Thế giới 24h: Xác định được danh tính các nghi phạm khủng bố ở Jakarta
VOV.VN - Người phát ngôn cảnh sát quốc gia Indonesia Anton Charliyan cho biết, 4 trong số 5 đối tượng thực hiện vụ tấn công đã được xác định danh tính
1. Cảnh sát Indonesia hôm nay được đặt trong tình trạng báo động cao nhất, 1 ngày sau các vụ tấn công đẫm máu ở trung tâm thủ đô Jakarta, mà nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm.
Trong khi đó, các cuộc điều tra đang được tiến hành và cảnh sát Indonesia cũng đã xác định được danh tính các tay súng tham gia thực hiện vụ khủng bố.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Jakarta. (Ảnh: thejakartapost) |
Phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Jakarta, người phát ngôn cảnh sát quốc gia Indonesia Anton Charliyan cho biết, 4 trong số 5 đối tượng thực hiện vụ tấn công đã được xác định, song từ chối công bố danh tính. Ông cũng cho biết thêm, bằng chứng về mối liên hệ giữa những tên này với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã được tìm thấy khi cảnh sát lục soát nhà của một trong số những kẻ tình nghi.
Trước đó, truyền hình Indonesia đưa tin, cảnh sát nước này đã bắt giữ 3 đối tượng tình nghi có liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Jakarta hôm qua (14/1) làm 7 người thiệt mạng và 20 người khác bị thương.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án vụ tấn công. Trong thông cáo báo chí ngày 14/1, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc và chia buồn tới gia đình các nạn nhân, nhân dân và Chính phủ Indonesia.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thì cho rằng, không có gì có thể biện minh cho hành vi tàn ác của chủ nghĩa khủng bố; đồng thời bày tỏ hy vọng rằng thủ phạm của vụ tấn công "sẽ được nhanh chóng đưa ra trước ánh sáng công lý".
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng lên án vụ tấn công trên đồng thời nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ “chú trọng hơn trong cuộc chiến chống khủng bố”.
Cùng ngày, Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah cũng đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Indonesia Joko Widodo và lên án vụ tấn công tại Jakarta.
Indonesia xác định danh tính các thủ phạm loạt vụ tấn công tại Jakarta
Indonesia bắt 3 nghi phạm liên quan đến vụ tấn công ở Jakarta
2. Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez ngày 14/1 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước sẽ nhóm họp tại Washington cuối tuần này để bàn về vấn đề an ninh ở Biển Đông.
“Chúng tôi nhất trí rằng hai bên có thể cùng tham gia tuần tra chung ở Biển Đông và hai nước cần tăng cường sự hiện diện chung trong khu vực”, ông Galvez nói.
Tàu USS Lassen từng được Mỹ điều đến Biển Đông để tuần tra quanh các đảo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp. (Ảnh: AP) |
Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Tư lệnh Bill Urban cho biết, Mỹ đã tham gia “vào rất nhiều các hoạt động phòng vệ chung” với các đồng minh, bao gồm các đợt tập trận, huấn luyện tăng cường năng lực chiến đấu và chia sẻ thông tin tình báo.
“Chúng tôi xem xét và đánh giá về cách thức để các bên có thể cải thiện và tăng cường hợp tác quân sự nhằm đối phó tốt hơn với các thách thức tỏng khu vực”, ông Urban nói.
Dù không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng Mỹ vẫn chỉ trích những hành vi hiếu chiến của Trung Quốc và cam kết sẽ bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực.
Mỹ đã từng điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen và máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 đến các đảo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp nói trên.
Quan chức Mỹ khẳng định, Mỹ sẽ vẫn tiến hành thêm các cuộc tuần tra tương tự. Tuy nhiên, họ vẫn đang bàn thảo về thời điểm thực hiện các vụ tuần tra sắp tới.
Philippines mời Mỹ sử dụng 8 căn cứ quân sự
3. Nga đã lên tiếng sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 3 đối tượng người Nga bị tình nghi có liên quan đến vụ đánh bom đẫm máu tại Istanbul, chỉ trích thái độ không hợp tác của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh 2 nước đang đối đầu căng thẳng nhất trong nhiều năm qua sau vụ chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi.
An ninh được tăng cường sau khi xảy ra vụ đánh bom liều chết tại thành phố Istanbul hôm 12/1. (Ảnh: Reuters) |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm qua (14/1) cho biết, một người Nga trong số những kẻ tình nghi bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ sau vụ tấn công khủng bố ở thành phố Istanbul bị nghi ngờ có liên hệ với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng; đồng thời chỉ trích thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với những kẻ tình nghi này. Bà cho biết, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên từ chối “hợp tác” với cả chính quyền Liên bang Nga.
Ngay sau vụ đánh bom, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/1 đã bắt giữ 3 công dân Nga tình nghi có liên hệ với IS. Cảnh sát cũng đã tịch thu nhiều tài liệu và đĩa CD khi khám xét nơi ở của 3 đối tượng này. Trong khi đó, hãng tin Tass của Nga đưa tin, Tổng lãnh sự quán Nga tại thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ, đã xác nhận thông tin 3 công dân nước này bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ.
Thủ phạm đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ đã giả làm người tị nạn Syria
4. Hôm nay tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ diễn ra cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria.
Cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm qua ở Syria vẫn chưa có hồi kết. (Ảnh: AFP) |
Được tổ chức theo yêu cầu của Mỹ, Pháp và Anh, cuộc họp là nhằm gây sức ép buộc các bên tham chiến tại Syria nới lỏng vòng vây đối với các khu vực chiến sự, trong đó có thị trấn Madaya, tâm điểm quan tâm những ngày qua của cộng đồng quốc tế sau khi xuất hiện hình ảnh về nạn đói trầm trọng tại khu vực này.
Trong một phát biểu trước thềm cuộc họp, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ sự phẫn nộ và cho rằng, việc sử dụng nạn đói như một loại vũ khí là một tội ác chiến tranh.
Trong khi đó, Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre cho rằng, yêu cầu về một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng là nhằm góp phần tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho việc khôi phục các cuộc đàm phán giữa chính quyền và phe đối lập tại Syria, mà theo kế hoạch là vào ngày 25/1 tới tại Geneva. Chính phủ Nga cũng cho biết, các Ngoại trưởng Nga và Mỹ ngày 20/1 tới sẽ gặp nhau tại thành phố Zurich, Thụy Sĩ để thảo luận về cuộc xung đột Syria.
Điện đàm Obama–Putin: Vẫn bất đồng sâu sắc về vấn đề Ukraine và Syria
5. Các quan chức của Bộ quốc phòng Trung Quốc và Hàn Quốc hôm nay tiến hành đàm phán về vụ thử hạt nhân mới nhất của CHDCND Triều Tiên, tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phải chịu áp lực trước việc thay đổi cách tiếp cận đối với Triều Tiên.
Đại diện Bộ quốc phòng Trung Quốc và Hàn Quốc đàm phán về vụ thử hạt nhân mới nhất của CHDCND Triều Tiên. (Ảnh: AFP) |
Phát biểu với báo chí sau cuộc đàm phán, trưởng đoàn đàm phán của Hàn Quốc Yoon Soon-ku cho biết, Trung Quốc bày tỏ sự sẵn sàng thông qua nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với CHDCND Triều Tiên. Theo ông Yoon Soon-Ku, Trung Quốc tái khẳng định sự phản đối việc phát triển chương trình hạt nhân và các vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Bên cạnh đó, hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Cuộc đàm phán diễn ra hai ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hối thúc Trung Quốc gây ảnh hưởng đối với Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Bà Park cũng tuyên bố sẽ sử dụng vai trò thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thúc đẩy các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên./.