Yếu tố lợi ích tại Hội nghị cấp cao EU - Trung Quốc
VOV.VN - Trung Quốc và EU sẽ ký một tuyên bố chung coi biến đổi khí hậu là “một trong những hiểm họa lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt”.
Hôm nay 29/6, Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU)- Trung Quốc diễn ra tại Brussels, Bỉ. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện EU- Trung Quốc vốn được xem là một trong những trục quan trọng của thế giới đa cực. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, cái bắt tay chặt hơn giữa EU và Trung Quốc tại Hội nghị cấp cao lần này không chỉ tác động tới hai đối tác lớn này mà còn ảnh hưởng tới khu vực và toàn cầu.
Các chủ đề thảo luận
EU và Trung Quốc dự tính sẽ bàn đến nhiều chủ đề, từ hợp tác kinh tế, bản quyền trí tuệ, hợp tác nghiên cứu, kinh tế số, môi trường, di cư…
Tuy nhiên, có 2 chủ đề lớn sẽ được bàn luận nhiều và đang thu hút sự chú ý của dư luận châu Âu, đó là về các cam kết mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ ký trong Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc hôm nay về vấn đề biến đổi khí hậu.
Trung Quốc và EU sẽ ký một tuyên bố chung coi biến đổi khí hậu là “một trong những hiểm họa lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt”. Đây là một thay đổi rất quan trọng trong quan điểm của Trung Quốc về vấn đề này bởi từ trước đến nay, Trung Quốc và Mỹ luôn tránh đưa ra các cam kết mạnh về biến đổi khí hậu, dẫn đến thất bại của Thượng đỉnh khí hậu năm 2009 ở Copenhagen.
Việc Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới, nền kinh tế thứ hai thế giới và cũng là quốc gia gây ô nhiễm nhất, đưa ra cam kết mới cùng châu Âu là tín hiệu lạc quan cho Thượng đỉnh khí hậu COPE 21 sẽ diễn ra cuối năm nay tại Paris.
Hợp tác kinh tế - Trọng tâm hàng đầu
Một chủ đề lớn thứ hai cũng rất gây chú ý trong Thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần này là hợp tác kinh tế, cụ thể là việc Trung Quốc có thể sẽ đề nghị được tham gia góp vốn vào Quỹ đầu tư chiến lược châu Âu trị giá 315 tỷ euro mà Chủ tịch EU, Jean-Claude Juncker đưa ra cách đây vài tháng.
Trung Quốc cho rằng chương trình này của EU và chương trình “Một con đường, một vành đai” của Trung Quốc có thể bổ trợ cho nhau. Trung Quốc nhiều năm nay đang có tham vọng thiết lập lại “con đường tơ lụa” dài 11.000km, nối Trung Quốc, qua Trung Á, Trung Đông và sang tận châu Âu. Vì thế, Trung Quốc nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đến các kế hoạch đầu tư tại châu Âu và phía EU cũng để mở khả năng sẽ cho một đối tác ngoài châu Âu tham gia góp vốn vào kế hoạch này.
Đối trọng với Nga?
Nhiều ý kiến cho rằng, EU đang muốn bắt tay chặt hơn với Trung Quốc để ngăn Nga – Trung củng cố liên minh, trong bối cảnh EU và Nga liên tục đối đầu và gia tăng trừng phạt lẫn nhau do mâu thuẫn về vấn đề Ucraina. Đây là một trong nhiều nhận định về mối quan hệ giữa hai trong số những thực thể kinh tế lớn nhất thế giới. EU và Trung Quốc là những nhân tố lớn trên thế giới và các hợp tác giữa hai bên luôn có ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ quốc tế, trong đó có quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, trong thời điểm EU đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế thời gian qua và Trung Quốc cũng đang muốn tìm thêm thị trường đầu tư, quan hệ giữa hai bên chủ yếu tập trung vào hợp tác kinh tế.
Đầu tư của Trung Quốc vào EU vẫn còn tương đối nhỏ so với tiềm lực giữa hai bên nhưng đang tăng với tốc độ chóng mặt, đạt con số 55 tỷ USD năm 2014. Các công ty Trung Quốc đang tăng cường hiện diện rất mạnh tại châu Âu, tham gia vào nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, mua lại công ty ở Hy Lạp, Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha…
Vì thế, trong tương lai thì hợp tác kinh tế vẫn sẽ là trụ cột trong quan hệ giữa hai bên chứ chưa phải là hợp tác chính trị. Có thể có những ý muốn từ phía EU không muốn Trung Quốc và Nga quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng đó không phải là tư tưởng chủ đạo chi phối quan hệ giữa hai bên.
EU và Trung Quốc hợp tác trước hết là về lợi ích kinh tế của mỗi bên chứ không phải nhằm cô lập hay đối phó một nước thứ ba như Nga.
Tác động đối với các vấn đề khu vực
Về mặt chính trị, EU thường chọn một thái độ khá ôn hòa với Trung Quốc vì không muốn mất lòng đối tác kinh tế lớn này. Điều này, cộng thêm với việc quan hệ kinh tế giữa hai bên ngày càng lớn, có thể sẽ khiến cho EU không dám lên tiếng mạnh trong một số chủ đề lớn trong quan hệ quốc tế có liên quan đến Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, về mặt chính trị, hai bên cũng còn tồn tại nhiều vấn đề còn nghi kỵ nên Trung Quốc chưa thể có được sự ủng hộ của EU với mọi vấn đề mà họ mong muốn./.