Thế giới 24h: Mỹ đưa tàu vào Biển Đông, Trung Quốc phản ứng dữ dội
VOV.VN- Bộ Quốc phòng Trung Quốc tối 30/1 tuyên bố việc Mỹ điều tàu khu trục đi qua vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn là “vô trách nhiệm và hết sức nguy hiểm”.
1. Reuters dẫn lời Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh, sau khi Mỹ điều tàu USS Curtis Wilbur vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn- thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép- Trung Quốc đã ngay lập tức có động thái đáp trả.
Tàu khu trục USS Curtis Wilbur của Mỹ. Ảnh AP |
Theo đó, tàu Hải quân Trung Quốc đã yêu cầu tàu USS Curtis Wilbur phải tiến hành thủ tục nhận dạng và cảnh báo tàu này tránh xa khu vực nói trên.
“Quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia bất chấp Mỹ có bất kỳ hành động khiêu khích như thế nào đi chăng nữa”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố lên án hành động nói trên của Mỹ.
Trước đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Đại tá Jeff Davis cho biết, việc Mỹ điều tàu khu trục USS Curtis Wilbur đi qua vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn là nhằm thách thức việc Trung Quốc ra yêu sách yêu cầu các tàu đi qua các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép hoặc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phải xin phép trước.
“Chúng tôi sẽ không thông báo trước việc đi qua các đảo nói trên cho bất kỳ ai và điều này là hoàn toàn phù hợp với những gì chúng tôi đã làm trước đây cũng như tuân thủ đúng luật pháp quốc tế”, ông Davis nói.
Tàu chiến Mỹ tiếp tục đi vào vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn
2. Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/1 cảnh báo Nga về hậu quả nghiêm trọng sau khi cáo buộc một chiến đấu cơ Su-34 của Nga vi phạm không phận của nước này.
Vụ việc một lần nữa lại làm bùng lên những căng thẳng mới trong mối quan hệ hai nước vốn đã xấu đi thời gian qua.
Một chiếc chiến đấu cơ Su-35 của Nga. Ảnh AP |
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập Đại sứ Nga tại thủ đô Ankara để phản đối. Trong một thông cáo Ankara cáo buộc Moscow đang cố tình làm căng thẳng giữa hai nước leo thang.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan ngay sau vụ việc yêu cầu gặp ngay Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Phản ứng lại, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashencov lên tiếng khẳng định không có chiếc Su-34 nào vi phạm chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời cho rằng cáo buộc của Ankara là sự bịa đặt vô căn cứ và rằng đó chỉ là một chiêu bài “tuyên truyền” nhằm khiêu khích.
Mỹ, NATO cảnh báo Nga về vụ Su-34 xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ
3. Quân đội Syria ngày 30/1 đã dập tắt hàng loạt các cuộc tấn công của tổ chức Mặt trận al-Nusra tại tỉnh miền Nam Quneitra.
Sputnik News dẫn lời quân đội Syria cho biết, một nhóm phiến quân al-Nusra đã cố đánh chiếm các khu vực chiến lược trong tỉnh như Jaba, Bozaq và cao nguyên Korom.
Các binh sĩ quân đội Syria ăn mừng chiến thắng. Ảnh Reuters |
Tuy nhiên, quân đội Syria đã biết trước kế hoạch của chúng và nhanh chóng đẩy lùi các cuộc tấn công của chúng cũng như tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên phiến quân sau 8 giờ giao tranh ác liệt.
Trước đó, hồi đầu tháng 1, quân đội Syria tuyên bố đang giao tranh ác liệt với các nhóm khủng bố ở phía Đông tỉnh Quneitra.
“Khu vực phía đông làng Mashara là nơi diễn ra các cuộc đụng độ giữa quân đội Syria và các nhóm phiến quân khủng bố và chúng đã phải tháo chạy sau khi hàng chục tên bị tiêu diệt và bị thương”, quân đội Syria cho biết.
Phe đối lập tại Syria dọa rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình
4. Cơ quan Cảnh sát hình sự châu Âu (Europol) ước tính, có khoảng 10.000 trẻ em tị nạn biến mất sau khi đăng ký với nhà chức trách Châu Âu.
Europol vừa lên tiếng báo động về thực trạng ít nhất 10.000 trẻ em tị nạn không có người thân đi kèm đang "mất tích" sau khi đặt chân đến châu Âu và nhiều em có thể đã rơi vào tay các băng nhóm tội phạm.
Một đứa trẻ tị nạn ở châu Âu. Ảnh AFP |
Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Observateur của Anh, người đứng đầu cơ quan tình báo hình sự quốc tế, Brian Donarld cảnh báo, vấn đề người di cư ở châu Âu đang diễn biến rất phức tạp.
Bên cạnh những mối lo về an ninh, sự hòa nhập cộng đồng thì tình trạng trẻ em di cư một mình sang châu Âu đang gây ra những hậu quả rất đáng lo ngại.
Theo ước tính, có khoảng 10.000 trẻ em tị nạn biến mất sau khi đăng ký với nhà chức trách Châu Âu. Chỉ riêng ở Italy có khoảng 5.000 trẻ em tị nạn mất tích trong khi ở Thụy Điển con số này là hơn 1.000 em.
Đức: Người tị nạn phải trở về quê hương nếu chiến tranh kết thúc
5. Ngày 31/1, Thủ tướng Anh David Cameron đã gặp Chủ tịch EU Donald Tusk để thảo luận về việc nước Anh nên ở lại hay rời khỏi EU.
Thủ tướng Anh bày tỏ hi vọng rằng một thỏa thuận liên quan đến đề xuất cải cách EU của Thủ tướng Cameron sẽ đạt được tại một Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 18-19/2 tới tại Brussels (Bỉ), mở đường cho London tiến hành cuộc trưng cầu ý dân ngay trong tháng 6 năm nay về việc nước Anh sẽ ra đi hay ở lại EU.
Ông Cameron đang chờ đợi câu trả lời của EU trước khi quyết định có thực hiện Brexit hay không. Ảnh AP |
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Cameron yêu cầu được sử dụng “quyền phanh khẩn cấp” ngay sau khi cuộc trưng cầu ý dân đồng ý việc Anh ở lại khối, đồng thời khẳng định quyền đặc biệt nhằm ngăn chặn người di cư chỉ là một giải pháp tạm thời.
Tháng 12/2015, Thủ tướng Cameron đã đệ trình một danh sách trong nhấn mạnh những lĩnh vực EU cần phải cải cách. Đó là hạn chế phúc lợi đối với gười nhập cư trong EU, biện pháp bảo vệ chống lại sự hôi nhập chính trị nhiều hơn trong EU, cơ chế bảo vệ các nước không sử dụng đồng tiền chung Euro và tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế giữa các nước thành viên.
Về phần mình, ông Tusk bày tỏ hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận giữ Anh lại EU tại hội nghị thượng đỉnh khối vào tháng 2 tới mặc dù yêu cầu chính trong danh sách mà Thủ tướng Anh đệ trình liên quan tới lợi ích của người nhập cư vẫn chưa đạt được sự đồng thuận từ các quốc gia khác trong khối.
6. Cảnh sát chống Mafia của Italy ngày 29/1 đã bắt giữ 2 trùm Mafia sau khi phát hiện ra chúng “sống như súc vật” trên một ngọn núi.
AFP dẫn lời cảnh sát Italy ngày 30/1 cho biết, 2 tên Giuseppe Ferraro, 47 tuổi và Giuseppe Crea, 37 tuổi đều là thành viên của nhóm Mafia cực kỳ có thế lực Ndrangheta. Cả Ferraro và Crea đều có tên trong danh sách những tên tội phạm nguy hiểm nhất đang lẩn trốn.
Một trong 2 tên trùm Mafia bị bắt giữ. Ảnh AFP |
Tên Ferraro bị kết án vắng mặt với cáo buộc giết hại dã man rất nhiều người được mô tả là “cực kỳ nguy hiểm”. Trước khi bị bắt hắn đã lẩn trốn suốt 18 năm.
Băng đảng của tên Ferraro được cho là có liên quan đến việc sát hại Domenico Bonarrigo, một trùm mafia khác trong một cuộc chiến tranh giành lãnh thổ.
Băng đảng của tên Bonarrigo đã trả thù việc này bằng cách bắt tên Francesco Raccosta, kẻ được cho là nổ súng tiêu diệt Bonarrigo, cho lợn ăn sống vào năm 2013.
Trong khi đó, tên Crea bị tình nghi tổ chức sát hại Francesco Inzitari, con trai của một trùm Mafia đối thủ vào năm 2009./.