Thượng viện Mỹ: CIA tra tấn khiến tù nhân “dựng chuyện“
VOV.VN - Trước những thủ đoạn tra tấn tàn nhẫn của những người thẩm vấn, nhiều tù nhân buộc phải “khai những gì mà người thẩm vấn muốn nghe”.
Yahoo News dẫn nội dung trên từ báo cáo của Thượng viện Mỹ được đưa ra ngày 9/12 liên quan đến các hoạt động tra tấn tù nhân một cách man rợ của CIA.
Những thủ đoạn tàn độc
Khalid Sheikh Mohammed, người vạch ra kế hoạch tấn công khủng bố ngày 11/9,, sau nhiều ngày bị tra tấn liên tục với những thủ đoạn tàn độc như bị đập mạnh vào tường, đấm vào bụng và liên tục bị dìm đầu xuống nước khiến hắn bị ngộp thở và nôn thốc nôn tháo, đã buộc phải nói với các nhân viên thẩm vấn của CIA rằng hắn sẵn sàng khai mọi điều.
Trong lời khai vào tháng 3/2003, tên Mohammed khai rằng hắn đã điều một tên trong mạng lưới khủng bố của al- Qaeda đến Montana tuyển những người Mỹ gốc Phi để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố trong lòng nước Mỹ.
Thông tin khẩn cấp này khiến nhiều nhân viên FBI phải “hao tốn công sức” cày xới khu vực đó để tìm kiếm những bằng chứng liên quan đến âm mưu này nhưng họ cũng phải “về tay không”.
Sau đó, tên Mohammed thú nhận rằng hắn đã dựng chuyện vì bị tra tấn quá dã man. Tên Mohammed cho biết hắn đã khai với những nhân viên CIA “những gì mà hắn nghĩ rằng họ muốn nghe”.
Vụ “dựng chuyện” này chỉ là một trong nhiều ví dụ về việc các nhân viên điều tra của Mỹ phải “lùa vịt trời” vì những đầu mối không chính xác mà CIA cung cấp sau khi “sử dụng những biện pháp thẩm vấn cao cấp” mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng lên án là tra tấn dã man.
Báo cáo của Thượng viện Mỹ nêu rõ: “Nhưng cách thức điều tra của CIA thường dẫn đến việc các tù nhân dựng chuyện và bản thân CIA cũng bị mắc câu”.
“Trong quá trình tra tấn dã man đó, các nhân viên của CIA nhiều khi khó nhận thức được rằng thông tin này là do tù nhân bịa ra dẫn đến việc họ thường đưa ra những kết luận sai lầm”, vẫn theo báo cáo trên.
Tự bao biện cho hành động sai trái
Trong nhiều năm qua, CIA thường “rao giảng” rằng các biện pháp thẩm vấn của họ “đã cứu hàng trăm mạng người” và cho đến nay 6 cựu quan chức CIA vẫn sử dụng lý lẽ này để bao biện cho mình.
Theo đó, các cựu Giám đốc CIA George Tenet, Porter Goss and Michael Hayden đã tuyên bố rằng “việc họ chấp thuận cho các nhân viên của mình sử dụng kỹ thuật thẩm vấn cao cấp đã cứu được sinh mạng của nhiều người Mỹ và đồng minh của Mỹ”.
Các quan chức nói trên cũng cho rằng, quyết định của mình được đưa ra trong lúc đất nước đang hoảng loạn sau thảm họa 11/9 và họ nhận được rất nhiều thông tin tình báo về một “làn sóng tấn công khủng bố thứ 2 sử dụng vũ khí hạt nhân” nhằm vào thành phố New York.
Trong bản báo cáo của mình họ nhấn mạnh: “Những thông tin này khiến họ cảm thấy như thể “đang nghe những tiếng “tích tích” của một quả bom hẹn giờ” hàng ngày”.
Tuy nhiên, báo cáo của Thượng viện Mỹ lại vẽ lên một bức tranh hoàn toàn khác biệt về một cơ quan tình báo hỗn loạn, tổ chức rất kém hiệu quả và hành động cực kỳ bạo tàn nhưng lại rất giỏi che giấu những hành vi sai trái của mình trước giới chức Mỹ.
Nhiều Đại sứ của các nước nơi CIA đặt các trại thẩm vấn “chui” không hề được thông báo về những gì diễn ra tại đó. Thậm chí, Giám đốc FBI lúc đó, ông Robert Mueller, đã bị khước từ khi đề nghị được đưa người của mình vào thẩm vấn tên Mohammed.
Đến Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell ban đầu cũng không hề được thông tin gì về việc này. “Nhà Trắng lo ngại rằng nếu ông Powell được thông báo ông ấy sẽ tung hê mọi chuyện”, một nhân viên của CIA viết trong báo cáo của mình vào tháng 7/2003.
Những chi tiết mới được công bố
Rất nhiều kỹ thuật thẩm vấn của nhân viên CIA như lột trần tù nhân, bắt họ phải thức liên tục nhiều ngày trời, bắt nhịn đói, đập người họ vào tường và dìm đầu xuống nước đều không còn xa lạ với người Mỹ trong nhiều năm trời.
Tuy nhiên, báo cáo lần này của Thượng viện Mỹ lại cung cấp thêm nhiều chi tiết cụ thể về việc những kỹ thuật thẩm vấn này được sử dụng như thế nào trong thực tế.
Theo đó, tù nhân đầu tiên đã bị dìm đầu xuống nước quá nhiều lần khiến người này bị bất tỉnh và “hoàn toàn không có phản ứng gì trong khi bong bóng liên tục thoát ra từ miệng của anh ta”.
Ngoài ra, ít nhất 5 tù nhân bị CIA thẩm vấn đã trải qua nhiều ảo giác đáng sợ khi liên tục bị thiếu ngủ trong hơn 1 tuần liền.
Thậm chí một nhà tù của CIA ở Afghanistan còn được chính CIA mô tả là địa ngục khi những tù nhân bị giam riêng rẽ trong bóng tối mịt mùng và phải nghe tiếng nhạc hoặc âm thanh ầm ĩ.
Một trong số nhiều tù nhân ở đây đã bị chết vì mất nhiệt sau khi bị lột trần đến thắt lưng.
Những thông tin tình báo ngụy tạo
Tuy nhiên, phần đáng tranh cãi nhất trong bản báo cáo này chính là việc CIA thường xuyên cung cấp những thông tin tình báo không đáng tin cậy và nhiều khi chính các quan chức CIA cũng tin tưởng vào những thông tin này và chuyển ngay cho Tổng thống, Nhà Trắng, Quốc hội và thậm chí công bố công khai cho người dân Mỹ.
Báo cáo của Thượng viện Mỹ nêu rõ trong 20 trường hợp mà các quan chức CIA tuyên bố họ phát hiện ra các âm ưu của bọn khủng bố nhờ các phương thức thẩm vấn nói trên thì cả 20 trường hợp này thông tin đều là “không chính xác và đi ngược lại với biên bản thẩm vấn của CIA”.
Ví dụ như việc theo dấu để bắt giữ tên Mohammed tại Pakistan không phải là nhờ thủ đoạn tra tấn tàn độc của CIA mà là nhờ biện pháp thẩm vấn thông thường của FBI để thu thập thông tin từ tên Abu Zubaydah, đồng phạm của tên Mohammed.
Ngoài ra, chính các quan chức của CIA cũng thừa nhận họ đã thổi phồng thông tin bắt giữ tên Jose Padilla với cáo buộc chế tạo và dự định cho phát nổ một quả “bom bẩn” tại Mỹ nhằm bao biện cho những vụ thẩm vấn của họ.
Mặc dù vậy, người phát ngôn CIA ngày 9/12 tuyên bố: “Quan điểm của CIA là những tù nhân nằm trong chương trình giam giữ và thẩm vấn tù nhân của CIA, bao gồm cả các biện pháp thẩm vấn cao cấp đã thực sự cung cấp nhiều thông tin tình báo có giá trị.
Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ là có quan điểm hoàn toàn trái ngược với CIA và để đáp lại, người phát ngôn của CIA khẳng định: “Thượng viện Mỹ đã làm việc kiểu “ngược đời” khi xem xét các kết luận đã có trong từng vụ việc rồi tuyên bố rằng những kết quả đó có thể có được mà không cần có thông tin tình báo của CIA”.
“Kiểu làm việc này giống như chơi giải ô chữ của ngày hôm trước trong khi đã cầm trên tay đáp án của ngày hôm sau”, người phát ngôn của CIA kết luận./.