Tân Tổng thống Iran chỉ trích “nhóm con buôn chiến tranh"

VOV.VN -Ông Hassan Rowhani nói sẵn sàng đàm phán vấn đề hạt nhân nhưng chỉ trích các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Hãng tin Reuters ngày 7/8 bình luận rằng, Tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani đã đưa ra “một cành ô liu” cho Hoa Kỳ trong cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, dấy lên một sự hy vọng về sự tiến triển sau nhiều năm bế tắc.

Ông Rowhani, được phương Tây đánh giá là một nhà lãnh đạo theo đường lối ôn hòa, phát biểu trong cuộc họp báo đầu tiên của ông kể từ khi tuyên thệ nhậm chức rằng ông đã "xác định nghiêm túc" vấn đề giải quyết tranh chấp và đã sẵn sàng để bước vào cuộc đàm phán một cách "nghiêm túc và thực chất".

Tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani tại lễ nhậm chức hôm 4/8 (Ảnh: Reuters)



Hy vọng đạt được một giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân đã làm nên chiến thắng của ông Rowhani trước đối thủ trong cuộc tranh cử tháng Sáu vừa qua. Các cử tri đã tín nhiệm bầu ông hòng thay thế đường lối cứng rắn của cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.

Các nước phương Tây và Israel từng nói họ tin rằng Iran đang cố gắng để đạt được thành tựu vũ khí hạt nhân, nhưng Tehran trước sau đều khẳng định chương trình hạt nhân của mình là hoàn toàn cho nhu cầu dân sự.

Tổng thống Rowhani cho biết Iran sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, mà sẽ duy trì chương trình này "trên cơ sở luật pháp quốc tế".

"Chúng tôi sẽ không bỏ quyền của dân tộc mình", vị Tổng thống 64 tuổi cho biết.

"Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng đàm phán và đối thoại. Chúng tôi đang chuẩn bị, nghiêm túc và tận dụng thời gian, để bước vào đàm phán một cách nghiêm túc và thực chất với các bên liên quan".

"Nếu phía bên kia cũng sẵn sàng như chúng tôi, thì tôi tin tưởng rằng những lo ngại sẽ được loại bỏ thông qua đàm phán, và không tốn thời gian lắm".

Những cuộc đàm phán bế tắc

Theo Reuters, lời nói của Tổng thống Iran tạo ra một cảm giác lạc quan thận trọng ở phương Tây, mặc dù trên thực tế các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran từ lâu đã khiến cả 2 bên thất vọng.

Các cuộc đàm phán cấp cao gần đây nhất giữa Iran và P5+1 đã được tổ chức vào tháng Tư vừa qua và thất bại vì bế tắc.

Kể từ khi ông Rowhani chiến thắng trong các cuộc thăm dò, Mỹ đã cho biết nước này sẽ là một "đối tác sẵn sàng" nếu Iran thực sự muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki có đủ thẩm quyền để khẳng định điều đó trong lời phát biểu hôm thứ Ba (6/8).

Lễ nhậm chức của ông Rowhani "tạo cơ hội cho Iran hành động nhanh chóng để giải quyết mối quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của họ", bà nói.

Nhưng bà Psaki nói thêm, "có những bước đi mà họ cần phải thực hiện để hoàn thành các nghĩa vụ quốc tế và tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này, và quả bóng ở bên sân của họ".

Tổng thống Rowhani, một nhà đàm phán hạt nhân kỳ cựu, tránh trả lời câu hỏi về việc ông có muốn gặp Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Liên Hợp Quốc ở New York hay không.

"Nếu chúng tôi không thấy có chương trình nghị sự bí mật nào và những ý định đều tốt đẹp, thì việc ai gặp gỡ ai hay ai sẽ tham gia đàm phán, chỉ là vấn đề bên lề”, ông Rowhani nói với một nụ cười gượng gạo.

Hy vọng sẽ đoan chắc được cuộc đàm phán của ông Rowhani, phía Nga hôm thứ Ba cho biết cuộc đàm phán tiếp theo giữa Iran và P5+1 sẽ diễn ra vào giữa tháng Chín tới. Ông Rowhani vẫn chưa cho biết tên trưởng đoàn đàm phán của mình là ai.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, đang có chuyến thăm Italy, phát biểu tại một cuộc họp báo, cho biết Nga "hoàn toàn đồng ý" với ông Rowhani, và chỉ trích động thái thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Iran, nói rằng đây là thời gian để đối thoại, không phải để đưa ra tối hậu thư.

Báo chí Nga trích dẫn lời Ngoại trưởng Lavrove, rằng "Đây là thời điểm quan trọng để tiếp cận một cách mang tính xây dựng với giới lãnh đạo Iran".

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng dự định sẽ hội kiến ông Rowhani lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống vào tháng 9.

Trong một bức thư gửi cho tân Tổng thống hôm thứ Ba, Liên minh châu Âu cho biết ông Rowhani có "trọng trách tham gia vào các cuộc đối thoại" và nói thêm rằng họ hy vọng có một vòng đàm phán mới "càng sớm càng tốt".

Áp lực của các lệnh trừng phạt

Ông Rowhani từng cảnh cáo cách tiếp cận của Mỹ mà ông gọi là "củ cà rốt và cây gậy" khi vừa đề xuất đàm phán và vừa siết chặt các biện pháp trừng phạt, những lệnh trừng phạt đã gây tổn hại sâu sắc đến nền kinh tế của Iran trong vòng 18 tháng qua.

Các lệnh trừng phạt này đã khiến kim ngạch xuất khẩu dầu của Iran giảm hơn một nửa so với trước, khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày, làm giảm giá trị tiền tệ của Iran và làm tăng lạm phát một cách đột biến.

Reuters trích dẫn lời ông Rowhani, rằng: "Người ta cho rằng thông qua biện pháp trừng phạt sẽ kiểm soát được các hoạt động hạt nhân của Iran. Điều này là hoàn toàn vô căn cứ, và chính họ cũng nhận thức được thực tế này... Nó không có gì liên quan đến vấn đề hạt nhân. Các biện pháp chỉ để gây sức ép".

Chiến thắng của ông Rowhani đã gây ra 2 luồng ý kiến tại Mỹ, chính quyền của ông Obama thận trọng chào đón một triển vọng đàm phán mới, trong khi nhiều người trong Quốc hội lập luận rằng kết quả bỏ phiếu cho thấy biện pháp trừng phạt đã có hiệu quả.

Washington nên "nhận ra thực tế rằng giải pháp duy nhất là thông qua đàm phán và các mối đe dọa sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào", ông Rowhani nói.

"Nếu bất cứ ai nghĩ rằng có thể đe dọa để áp đặt ý muốn của họ trên đất nước Iran, họ đang có một sai lầm rất lớn. Cách tiếp cận kép này sẽ không mang lại bất kỳ kết quả nào. Vấn đề này lại đặt ra câu hỏi về tính trung thực của các quan chức Mỹ", Reuters trích dẫn lời ông Rowhani nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại cho rằng gây sức ép đối với Iran trên thực tế đã có hiệu quả.

"Tổng thống Iran cho rằng gây sức ép sẽ không đạt hiệu quả gì. Không đúng! Gây sức ép là điều duy nhất đã đạt hiệu quả trong hai thập kỷ qua", ông Netanyahu tuyên bố.

"Và điều duy nhất để đạt hiệu quả bây giờ là gia tăng áp lực. Trước đây tôi đã nói điều đó và tôi sẽ nói lại một lần nữa, bởi vì đó là điều quan trọng. Bạn giảm thiểu áp lực, họ sẽ tìm cách lách đi. Bạn nên duy trì áp lực ".

Ông Rowhani chỉ trích những người mà ông gọi là “nhóm con buôn chiến tranh” trong Hạ viện Mỹ đã biểu quyết gia tăng biện pháp trừng phạt đối với Iran vào tuần trước.

Mỹ và Israel đã nói rằng tất cả các lựa chọn, kể cả hành động quân sự, đều đang để ngỏ nhằm ngăn chặn Tehran có được vũ khí hạt nhân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên