Ukraine - nguyên nhân chính gây chia rẽ Đông - Tây, rạn nứt NATO
VOV.VN - Không chỉ Nga và phương Tây bất đồng quan điểm, tình hình hiện nay tại Ukraine cũng cho thấy sự rạn nứt trong nội bộ Liên minh NATO.
1. Ngày 6/2, Hội nghị An ninh Munich lần thứ 51 đã khai mạc tại Đức với sự tham dự của hơn 400 quan chức, trong đó có khoảng 20 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng khoảng 60 Bộ trưởng ngoại giao, Bộ trưởng quốc phòng các nước.
Trọng tâm thảo luận của Hội nghị An ninh lần này là tình hình chiến sự tại Đông Ukraine, khủng bố ở Trung Đông và vấn đề hạt nhân Iran.
Đúng như dự đoán của giới chuyên môn, tình hình chiến sự tại Ukraine đã bao trùm chương trình nghị sự ngày đầu tiên của Hội nghị. Tham dự Hội nghị này, các bên tiếp tục đưa ra các lý do, cũng như đổ lỗi cho nhau về cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng, khối này không theo đuổi chính sách đối đầu với Nga và ngay từ đầu NATO đã không có hành động nào mang tính gây hấn với Nga. Theo ông Stoltenberg, trong tình hình căng thẳng hiện nay, Nga nên có những điều chỉnh chính sách trong vấn đề Ukraine.
Phát biểu đầu tiên trong tư cách nước chủ nhà, Thủ tướng Đức Merkel nhấn mạnh sự can dự của Đức trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên theo bà Merkel, cuộc xung đột không thể được giải quyết bằng quân sự mà phải tìm một giải pháp ngoại giao và châu Âu phải sử dụng thế mạnh của mình là sức ép về kinh tế.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng có lý do để lạc quan về một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine. Tuy nhiên, ông Lavrov cũng chỉ trích việc ngày càng có nhiều ý kiến ở phương Tây nên "cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine" nhưng quan điểm như vậy sẽ chỉ làm trầm trọng thêm "tấn bi kịch ở Ukraine".
Trong khi đó, Phó Tổng thống Joe Biden tuyên bố chính quyền Obama đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng quan hệ với Nga kể từ năm 2009, nhưng từ năm 2012, Tổng thống Putin đã lựa chọn con đường khác. Phó Tổng thống Mỹ khẳng định không tin một giải pháp quân sự có thể giải quyết vấn đề nhưng nhấn mạnh Nga không có quyền làm những gì họ đang làm và người dân Ukraine có quyền tự vệ phản đối.
Có ý kiến cho rằng, Hội nghị An ninh Munich lần này phảng phất không khí Chiến tranh lạnh khi Phó Tổng thống Mỹ phản đối chính sách của Tổng thống Nga Putin; Thủ tướng Đức nhắc lại câu chuyện Bức tường Berlin còn Ngoại trưởng Nga thì tuyên bố gốc rễ khủng hoảng xuất phát từ nỗi ‘ám ảnh của nước Mỹ’ muốn thống trị châu Âu.
Ngày 5/2, Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến thăm Ukraine đã xác nhận việc chính quyền của Tổng thống Obama sẽ sớm quyết định thời điểm cung cấp vũ khí cho Ukraine. Theo đó, chính phủ Mỹ đang cân nhắc khả năng cung cấp cho Ukraine một số loại vũ khí sát thương có tổng trị giá 3 tỷ USD gồm tên lửa chống tăng, xe bọc thép Humvees, trực thăng tấn công không người lái, radar...
Phản ứng trước thông tin này, Nga cho rằng, việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine không chỉ khiến xung đột leo thang ở miền Đông Ukraine mà còn đe dọa an ninh của Nga.
Bản thân trong nội bộ NATO cũng đang có sự chia rẽ về vấn đề này. Tại Hội nghị của NATO diễn ra ngày 5/2, một số Bộ trưởng Quốc phòng các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 5/2 lên tiếng phản đối việc cung cấp vũ khí cho quân đội chính phủ Ukraine, đồng thời cảnh báo sẽ có thể có sự rạn nứt giữa 2 bờ Đại Tây Dương nếu Mỹ quyết định thúc đẩy kế hoạch này.
Phát biểu tại hội đàm ba bên với Tổng thống Ukraine, Petro Oleksiyovych Poroshenko và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lền Hội nghị An ninh Munich, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, việc cung cấp vũ khí cho chính phủ Ukraine sẽ không giúp giải quyết được xung đột tại nước này.
Sau phát biểu này của Thủ tướng Đức, hãng tin Reuters dẫn lời các chính trị gia Mỹ chỉ trích Đức đã quay lưng lại với đồng minh đang trong cảnh khốn khó. Những chỉ trích này cũng cho thấy các rạn nứt trong quan điểm giữa Mỹ và các quốc gia châu Âu trong quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, cuộc gặp 3 bên được kỳ vọng này đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ kết quả cụ thể nào.
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp kéo dài 5 giờ ở điện Kremlin ngày 6/2, ông Dmitri Preskov, người phát ngôn phủ Tổng thống Nga đánh giá cuộc gặp là “mang tính xây dựng”.
Cả 3 nhà lãnh đạo Nga, Pháp và Đức đã nhất trí cùng soạn thảo một văn kiện chung về việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk và sẽ tiếp tục thảo luận qua điện thoại về vấn đề này.
Trước khi tới Nga, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp cũng đã có các cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, một phần trong nỗ lực nhằm thúc đẩy bước đột phá giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine trước khi các nhà lãnh đạo châu Âu xem xét các biện pháp trừng phạt tài chính mới nhằm vào Nga vào tuần tới.
4. Ngày 4/2, một chiếc máy bay ATR-72 của hãng hàng không TransAsia khởi hành từ sân bay Songshan ở Đài Bắc đã gặp nạn chỉ 10 phút sau khi cất cánh. Hình ảnh được camera hành trình trên một chiếc ô tô ghi lại được cho thấy, một cánh máy bay đã va đập xuống một tuyến đường trên cao trước khi máy bay rơi xuống sông.
Thời điểm gặp nạn, trên máy bay có 58 người, trong đó có 31 hành khách từ Trung Quốc đại lục và 5 thành viên phi hành đoàn.
Ngoài 15 người may mắn thoát chết, cho đến nay, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 40 thi thể nạn nhân. Hiện còn 3 người vẫn mất tích.
Kết quả phân tích ban đầu từ các hộp đen của máy bay cho thấy, máy bay gặp sự cố chỉ 37 giây sau khi cất cánh từ sân bay Songshan của Đài Loan. Khi đó, động cơ thứ 2 (bên phải) đã phát tín hiệu cảnh báo cho các phi công. Sau đó, các phi công cũng đã chủ động ngắt điện của động cơ bên trái.
Ủy ban An toàn Hàng không (ASC) cho biết, họ sẽ cung cấp một bản báo cáo chi tiết vào đầu tuần tới trong khi bản báo cáo đầy đủ về nguyên nhân vụ tai nạn chỉ được công bố sau từ 3-6 tháng tới.
Một thông tin cho biết, toàn bộ 71 phi công lái máy bay ATR-72 của hãng hàng không TransAsia sẽ phải kiểm tra kỹ năng sau khi hai chiếc ATR-72 của hãng này gặp nạn chỉ trong vòng 7 tháng qua.
Giám đốc điều hành TransAsia, Peter Chen cho biết, hãng đã đưa ra mức bồi thường ban đầu dành cho các gia đình nạn nhân. Theo đó, mỗi gia đình trước mắt nhận được số tiền 200.000 Đài tệ (tương đương 6.400 USD). Ngoài ra, TransAsia còn hỗ trợ tổng cộng 1,2 triệu Đài tệ (38.000 USD) để chi phí tang lễ cho các nạn nhân thiệt mạng đã được nhận dạng.
Dự kiến ngày 10/2, một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân sẽ được tổ chức ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan.
5. Ngày 3/2, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã công bố đoạn video “gây sốc” về vụ thiêu sống viên phi công Jordan Muath al-Kasaesbeh.
Theo Reuters, kênh truyền hình của IS đăng tải đoạn video dài 22 phút về hình ảnh con tin người Jordan Muath al Kasaesbeh đã bị thiêu sống. Hình ảnh cho thấy, người phi công mặc bộ quần áo da cam bị thiêu sống trong một chiếc lồng.
Ngay lập tức, chính phủ Jordan đã bày tỏ sự căm phẫn về hành vi tàn bạo này của IS đồng thời cảnh báo sẽ trả thù đích đáng. Gần như ngay lập tức, Jordan đã treo cổ nữ khủng bố Hồi giáo người Iraq, Rishawi mà IS ra điều kiện để trao đổi với phi công Kasaesbeh. Jordan cũng hành quyết một thành viên cao cấp của tổ chức khủng bố al-Qaeda.
Quốc vương Jordan Abdullah đã cam kết sẽ “chiến đấu không ngừng nghỉ” với IS ngay trên lãnh địa của chúng. Để chứng minh cho cam kết này, từ 5/2, chiến đấu cơ Jordan đã liên tục tiến hành các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu IS.
Trong một động thái mới nhất, UAE - quốc gia cùng với Jordan tham gia Liên minh chống IS do Mỹ phát động - đã điều chiến đấu cơ F-16 tới Jordan để tham gia không kích các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
6. Chính phủ Hy Lạp ngày 7/2 bắt đầu các phiên làm việc căng thẳng chuẩn bị cho một loạt cuộc gặp quốc tế dự kiến trong tuần tới với các chủ nợ quốc tế.
Đây được xem là tuần quyết định đối với tương lai kinh tế của Hy Lạp, trong bối cảnh quốc gia Nam Âu này đang nỗ lực đàm phán các điều khoản của gói cứu trợ quốc tế.
Trước đó, trong một động thái được xem là đòn cảnh báo cho chính phủ mới tại Hy Lạp, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đêm 4/2 quyết định tạm ngưng các kênh tín dụng ưu đãi cho các Ngân hàng Hy Lạp
Về mặt kỹ thuật, quyết định này đồng nghĩa với việc các ngân hàng Hy Lạp sẽ không còn được vay tiền với lãi suất thấp hơn thông lệ như trước đây và nếu có rủi ro sụp đổ thì các ngân hàng Hy Lạp sẽ phải gánh chịu toàn bộ chứ không còn nhận được sự bảo trợ như trước của ECB.
Về mặt chính trị, đây là một thông điệp rõ ràng và cứng rắn của ECB, một nhân tố quan trọng trong bộ ba troika (ECB, IMF, EU) về việc Hy Lạp phải tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ đã cam kết về thực hiện cải cách để đổi lấy các gói cứu trợ của nhóm.
Theo các quan chức Eurozone, nếu Hy Lạp muốn tiếp tục nhận khoản cứu trợ tiếp theo từ các chủ nợ quốc tế, nước này phải nộp đơn gia hạn gói cứu trợ vào ngày 16/2 tới./.