Thế giới tiếp tục phản đối Trung Quốc thiết lập ADIZ
VOV.VN - Mỹ, Nhật cảnh báo Trung Quốc: “Nỗ lực thay đổi hiện trạng sẽ không bao giờ được chấp nhận”.
Việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông tiếp tục gây ra phản ứng mạnh mẽ của các nước trong khu vực cũng như Mỹ. Theo thông báo của Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có chuyến thăm Đông Bắc Á vào tuần tới và sẽ có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nhằm tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng hiện nay ở Đông Bắc Á.
Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc tuyên bố (Ảnh: AFP) |
Các nước liên quan tiếp tục có những phản ứng sau khi Mỹ thông báo 2 máy bay B-52 nước này ngày 27/11 đã bay qua khu vực mà Trung Quốc tuyên bố xác lập Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận có sự hiện diện của hai máy bay B-52, đồng thời cho biết nước này sẽ tiếp tục giám sát và nhận diện tất cả các máy bay của Mỹ bay qua khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tại một cuộc họp báo ngày 27/11 tái khẳng định: “Việc thiết lập Vùng nhận diện phòng không là nhằm thực thi quyền tự vệ của Trung Quốc. Chúng tôi đã thông báo cho các nước liên quan về việc này. Chúng tôi mong muốn tăng cường liên hệ với các nước liên quan để duy trì hòa bình và ổn định và an toàn các chuyến bay”.
Ông Tần Cương nhấn mạnh rằng, Chính phủ Trung Quốc quyết tâm và có đủ khả năng bảo vệ chủ quyền và an ninh đất nước cũng như kiểm soát hiệu quả vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông.
Trong khi đó, Nhật Bản và các nước liên quan tiếp tục bày tỏ quan ngại về động thái của Trung Quốc. Tại cuộc điện đàm tối 27/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã cùng bày tỏ “quan ngại mạnh mẽ” về việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông. Mỹ và Nhật Bản cũng đã nhất trí gửi đến Trung Quốc thông điệp: “Nỗ lực thay đổi hiện trạng sẽ không bao giờ được chấp nhận”.
Trong một phản ứng trước đó cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chỉ trích Trung Quốc có ý đồ "sử dụng vũ lực và có những hành động đơn phương" nhằm xoay chuyển cán cân sức mạnh trong khu vực. Chính quyền của ông Abe cũng đang cân nhắc mở rộng vùng nhận diện phòng không của Nhật Bản trên Thái Bình Dương.
Trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng hiện nay, Nhà Trắng thông báo, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nêu những quan ngại của Mỹ về việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không trong chuyến thăm Đông Á vào tuần tới.
Theo một quan chức Nhà Trắng, trong các cuộc gặp này, ông Biden sẽ nói rõ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng việc thiết lập Vùng nhận diện phòng không này sẽ khiến các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại và làm dấy lên những câu hỏi về cách thức Trung Quốc hoạt động trên không phận quốc tế, cũng như trong việc xử lý bất đồng với các nước xung quanh.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 28/11 ra tuyên bố cho biết, việc Trung Quốc đơn phương định ra vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông không ảnh hưởng tới việc Hàn Quốc sử dụng đảo I eo, thuộc cực Nam đảo Jeju của Hàn Quốc. Theo nhà chức trách Hàn Quốc, vùng nhận diện phòng không mà Trung Quốc xác lập chồng lấn lên vùng trời của Hàn Quốc ở phía Tây đảo Jeju, bao gồm cả vùng trời trên đảo I eo.
Không chỉ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc mà cả Australia cũng lên tiếng phản đối quyết định của Trung Quốc. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ngày 28/11 nhắc lại rằng, Australia đã triệu Đại sứ Trung Quốc đến để bày tỏ lo ngại về động thái trên, đồng thời khẳng định Australia không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ
“Chúng tôi không bao giờ đứng về bên nào liên quan các tranh chấp. Điều chúng tôi lo ngại là những hành động đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng và lo ngại về những tính toán sai lầm. Đó là lý do chúng tôi bày tỏ lo ngại với Đại sứ Trung Quốc và để khẳng định chính sách của chúng tôi là phản đối mọi hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực tranh chấp lãnh thổ”, Ngoại trưởng Australia nêu rõ.
Việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông hôm 23/11 đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ một loạt quốc gia. Theo tọa độ do Trung Quốc thông báo, vùng này chồng lấn với vùng nhận diện phòng không được thiết lập trước đó của Nhật Bản. Điều này đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ bùng nổ các tình huống căng thẳng trong khu vực./.