Tiết lộ cuộc điện thoại khiến Bộ trưởng Quốc phòng Anh mất chức
VOV.VN - Mọi việc bắt đầu từ cuộc điện thoại dài 11 phút giữa ông Williamson và phóng viên của tờ Telegraph, trong đó có thông tin về tập đoàn Huawei.
Là nhân vật thân cận, từng giúp bà Theresa May chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 và hỗ trợ bà nhiều công việc, Bộ trưởng Williamson từng tự hào nói rằng: “Tôi có sức ảnh hưởng lớn đối với Thủ tướng”. Nhưng tối 1/5 (giờ địa phương), chính Thủ tướng Theresa May đã ra quyết định sa thải vị Bộ trưởng này. Mọi việc bắt đầu từ một cuộc điện thoại kéo dài 11 phút, trong đó có quyết định quan trọng liên quan tới tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Williamson. Ảnh: WSJ. |
Cuộc trò chuyện “định mệnh”
Quyết định bất ngờ của bà Theresa May được đưa ra sau một cuộc điều tra nhằm làm rõ bằng cách nào nhật báo Telegraph (Anh) biết chuyện chính phủ đang chuẩn bị cho phép tập đoàn Huawei tiếp cận mạng lưới di động 5G của nước này.
"Tối 1/5, Thủ tướng Theresa May đã yêu cầu ông Gavin Williamson rời khỏi chính phủ vì mất niềm tin vào khả năng phục vụ của ông dưới vai trò Bộ trưởng Quốc phòng và là thành viên nội các của Thủ tướng", tuyên bố từ văn phòng Thủ tướng ở phố Downing nêu rõ. “Quyết định của Thủ tướng theo sau một cuộc điều tra về trường hợp tiết lộ thông tin trái phép trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia Anh (NSC)”.
Tờ Huffingtonpost cho biết, khi Bộ trưởng Williamson có cuộc trò chuyện qua điện thoại với phóng viên Steven Swinford của tờ Telegraph thứ 3 tuần trước, ông đã đề cập đến nhiều sự kiện. Theo Hồ sơ truyền thông, cuộc trò chuyện của hai người diễn ra sau hai cuộc họp quan trọng của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) và của nội các Anh cùng ngày hôm đó. Hồ sơ này cũng tiết lộ thời gian và độ dài cuộc trò chuyện.
Tuy nhiên trong cuộc họp kéo dài 2 tiếng đồng hồ với các quan chức điều tra rò rỉ thông tin hôm 26/4, Williamson kiên quyết từ chối cáo buộc ông đã tiết lộ các thông tin mật từ cuộc họp của NSC và khẳng định không bao giờ đả động đến vụ Huawei. Thay vào đó, ông nói về vai trò lãnh đạo của Đảng Bảo thủ (Tory), Brexit và các vấn đề khác. Nhưng rõ ràng, những lời giải thích của ông không làm hài lòng quan chức điều tra và cả Thủ tướng Theresa May. Quan trọng hơn, Thủ tướng May cảm thấy một trong những Bộ trưởng đáng tin cậy nhất của bà đã không thực sự hợp tác trong cuộc điều tra.
Trong bức thư gửi tới Gavin Williamson, Thủ tướng Theresa May đã bày tỏ sự thất vọng và nêu rõ bà không có lựa chọn nào khác ngoài việc sa thải vị Bộ trưởng Quốc phòng này bởi cuộc điều tra cho thấy chính ông Williamson là người đã làm rò rỉ thông tin mật. “Điều quan trọng là tôi đã hoàn toàn tin tưởng vào các thành viên trong Nội các và trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Sự nghiêm trọng của vấn đề và ảnh hưởng của nó đối với hoạt động của NSC cũng như lợi ích quốc gia khiến chúng tôi phải thực hiện biện pháp nghiêm khắc”, bà May tuyên bố.
Ông Williamson ngay lập tức bác bỏ cáo buộc trong một "tâm thư" được đăng tải trên trang Twitter cá nhân tối cùng ngày.
"Tôi mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc cho rằng tôi liên quan đến vụ rò rỉ này và tôi tin tưởng một cuộc điều tra kỹ lưỡng và chính thức sẽ minh chứng cho lập trường của tôi". Ông nói thêm: “Tôi lấy làm tiếc vì mọi người cảm thấy rằng các vụ rò rỉ từ cuộc họp của NSC bắt nguồn từ Bộ Quốc phòng. Tôi tin rằng câu chuyện không phải như vậy" - ông Williamson cho biết.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh, ông đã chọn không chấp nhận đề nghị của Thủ tướng May cho ông từ chức vì điều đó đồng nghĩa với việc ông có tội.
Vai trò của Williamson
Williamson là người quản lý chiến dịch tranh cử then chốt của bà May vào năm 2016. Ông cũng đóng vai trò trung tâm trong các cuộc đàm phán, dẫn tới thỏa thuận quan trọng giữa đảng Bảo thủ và đảng Liên minh Dân chủ (DUP). Theo thỏa thuận, DUP sẽ ủng hộ đảng Bảo thủ do bà May đứng đầu trong các cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Quốc hội Anh nhưng sẽ không thành lập liên minh chính thức với đảng này.
Đối với một số người trong Đảng Bảo thủ, Williamson là một lựa chọn khá khó hiểu cho vị trí Bộ trưởng quốc phòng sau khi người tiền nhiệm Michael Fallon từ chức sau vụ bê bối quấy rối tình dục vào năm 2017, theo Reuters. Tờ Irish Times cho biết, việc bà Theresa May bổ nhiệm ông Williamson làm Bộ trưởng Quốc phòng không được nhiều nghị sỹ ủng hộ.
Sau thông báo, một số nghị sĩ kêu gọi truy tố hình sự đối với ông Williamson. Phó Chủ tịch Công đảng Tom Watson nói, cựu Bộ trưởng Quốc phòng "nên bị truy tố theo Đạo luật Bí mật chính thức (Official Secrets Act). Còn lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Anh Vince Cable cho rằng ông Williamson nên được bàn giao cho Cảnh sát Thủ đô London "để điều tra hình sự kỹ lưỡng". Tuy nhiên, trụ sở cảnh sát London cho biết, họ sẽ không thực hiện bất cứ cuộc điều tra nào cho đến khi "nhận được bất kỳ thông tin cho thấy hành vi phạm tội đã được thực hiện".
Nhiều hoài nghi về quyết định sa thải
Văn phòng Thủ tướng tuyên bố, việc sa thải là cần thiết để bảo vệ sự uy tín của Hội đồng An ninh quốc gia và vai trò của cơ quan này đối với an ninh quốc gia. Song theo giới phân tích, vụ rò rỉ thông tin về Huawei không liên quan đến bí mật tình báo mà liên quan đến một quyết định mua sắm trang thiết bị viễn thông đòi hỏi chính phủ phải xem xét cả lợi ích về mặt thương mại (rằng các thiết bị của Huawei có giá thành rẻ hơn các hãng công nghệ khác và hợp đồng với Huawei sẽ giúp tăng cường quan hệ thương mại giữa Anh với Trung Quốc) và nguy cơ Bắc Kinh “đi bằng cửa sau” để tiếp cận mạng 5G.
Ông Williamson là một trong số ít nhất 5 bộ trưởng trong chính phủ của bà May phản đối mạnh mẽ việc cho phép tập đoàn Huawei của Trung Quốc tiếp cận mạng lưới 5G của Anh trong bối cảnh một số nước đồng minh phương Tây của nước này, bao gồm cả Mỹ, liên tục cảnh báo rằng các sản phẩm của Huawei có thể được Trung Quốc sử dụng để phục vụ cho mục đích do thám.
Ngoài ra, quyết định của nữ Thủ tướng Anh được đưa ra trong thời điểm chính phủ của bà đang đàm phán với Công đảng về thỏa thuận Brexit. Công đảng muốn Thủ tướng Anh ký kết một liên minh hải quan với EU, điều mà bà May trước đây hoàn toàn phản đối. Tuy vậy, một số người cho rằng bà May đang có bước dịch chuyển theo hướng Công đảng mong muốn. Hầu hết các nghị sỹ Bảo thủ, trong đó có ông Williamson, phản đối đề xuất của Công đảng vì cho rằng điều này sẽ khiến Anh không thể có được chính sách thương mại độc lập.
Trong khi đó, các nguồn tin thân cận với ông Williamson cáo buộc vụ sa thải này là do ông Mark Sedwill – Cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng May dàn dựng bởi sau vụ rò rỉ thông tin về tập đoàn Huawei, ông Mark Sedwill là người khởi xướng cuộc điều tra. Quan hệ giữa Williamson và Sedwill được cho là xấu đi trong thời gian gần đây do hai bên thường xuyên bất đồng quan điểm trong nhiều vấn đề. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng từng chỉ trích bản đánh giá an ninh quốc phòng của ông Sedwill.
Quyết định sa thải Bộ trưởng Williamson có vẻ như một động thái đầy mạnh mẽ và quyết liệt của Thủ tướng Theresa May, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nhìn chung bà May vẫn đang ở vị thế khá chông chênh, không chỉ đối mặt với những thách thức về đàm phán Brexit mà còn đối mặt với sự chia rẽ nội bộ, và khó có thể tạo ra được những thay đổi lớn. Ngay sau quyết định sa thải Bộ trưởng Quốc phòng của bà Theresa May được công bố, các nghị sỹ trong đảng Bảo thủ đã kêu gọi nữ Thủ tướng nhân cơ hội này tiến hành một cuộc cải tổ nội các sâu rộng hơn, thay đổi vị trí các thành viên cấp cao nhất trong chính phủ./.
Chiếc ghế của Thủ tướng Anh Theresa May được đảm bảo đến tháng 12
Thủ tướng Anh trước sức ép từ chức khi bầu cử châu Âu đang tới gần