Trung - Nhật - Hàn và những nỗ lực “ngậm bồ hòn làm ngọt”

3 nước đang nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao để giảm bớt căng thẳng trên biển...  

Ngày 13/5, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Trung – Nhật – Hàn lần thứ 5. Nếu không nhìn vào những căng thẳng gần đây giữa các quốc gia này liên quan đến những tranh chấp và đụng độ trên biển thì có thể nói như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi rằng, “hợp tác Trung - Nhật - Hàn đã phát triển rất nhanh với nhiều kết quả đáng kể”. Ngoài ra, có thể tin tưởng, cuộc gặp lần này sẽ giúp tăng cường hơn nữa sự hợp tác ba bên thông qua các nỗ lực chung.

Tuy nhiên, cũng từ những gì đang diễn ra trong quan hệ ba nước, người ta vẫn nghi ngại mà đặt dấu hỏi “Liệu đây có là những nỗ lực “ngậm bồ hòn làm ngọt”?!

Lãnh đạo 3 nước Hàn Quốc-Trung Quốc-Nhật Bản tại Hội nghị Thượng đỉnh 3 nước lần thứ 5 (Ảnh: Tân Hoa xã)

Sự nghi ngại ấy trên thực tế là có. Thế nhưng trong diễn biến nhiều sự kiện liên tục diễn ra những ngày qua, người ta vẫn có thể khẳng định theo một hướng tích cực là mối quan hệ Trung – Nhật – Hàn đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ, bất chấp những sứt mẻ không dễ hàn gắn trong những xung đột gần đây.

Cơ sở thứ nhất để tin tưởng như vậy là, ngay trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ba bên, hôm 9/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố Sách Trắng hợp tác Trung-Nhật-Hàn (giai đoạn 1999-2012) để tổng kết mối quan hệ giữa ba quốc gia trong một giai đoạn không ngắn. Theo Sách Trắng đó thì họ đã “nỗ lực nghiêm túc để thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Đông Bắc Á; đồng thời liên lạc chặt chẽ về tình hình tại khu vực này”.

Sách Trắng cũng chỉ rõ sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Và cơ sở quan trọng nữa chính là cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của ba quốc gia Đông Bắc Á này trong ngày 13/5.

Mặc dù vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên được các nhà lãnh đạo này rất quan tâm và cùng dành khá nhiều thời gian thảo luận để đi đến những quan điểm thống nhất chung trong cuộc gặp, nhưng “mối quan hệ chiến lược ba bên” mới là chủ đề chính trong chương trình nghị sự kéo dài 1 ngày đó. Kết quả của cuộc gặp đã được hiện thực hóa bằng một thỏa thuận nhất trí khởi động tiến trình đàm phán về khu vực mậu dịch tự do (FTA) trong năm nay.

Thỏa thuận này được đánh giá là “một quyết định chiến lược quan trọng” và ba nước đều ý thức được là cần nỗ lực hết sức để sớm thiết lập được FTA. Bên cạnh đó, tại cuộc gặp, ba bên cũng đã ký thỏa thuận xúc tiến, tạo thuận lợi và bảo hộ đầu tư, vốn được coi là văn bản pháp lý quan trọng về sự hợp tác ba bên trong lĩnh vực kinh tế.

Nhìn vào bối cảnh chung của toàn cầu với cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính vẫn chưa thực sự được đẩy lui, trong khi khu vực Đông Bắc Á vốn được coi là có tốc độ phát triển khá nhanh này cũng đang đứng trước không ít thách thức thì dễ dàng nhận thấy sự hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là phù hợp với các lợi ích cơ bản của ba nước; đồng thời giúp tăng cường sức mạnh để vượt qua những khó khăn và tìm kiếm sự phát triển chung. Điều này đã được chính Thủ tướng nước chủ nhà Ôn Gia Bảo nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc hội nghị và ông cũng khẳng định rằng, cuộc gặp ba bên có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.

Cũng đúng như nhận định chung của các nhà lãnh đạo cấp cao tại Hội nghị này, khu vực Đông Bắc Á và Đông Á “hiện vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, không rõ ràng và không thể dự báo trước”. Việc các quốc gia đang đứng trước những thách thức chung phải liên kết lại với nhau để đối phó với các thách thức ấy cũng là điều dễ hiểu.

Thế nhưng, những cuộc đụng độ trên biển giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, những tranh chấp chủ quyền về một số đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc từng khiến quan hệ song phương trong ba quốc gia này không ít lần sứt mẻ. Điều này cho thấy, trên thực tế, họ thực sự đang phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để đạt được mục tiêu cuối cùng mà họ đã nêu ra tại hội nghị là “Cam kết thực hiện nghiêm túc thỏa thuận nhằm tạo dựng môi trường ổn định, công bằng và minh bạch để mở rộng đầu tư giữa ba nước, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa sự hội nhập kinh tế”.

Dư luận chung cũng mong, trong bối cảnh hiện nay thì việc “ngậm bồ hòn làm ngọt” giữa các quốc gia này cũng là đáng làm bởi chỉ có như vậy, hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực mới có cơ hội mà duy trì./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên