Tổng thống Obama: Các hành động gây hấn ở Biển Đông có thể kéo Mỹ vào cuộc

VOV.VN - Tổng thống Mỹ cũng hối thúc Quốc hội thông qua Công ước LHQ về Luật biển để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề này.

Tối 28/5 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu quan trọng về định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới, nhân lễ tốt nghiệp năm 2014 của các học viên Học viện Quân sự West Point. Trong bài phát biểu, ông Obama khẳng định quân sự sẽ luôn là xương sống cho vai trò lãnh đạo của Washington trên thế giới.

Bài phát biểu của Tổng thống Obama được đưa ra trong bối cảnh chính sách đối ngoại mềm mỏng của Nhà Trắng bị chỉ trích là đang làm suy giảm vai trò cũng như ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ. Phản bác lại những chỉ trích trên, Tổng thống Obama nêu rõ, mô hình chính sách đối ngoại hiện đại đòi hỏi sự kết hợp giữa sức mạnh quân sự và các công cụ ngoại giao, bao gồm các liên minh và biện pháp trừng phạt.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh: AP)

Ông Obama cho biết, hầu hết các chỉ số đều cho thấy nước Mỹ đã có mối quan hệ mạnh hơn với phần còn lại của thế giới, nền kinh tế Mỹ vẫn năng động nhất và các doanh nghiệp Mỹ vẫn sáng tạo nhất thế giới. Theo Tổng thống Obama, chính sách đối ngoại mà Mỹ đang theo đuổi đã mang lại những kết quả tích cực trong đó có việc trừng phạt Nga, từng bước ổn định tình hình tại Ukraine, giải giáp kho vũ khí hạt nhân của Syria và thúc đẩy những tiến bộ mang tính đột phá trong nỗ lực ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama thừa nhận thế giới đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng, mang đến cơ hội nhưng cũng gây ra những mối nguy hiểm mới. Các hành động gây hấn tại Biển Đông hoặc tại những khu vực khác, nếu không được kiểm soát, sẽ ảnh hưởng tới các đồng minh của Washington và có thể kéo quân đội Mỹ vào cuộc. Ông Obama cho rằng nước Mỹ phải luôn dẫn đầu trên trường quốc tế vì không nước nào có thể đảm nhiệm vai trò này.

Để đạt được mục tiêu đó, Tổng thống Obama khẳng định: “Quân sự sẽ luôn luôn là xương sống cho vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới. Tuy nhiên, hoạt động quân sự không thể là yếu tố duy nhất, hay thậm chí là then chốt trong mọi quyết sách của nước Mỹ. Việc Mỹ có lợi ích trong việc bảo đảm hòa bình và tự do bên ngoài lãnh thổ quốc gia không có nghĩa rằng Washington nên chọn lựa phương án can thiệp quân sự cho mọi vấn đề”.

Theo ông Obama, Mỹ sẵn sàng sử dụng hành động quân sự đơn phương khi lợi ích cốt lõi yêu cầu điều này, khi người dân Mỹ và sinh kế của họ, cũng như an ninh của các nước đồng minh bị đe doạ. Đối với các vấn đề mang tính quan ngại toàn cầu nhưng không đe dọa trực tiếp tới Mỹ, chẳng hạn như các cuộc khủng hoảng có khả năng đẩy thế giới theo một chiều hướng nguy hiểm hơn thì khả năng can thiệp quân sự của Mỹ cũng cao hơn.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama nêu rõ, trong hoàn cảnh như vậy, nước Mỹ không nên hành động đơn độc mà cần huy động các đồng minh và đối tác để thực thi hành động tập thể. Mỹ phải tăng cường các công cụ, bao gồm ngoại giao, trừng phạt, cô lập, áp dụng luật pháp quốc tế, và thậm chí cả hành động quân sự đa phương nếu thấy cần thiết và hiệu quả. Theo ông Obama, hành động tập thể sẽ nhiều khả năng thành công hơn, được duy trì liên tục hơn, và giảm bớt nguy cơ dẫn đến những sai lầm tốn kém.

Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ đang giúp các nước Đông Nam Á đàm phán với Trung Quốc về bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên Biển Đông, và đang phối hợp giải quyết những tranh chấp lãnh thổ thông qua luật pháp quốc tế. Tổng thống Obama cho biết, ảnh hưởng của Mỹ luôn mạnh hơn khi Washington gương mẫu, và Mỹ không thể tự miễn trừ các luật lệ được áp dụng cho những nước khác.

“Chúng ta không thể cố gắng giải quyết các vấn đề tại Biển Đông khi chúng ta không thể đảm bảo rằng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển sẽ được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, bất chấp việc các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của chúng ta đã khẳng định nhiều lần rằng hiệp ước đó thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Đó không phải là sự lãnh đạo mà là sự thoái lui. Đó không phải là sức mạnh mà là sự yếu đuối”.

Theo Tổng thống Obama, mối đe doạ trực tiếp lớn nhất đối với Mỹ trong tương lai gần là chủ nghĩa khủng bố, nhưng Mỹ sẽ không tiến hành chiến lược xâm lược các nước chứa chấp khủng bố như trước đây mà thay vào đó sẽ hợp tác với các quốc gia để truy quét mạng lưới khủng bố. Tổng thống Obama kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua Quỹ đối tác chống khủng bố với kinh phí 5 tỷ USD để hỗ trợ, đào tạo và xây dựng năng lực chống khủng bố cho các nước đối tác. 

Tổng thống Obama cũng cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực của Mỹ tại các điểm nóng trên thế giới, tăng cường hỗ trợ phe đối lập tại Syria, hay Ukraine, đồng thời minh bạch hoá chiến dịch chống khủng bố bằng máy bay không người lái./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên