Ukraine tăng tốc phản công nhưng khó đảo ngược hoàn toàn tình thế

VOV.VN - Cuộc phản công của Ukraine dường như đã đạt được tiến triển ở khu vực phía Bắc, nhưng lại khá hạn chế ở phía Nam, đặc biệt là Kherson – nơi Nga đang dồn sự tập trung với việc điều thêm quân tiếp viện và vũ khí.

Các quan chức Ukraine cho biết, cuộc phản công ở phía Bắc đã gây bất ngờ về tốc độ. Lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra, các lực lượng Ukraine có thể vượt qua tuyến phòng thủ của Nga ở cấp độ chiến thuật. Bước đột phá này của Kiev diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Putin tăng cường sức ép lên thị trường năng lượng châu Âu. Hiện các quan chức Ukraine đang chạy đua với thời gian để chứng minh cho đối tác phương Tây thấy rằng họ có khả năng giành thắng lợi.

Quân đội Ukraine ngày 11/9 cho biết, họ đã giành quyền kiểm soát các ngôi làng tại khu vực xung quanh Kupyansk và Izyum – hai thành phố mà lực lượng Nga rút khỏi vào cuối tuần qua khi các đơn vị Ukraine tiến vào. Hai thành phố này từng đóng vai trò trung tâm trong chiến lược của Tổng thống Putin nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk và Lugansk. Các lực lượng Nga đã sử dụng Izyum làm bàn đạp để tấn công các thị trấn khác trong khu vực.

Tướng Valery Zaluzhny - Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine thông báo quân đội nước này đã đẩy lùi các lực lượng Nga khỏi vùng đất rộng hơn 2.500km2 ở phía Đông khu vực Kharkov kể từ đầu tháng 9. Phía Nga cuối tuần qua cho biết các lực lượng nước này đang rút khỏi Kupyansk và Izyum và tái tập hợp để bảo vệ Donetsk, tăng cường khả năng ứng phó hỏa lực đối phương. Việc Nga bị đẩy lùi khỏi Kupyansk đồng nghĩa họ đánh mất một chốt trung chuyển hậu cần quan trọng phía Đông Bắc Ukraine. 

Trước đó hôm 11/9, Bộ Quốc phòng Nga công bố một bản đồ chiến trường cho thấy các lực lượng nước này đã rời bỏ nhiều khu vực phía Bắc Kharkov – nơi Ukraine tiếp tục đẩy mạnh cuộc phản công.

Các nhà phân tích quân sự phương Tây nhận định, khi các lực lượng Ukraine tiến về phía Đông, nhiều mục tiêu của Nga sẽ rơi vào tầm bắn của các hệ thống tên lửa tiên tiến mà phương Tây cung cấp cho Ukraine. Ukraine đã sử dụng các loại vũ khí chính xác để phá hủy các nguồn cung cấp và hệ thống phòng không của Nga.

Mặc dù Ukraine khó có thể giành được chiến thắng, nhưng việc cải thiện vị thế trên chiến trường sẽ giúp Kiev củng cố sức mạnh của mình trong bất cứ cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga.

Tổng thống Putin vẫn chưa công bố kế hoạch ứng phó với cuộc phản công của Ukraine. Và cũng chưa rõ, việc để mất một số vùng lãnh thổ ở Ukraine có khiến ông tăng cường gây sức ép với phương Tây trong lĩnh vực năng lượng hay không. Trong những tuần gần đây, Nga được cho là đã khiến châu Âu lo lắng khi thông báo ngừng cung cấp vô thời hạn khí đốt tự nhiên cho EU thông qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1), do trục trặc kỹ thuật và đe dọa cắt giảm xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Theo giới phân tích, các chỉ huy Ukraine cần phải đánh giá mức độ khó khăn khi đẩy mạnh tiến công. Ông Jeffrey Edmonds nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới có trụ sở tại Washington cho biết: “Ukraine đã nhanh chóng gặt hái được một số thành công, nhưng thách thức với họ là làm sao để lực lượng không bị dàn mỏng”.

Các lực lượng Ukraine có lợi thế là giành được một số vùng lãnh thổ trên đường tiến quân, vì thế việc phòng thủ hai bên sườn và phòng thủ phía sau sẽ ít được quan tâm hơn so với việc tấn công vào các cứ điểm của đối phương. Ông Jeffrey Edmonds cho rằng, sở dĩ cuộc tấn công ban đầu của Nga vào Kiev hồi tháng 2 vừa qua thất bại vì quân đội nước này đã tiến quá xa so với tuyến đường tiếp tế của họ, khiến việc trang bị cho các binh sỹ bị hạn chế. Điều đó khiến các lực lượng Nga bị suy yếu và Ukraine đã lợi dụng lỗ hổng này để tấn công từ mọi hướng.

Chuyên gia này lưu ý, trên chiến trường, việc tiếp tế nhiên liệu, đạn dược và lương thực đôi khi có thể không theo kịp tốc độ luân chuyển quân. Trong lịch sử, sau khi quân Đồng minh tấn công mở đợt tấn công vào Normandy, năm 1944, đội quân của Tướng Mỹ George S. Patton đã di chuyển hơn 1.126km tới Luxembourg trong vòng vài tuần, nhưng bước tiến của họ đã bị dừng lại, một phần do di chuyển vượt ra ngoài các tuyến đường tiếp tế.

Cùng chung quan điểm này Seth Jones, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn ở Washington cho rằng: “Hậu cần là huyết mạch của bất cứ quân đội nào. Vì thế việc vượt xa tuyến hậu cầu sẽ là một thách thức lớn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên