Thái Lan một tháng sau đảo chính: người dân đã thực sự hài lòng?
VOV.VN - Đa số người dân cho rằng ban lãnh đạo đảo chính đang gặp một số khó khăn, trở ngại do chưa có kinh nghiệm điều hành đất nước.
Ngày 23/6, báo chí Thái Lan đã phản ánh khá đậm nét về đánh giá của dư luận xã hội và chính giới Thái Lan đối với tình hình nước này trong 1 tháng qua, kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự ngày 22/5.
Theo cuộc thăm dò dư luận của Viện nghiên cứu Dusit của Thái Lan vừa công bố hôm 22/6, có hơn 90% số người được hỏi bày tỏ sự hài lòng ở mức độ khác nhau đối với các hoạt động của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia, vì Ủy ban này đã giúp khôi phục ổn định tình hình an ninh trật tự, giải quyết nhanh và hiệu quả một số vấn đề cấp bách về kinh tế - xã hội của Thái Lan.
Binh sỹ Thái Lan đang được lòng người dân nước này (Ảnh Guardian)
Tuy nhiên, đa số người dân Thái Lan cho rằng ban lãnh đạo đảo chính đang gặp một số khó khăn, trở ngại, chủ yếu là do giới chỉ huy quân sự không thông thạo công việc quản lý điều hành đất nước và vẫn còn một bộ phận dư luận phản đối đảo chính và phản đối việc hạn chế một số quyền tự do cơ bản của nhân dân.
Đáng chú ý, trong cuộc thăm dò dư luận của Viện nghiên cứu về khoa học quản lý của Thái Lan công bố cùng ngày cho biết, có 41,30% số người được hỏi ủng hộ Đại tướng Prayuth Chan-ocha - người đứng đầu Ủy ban Bảo vệ trật tự Quốc gia, lên làm Thủ tướng của Chính phủ lâm thời trong thời gian sắp tới.
Trong khi đó, dư luận chính giới Thái Lan không bình luận nhiều về diễn biến tình hình Thái Lan trong 1 tháng qua; song họ rất quan tâm tới lộ trình cải cách của Ủy ban Bảo vệ trật tự Quốc gia.
Đại diện ban lãnh đạo đảng Vì nước Thái bày tỏ ủng hộ cải cách, song mong muốn Ủy ban bảo vệ trật tự Quốc gia phải thể hiện sự quyết tâm thúc đẩy tiến trình cải cách trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch đối với các phe phái, tầng lớp trong xã hội; đặc biệt quan tâm thích đáng tới quyền lợi của dân nghèo và những người ít có cơ hội.
Đại diện ban lãnh đạo đảng Dân chủ lại nhấn mạnh việc không nên để các chính đảng tham gia vào cơ chế Hội đồng cải cách để tránh gia tăng mâu thuẫn; đồng thời những cải cách phải được thể hiện thành văn bản luật để đảm bảo tính hiệu lực về lâu dài.
Theo một số nhà phân tích chính trị Thái Lan, trong một vài tháng tới, Ủy ban Bảo vệ trật tự Quốc gia sẽ triển khai thực hiện tiến trình cải cách với việc ban hành Hiến pháp tạm thời, thành lập Hội đồng lập pháp Quốc gia, Hội đồng cải cách và thành lập Chính phủ lâm thời, soạn thảo Hiến pháp mới.
Khi đó, tình hình Thái Lan sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong việc lựa chọn người tham gia các cơ chế nêu trên, cũng như sẽ có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về nội dung cải cách cả về chính trị - kinh tế - xã hội.
Đó là chưa kể sức ép của dư luận quốc tế vẫn đang thúc giục ban lãnh đạo đảo chính phải sớm khôi phục dân chủ và tiến hành tổng tuyển cử ở Thái Lan.
Do đó, tiến trình cải cách sẽ là thách thức lớn đối với Ủy ban Bảo vệ trật tự quốc gia. Những hình thức, nội dung cải cách chỉ có thể đạt được sự đồng thuận, chấp nhận của các tầng lớp xã hội và chính giới Thái Lan, nếu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia thực sự công tâm, vì lợi ích chung của đất nước; đồng thời thực sự tôn trọng các nguyên tắc và thể chế dân chủ./.