến năm 2015, ít nhất 32 quốc gia khác đã thông qua luật cấp quyền cho trẻ mới sinh, theo Politifact.
Kết quả một cuộc thăm dò do NBC News/ Wall Street Journal tiến hành, công bố tháng 9/2017 cho thấy, 65% người Mỹ tin rằng, Mỹ nên tiếp tục cấp quyền công dân cho tất cả mọi trẻ em được sinh ra trên nước Mỹ. Chỉ 30% nói rằng quy định này nên thay đổi để những đứa trẻ là con của những người di cư không có hồ sơ sẽ không được tự động cấp quyền công dân.
Sắc lệnh hành pháp của ông Trump, nếu có và khi nó được ký, chắc chắn sẽ đối mặt với những thách thức pháp lý do thực tế cơ chế cấp quyền công dân cho trẻ mới sinh xuất phát từ sự giải thích trong Tu chính án thứ 14.
“Điều khoản công dân” của Tu chính án thứ 14 nói rằng, một đứa trẻ, con của những cha mẹ di cư tới Mỹ, sinh ra tại Mỹ hay trong các vùng lãnh thổ Mỹ sẽ được tự động cấp quyền công dân.
Những tiền lệ tại Tòa án tối cao
Rất nhiều học giả về pháp lý cho rằng vấn đề cấp quyền công dân cho trẻ mới sinh là con của những người nhập cư bất hợp pháp đã từng được giải quyết bằng một quyết định năm 1898 của Tòa án Tối cao Mỹ. Trường hợp khi đó liên quan tới một người đàn ông sinh ra ở Mỹ nhưng có cha mẹ là người Trung Quốc sống bất hợp pháp ở Mỹ.
Sau một chuyến đi nước ngoài, Wong Kim Ark bị chặn tái nhập cảnh vào Mỹ trên cơ sở ông này không phải là công dân Mỹ. Ông khiếu nại và đã thắng. Với tỷ lệ ủng hộ 6/2, Tòa án Tối cao khi đó nói rằng, Tu chính án thứ 14 áp dụng với hầu như tất cả mọi người sinh ra ở Mỹ, ngoại trừ những đứa trẻ là con của kẻ thù của nước Mỹ, con của các nhà ngoại giao nước ngoài, hay những đứa trẻ sinh ra trên lãnh địa Thổ dân Mỹ.
Gần 100 năm sau, năm 1982, Tòa án Tối cao một lần nữa ra phán quyết tương tự đối với con của những người nhập cư bất hợp pháp. Theo đó, bang Texas phải cung cấp chế độ giáo dục công miễn phí cho những đứa trẻ sinh ra trên đất Mỹ dù cha mẹ của những đứa trẻ này là người nhập cư không có hồ sơ.
Trong một chú thích khi đó, Tòa án Tối cao nói rằng, không có sự phân biệt nào trong quy định của Tu chính án thứ 14 đối với các công dân nước ngoài tới Mỹ một cách hợp pháp và những công dân nước ngoài tới Mỹ một cách bất hợp pháp.
Tuy nhiên một số người bảo thủ cho rằng, Tòa án chưa bao giờ trả lời câu hỏi một cách rõ ràng. Theo họ, việc cấp quyền quyền công dân nên dựa trên sự đồng thuận của đôi bên, áp dụng trong những trường hợp khi cha mẹ đồng ý xác nhận tuân thủ luật pháp Mỹ để đổi lại đặc quyền con mình được tuyên bố là công dân Mỹ.
Trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump cũng từng kêu gọi chấm dứt việc tự động cấp quyền công dân cho trẻ mới sinh, nhưng sau khi đắc cử ông vẫn chưa có hành động cụ thể nào.
Trong những tuần gần đây, khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần, ông lại có những tuyên bố cứng rắn hơn về vấn đề nhập cư, khi thường xuyên đăng tải những tuyên bố trên Twitter rằng ông sẽ có những hành động quyết liệt.
Trong một bước đi tương tự, Lầu Năm Góc ngày 29/10 tuyên bố sẽ triển khai thêm 5.200 binh sỹ tới khu vực biên giới Mỹ-Mexico trong tuần này để ngăn chặn hàng nghìn người di cư và tị nạn đang đổ về nước Mỹ./.
Điều 5.000 binh sĩ tới biên giới - Trump tung chiêu trước thềm bầu cử