Tổng thống từ chức vẫn chưa thể giải quyết gốc rễ khủng hoảng Sri Lanka

VOV.VN - Trong bối cảnh Sri Lanka đang đối diện khủng hoảng kinh tế, chính trị trầm trọng khiến các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ, việc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức được nhận định sẽ không giúp nước này ổn định.

Theo ông Indunil Yapa, Người phát ngôn Quốc hội Sri Lanka, ông Rajapaksa đã nộp đơn từ chức bằng thư điện tử vào tối qua (14/7). Theo Hiến pháp Sri Lanka, quyết định từ chức của tổng thống chỉ có hiệu lực sau khi Chủ tịch Quốc hội nhận được đơn từ nhà lãnh đạo đất nước. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena đã yêu cầu được xem bản gốc đơn từ chức của Tổng thống Rajapaksa trước khi chính thức tuyên bố việc từ bỏ cương vị của tổng thống.

Bộ Ngoại giao Singapore cũng xác nhận ông Rajapaksa nhập cảnh vào nước này trên danh nghĩa chuyến thăm cá nhân và không xin tị nạn.

Hiện vẫn chưa rõ Singapore có phải là điểm đến cuối cùng của ông Rajapaksa hay không.

Thông tin về việc Tổng thống Rajapaksa gửi đơn từ chức khiến nhiều người tại thủ đô Colombo của Sri Lanka vui mừng và tập trung bên ngoài dinh tổng thống, bất chấp lệnh giới nghiêm toàn thành phố.

Damitha Abeyrathne, một người biểu tình chia sẻ: “Cả đất nước sẽ ăn mừng vào ngày hôm nay. Đó là một chiến thắng lớn. Cuối cùng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không dừng lại, chúng tôi sẽ phản đối tất cả những nhà lãnh đạo tham nhũng, kể cả trong tương lai”.

Các tòa nhà chính phủ bị chiếm đóng, bao gồm Phủ Tổng thống và Dinh Thủ tướng đã được người dân trao trả lại cho cảnh sát vào tối qua.

Quốc hội Sri Lanka dự kiến sẽ bổ nhiệm một Tổng thống mới vào ngày 20/7. Một số thành viên chủ chốt của đảng cầm quyền đã bày tỏ sự ủng hộ với Thủ tướng Ranil Wickremesinghe. Tuy nhiên, chưa có quyết định nào được đưa ra.

Trong khi đó, sự lựa chọn của phe đối lập là nhà lãnh đạo Sajith Premadasa, con trai của một cựu tổng thống. Với chỉ 50 ghế trong quốc hội, ông này sẽ cần phải xây dựng niềm tin và sự ủng hộ của hai đảng để có cơ hội điều hành đất nước. Ngoài ra, còn một ứng cử viên được đánh giá là tiềm năng cho cuộc chạy đua vào vị trí Tổng thống đó là ông Dullas Alahapperuma, một nhà lập pháp cấp cao của đảng SLPP ( Sri Lanka Podujana Peramuna) cầm quyền.

Việc Tổng thống từ chức được nhận định là một thắng lợi mang ý nghĩa tinh thần đối với người biểu tình, giúp hoà hoãn tình hình tại Sri Lanka trong thời gian ngắn, chứ không giải quyết được tình hình gốc rễ tại nước này. Sri Lanka đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 7 thập kỷ, khi chính phủ không có đủ ngoại tệ để nhập thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác. Chính vì cuộc sống bế tắc, không có lối thoát nên biểu tình chống phá là cách mà người dân thể hiện sự lo sợ trước tương lai mịt mờ.

Theo các nhà phân tích chính trị, thách thức lớn nhất đối với bất kỳ nhà lãnh đạo mới của Sri Lanka là lấy lại niềm tin đã mất từ tầng lớp chính trị và người dân, giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay bao gồm cải thiện cuộc sống cho người dân và thanh toán các khoản nợ quốc tế.

Ngày 14/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bày tỏ hy vọng Sri Lanka sẽ đạt được một giải pháp cho tình trạng chính trị bất ổn hiện nay nhằm nối lại các cuộc đàm phán về gói cứu trợ cho kinh tế nước này.

Giám đốc Truyền thông Quỹ Tiền tệ Quốc tế Gerry Rice nói: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến chính trị và xã hội tại Sri Lanka. Chúng tôi hy vọng một giải pháp cho tình hình hiện tại sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục đối thoại về một chương trình cứu trợ cho Sri Lanka. Cách đây chưa đầy một tháng, chúng tôi đã có các cuộc thảo luận thực sự mang tính xây dựng với các nhà chức trách của Sri Lanka về một loạt các chính sách và cải cách kinh tế mà Quỹ tiền tệ quốc tế có thể hỗ trợ”

Trước những hỗn loạn chính trị ở Sri Lanka, Mỹ cũng kêu gọi Quốc hội Sri Lanka đoàn kết để giải quyết vấn đề chung của quốc gia, thay vì chia rẽ đảng phái chính trị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổng thống Sri Lanka tới Singapore sau khi rời bỏ đất nước
Tổng thống Sri Lanka tới Singapore sau khi rời bỏ đất nước

VOV.VN - Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã đến Singapore hôm thứ Năm (14/7) sau khi rời bỏ đất nước một ngày trước đó.

Tổng thống Sri Lanka tới Singapore sau khi rời bỏ đất nước

Tổng thống Sri Lanka tới Singapore sau khi rời bỏ đất nước

VOV.VN - Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã đến Singapore hôm thứ Năm (14/7) sau khi rời bỏ đất nước một ngày trước đó.

Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa được phép nhập cảnh Singapore
Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa được phép nhập cảnh Singapore

VOV.VN - Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã đáp xuống Singapore trong chuyến bay từ Maldives sau khi rời bỏ đất nước do các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa được phép nhập cảnh Singapore

Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa được phép nhập cảnh Singapore

VOV.VN - Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã đáp xuống Singapore trong chuyến bay từ Maldives sau khi rời bỏ đất nước do các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Binh lính Sri Lanka được phép nổ súng để ngăn chặn bạo lực, phá hoại
Binh lính Sri Lanka được phép nổ súng để ngăn chặn bạo lực, phá hoại

VOV.VN - Quân đội Sri Lanka ngày 14/7 đã cho phép các lực lượng vũ trang và cảnh sát được áp dụng các biện pháp vũ lực cần thiết nhằm ngăn chặn các hành động phá hoại tài sản và đe dọa tính mạng người dân trong các cuộc biểu tình.

Binh lính Sri Lanka được phép nổ súng để ngăn chặn bạo lực, phá hoại

Binh lính Sri Lanka được phép nổ súng để ngăn chặn bạo lực, phá hoại

VOV.VN - Quân đội Sri Lanka ngày 14/7 đã cho phép các lực lượng vũ trang và cảnh sát được áp dụng các biện pháp vũ lực cần thiết nhằm ngăn chặn các hành động phá hoại tài sản và đe dọa tính mạng người dân trong các cuộc biểu tình.