Trung Quốc dọa hủy đàm phán thương mại, lên kế hoạch trả đũa Mỹ

VOV.VN - Trung Quốc đang xem xét từ chối đề nghị đàm phán của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin, nhằm giảm căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Tờ Nhật báo phố Wall đưa tin, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giảm căng thẳng thương mại đang rơi vào bế tắc trong bối cảnh Nhà Trắng đưa ra lời đe dọa mới nhất về việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Ảnh minh họa: THX.

Tờ báo này dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc đang xem xét từ chối lời đề nghị đàm phán do Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin đưa ra bởi nước này không chuẩn bị cho việc đàm phán với “một khẩu súng chĩa vào đầu”. Bên cạnh đó, các quan chức Trung Quốc cũng đang xem xét những biện pháp đáp trả tiềm tàng.

Tuyên bố về việc áp mức thuế mới đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã bị trì hoãn trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc một số điều chỉnh dựa trên những lo ngại được đưa ra trong cuộc trưng cầu ý kiến người dân. Theo một số nguồn tin, Tổng thống Trump có thể cắt giảm danh mục các sản phẩm mà ông có ý định đánh thuế.

Dẫu vậy hôm 13/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị các trợ lý dưới quyền ông đẩy nhanh tiến trình áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc bất chấp các nỗ lực của Bộ trưởng Mnuchin tái khởi động đàm phán với Bắc Kinh nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến thương mại.

Chiến thuật của ông Donald Trump

Một bài xã luận đăng tải trên tờ Global Times ngày 16/9 nhận xét rằng, không có gì mới lạ đối với việc chính quyền Tổng thống Donald Trump cố tình gây leo thang căng thẳng nhằm đạt được thêm nhiều lợi ích tại cuộc đàm phán thương mại, còn Trung Quốc sẽ không “chơi kiểu phòng thủ” khi Mỹ cứ liên tục tấn công trong cuộc chiến thương mại.

Mặc dù Tổng thống Trump tỏ ra sẵn lòng chấp thuận các nỗ lực của ông Mnuchin tái khởi động đàm phán với ông Lưu Hạc (Liu He) - Cố vấn cấp cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, song ông vẫn muốn thể hiện rằng sở dĩ ông miễn cưỡng làm như vậy là theo mong muốn từ phía Trung Quốc. Bởi trên thực tế, những cuộc đàm phán này đã vấp phải sự phản đối từ một số cố vấn có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong chính quyền của ông, chẳng hạn như Peter Navarro - đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà Trắng.

Phát biểu với hãng tin CNBC, ông Martin Gilbert, đồng giám đốc điều hành của công ty đầu tư toàn cầu Standard Life Aberdeen nhận định, Tổng thống Donald Trump là người dày dặn kinh nghiệm trong việc đàm phán. Chiến thuật đàm phán của ông đã được tổng hợp thành cuốn “nghệ thuật đàm phán”, trong đó nhấn mạnh “ hãy yêu cầu 5 tỷ USD khi bạn muốn nhận về 1 tỷ USD”. Điều này đồng nghĩa với việc trên thực tế Tổng thống Trump luôn kỳ vọng ít hơn so với những gì ông đòi hỏi. Theo nhà quan sát này, ông Trump vẫn mong muốn hai bên sẽ đạt được một sự thỏa hiệp.

Về phía Trung Quốc, một số quan chức giữ vai trò cố vấn cho lãnh đạo nước này, đang đề xuất đẩy cuộc chiến thương mại lên một cấp độ cao hơn bằng cách hạn chế bán nguyên vật liệu, thiết bị và các thành phần quan trọng khác cho các nhà sản xuất Mỹ, tờ Nhật báo phố Wall ghi nhận. Những hạn chế này có thể áp dụng cho cả điện thoại iPhone của tập đoàn Apple – vốn được lắp ráp tại Trung Quốc.

Mỹ đang trên cơ?

Trước cuộc họp nội các vào ngày thứ Năm tuần trước (13/9), vốn không được công bố, Tổng thống Donald Trump tự hào viết trên trang mạng Twitter rằng ông đang giành ưu thế trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh và cảm thấy không có áp lực phải giải quyết xung đột. Khi được hỏi về việc liệu ông có lo ngại việc áp đặt mức thuế mới sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán với Trung Quốc hay không, Tổng thống trả lời rằng ông không thấy lo ngại.

Thời gian gần đây, ông Trump cho biết ông sẵn sàng áp thêm thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bên cạnh kế hoạch 200 tỷ USD hiện tại. Điều này đồng nghĩa với việc gần như tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế mới. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn chưa công bố danh mục hàng hóa để khảo sát ý kiến người dân.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc cũng áp thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đe dọa sẽ đáp trả mạnh tay đối với các đợt đánh thuế mới của Mỹ. Hiện vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra sau cuộc họp hôm 13/9 của chính phủ Mỹ liên quan đến quyết định đánh thuế đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Hiện nay, các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn dậm chân tại chỗ. Các quan chức của hai nước đã gặp nhau bốn lần để đàm phán chính thức, gần đây nhất vào tháng 8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế David Malpass đã có cuộc đàm phán với Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm cách gây sức ép buộc Trung Quốc giảm thặng dư thương mại với Mỹ và để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ mà nước này cáo buộc đang bị Trung Quốc lạm dụng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trung Quốc phản ứng Mỹ áp lệnh trừng phạt một công ty Trung Quốc
Trung Quốc phản ứng Mỹ áp lệnh trừng phạt một công ty Trung Quốc

VOV.VN - Công ty thương mại của Trung Quốc này bị cáo buộc có hoạt động thương mại liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Trung Quốc phản ứng Mỹ áp lệnh trừng phạt một công ty Trung Quốc

Trung Quốc phản ứng Mỹ áp lệnh trừng phạt một công ty Trung Quốc

VOV.VN - Công ty thương mại của Trung Quốc này bị cáo buộc có hoạt động thương mại liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Trung Quốc tạo “vũ khí” mới phản đòn Mỹ trong cuộc chiến thương mại
Trung Quốc tạo “vũ khí” mới phản đòn Mỹ trong cuộc chiến thương mại

VOV.VN - Theo giới quan sát, với Hiệp định RCEP, Trung Quốc đang nắm trong tay “vũ khí quyền lực” để có thể giành ưu thế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trung Quốc tạo “vũ khí” mới phản đòn Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Trung Quốc tạo “vũ khí” mới phản đòn Mỹ trong cuộc chiến thương mại

VOV.VN - Theo giới quan sát, với Hiệp định RCEP, Trung Quốc đang nắm trong tay “vũ khí quyền lực” để có thể giành ưu thế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.