Thế giới 24h: Châu Âu đau đầu về an ninh đường sắt
VOV.VN - Các quan chức châu Âu phải “đi trên dây” giữa nhu cầu an ninh đường sắt và nhu cầu đi lại thông suốt...
1. Tăng cường kiểm soát, tuần tra và trao đổi thông tin tình báo, song không “phản ứng thái quá” trước các mối đe dọa khủng bố - đây là tuyên bố chung được Bộ trưởng Nội vụ và Giao thông 9 nước châu Âu có tuyến đường sắt nối liền đưa ra sau cuộc họp khẩn diễn ra hôm qua (29/8) tại thủ đô Paris, Pháp, 9 ngày sau vụ xả súng nhằm vào một đoàn tàu tốc hành từ Amsterdam (Hà Lan) tới Paris (Pháp).
Châu Âu siết chặt an ninh trên tàu cao tốc. Ảnh: DPA. |
Với sự tham gia của 9 nước châu Âu có tuyến đường sắt nối liền, gồm 8 nước thành viên Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ, cuộc họp ngày hôm qua được tổ chức nhằm tìm ra một giải pháp hữu hiệu, dung hòa được giữa an ninh và tự do đi lại.
2. Một cựu quan chức cấp cao Mỹ vừa nhận xét: Nga không có ý định tấn công bất cứ thành viên nào của tổ chức quân sự NATO.
Các quan chức phương Tây cả trong quá khứ và hiện tại thường đổ lỗi cho Nga về nội chiến Ukraine và miêu tả Moscow như một mối đe dọa trước mắt đối với các quốc gia thành viên của khối NATO, đặc biệt là các nước Baltic.
Thế nhưng vị cựu “tham mưu trưởng” Lawrence B. Wilkerson của Ngoại trưởng Colin Powell cho rằng các mối quan ngại này không có cơ sở.
3. Hàng chục ngàn người Malaysia rầm rộ biểu tình ở thủ đô Kuala Lumpur và những nơi khác để đòi Thủ tướng Razak từ chức do scandal tài chính.
Thủ tướng Malaysia Najib đang đối mặt với các cuộc biểu tình rầm rộ đòi ông từ chức. Ảnh: AP. |
Những người biểu tình tức tối trước việc tài khoản của Thủ tướng Razak nhận được một khoản tiền thanh toán là 700 triệu USD từ các nguồn nước ngoài không nêu rõ tên.
Vụ chuyển khoản này bị lộ vào tháng trước trong một cuộc điều tra về cáo buộc sai phạm trong quản lý tại một quỹ tài chính.
Thủ tướng Najib đã phủ nhận mình có bất cứ sai phạm nào.
Lãnh đạo nhóm biểu tình khẳng định họ không chống chính phủ. Bà này nói: “Chúng tôi không muốn lật đổ chính phủ mà chỉ muốn lật đổ các chính trị gia tham nhũng”.
4. Người đàn ông bị bắt giữ có liên quan đến vụ đánh bom tại đền thờ Erwan ở Bangkok vào hôm 17/8 nhiều khả năng không phải là phần tử khủng bố quốc tế.
Đây là thông tin được Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Thái Lan Somyot Poompanmoung đưa ra ngày 29/8. Ông Somyot cũng cho biết động cơ thực hiện vụ tấn công có thể do thù hận cá nhân.
Người phát ngôn cảnh sát quốc gia Prawut Thavornsiri cũng cho biết, nghi phạm này sử dụng hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ giả. Cảnh sát cũng thu giữ được nhiều hộ chiếu giả cũng như một số bằng chứng liên quan đến vụ đánh bom.
5. “Hội đồng làng” ra lệnh hiếp dâm 2 chị em gái – đó là chuyện đau lòng mới xảy ra ở Ấn Độ.
Một ngôi làng ở quốc gia Nam Á này vừa ra lệnh diễu 2 chị em gái trần truồng đi khắp làng rồi hiếp 2 cô gái trẻ này để trừng phạt người anh/em trai của họ.
Người anh/em trai của 2 cô gái tội nghiệp này đã bỏ đi cùng với một phụ nữ có chồng thuộc đẳng cấp cao trong xã hội Ấn Độ truyền thống.
Thế là, hội đồng làng Baghpat ở bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) ra phán quyết rằng chỉ có việc cưỡng hiếp người chị gái (23 tuổi) và người em gái (15 tuổi) của nam thanh niên mới có thể khôi phục danh dự cho gia đình của người chồng bị vợ bỏ....
6. Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/8 lần đầu tiên tham gia vào liên quân quốc tế không kích các mục tiêu nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria.
Các cuộc không kích chung được thực hiện theo thỏa thuận kĩ thuật giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, kí vào đầu tuần này sau nhiều tháng đối thoại.
Người phát ngôn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, máy bay của nước này đã tấn công các mục tiêu IS qua khu vực biên giới tại Syria, vì cho rằng đây là những mối đe dọa đối với an ninh Thổ Nhĩ Kỳ./.