Doanh nghiệp không thể bảo vệ, tỉnh Đắk Lắk vẫn tiếp tục giao rừng
VOV.VN - Tỉnh Đắk Lắk vẫn tiếp tục xem xét 11 dự án trồng rừng, để tiếp tục giao hơn 7.000ha rừng cho các ông chủ chỉ có khả năng làm mất rừng.
Giao hàng chục ngàn ha rừng cho doanh nghiệp nhưng không kiểm tra, giám sát kịp thời: rừng bị mất, bị lấn chiếm nhưng không thể ngăn chặn, khắc phục, đó là thực trạng đang xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk.
Tỉnh ký quyết định cho thuê rừng nhưng không ràng buộc trách nhiệm.
Trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có nguyên nhân từ việc tỉnh ký quyết định cho thuê rừng, giao hàng chục nghìn ha rừng cho doanh nghiệp nhưng không ràng buộc trách nhiệm, không kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời đối với các vấn đề phát sinh.
Đáng lo là vẫn có hàng nghìn ha khác sẽ tiếp tục được giao theo những dự án đầy bất trắc, được giao khi các doanh nghiệp đã thừa nhận bất lực trong việc quản lý rừng.
Theo đó, Đắk Lắk hiện có 84 dự án phát triển nông lâm nghiệp, chủ yếu được giao cho các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp cổ phần, trong đó có 45 dự án nông lâm kết hợp, tổng diện tích hơn 37.500 ha; 30 dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su, tổng diện tích hơn 21.000 ha.
Theo thông tin các doanh nghiệp gửi tới UBND tỉnh Đắk Lắk, hầu như không doanh nghiệp nào đảm đương được vai trò giữ rừng, để rừng bị phá, chất lượng rừng giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn khi cao su và rừng trồng không phù hợp với vùng triển khai dự án. Một số doanh nghiệp đã “xé rào”, bỏ cao su để trồng các loại cây ăn trái.
Theo ông Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hải Hà, doanh nghiệp có 2 dự án đang và sắp triển khai, thì việc "xé rào" là bắt buộc vì cao su và rừng trồng không mang lại hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, việc quản lý, bảo vệ rừng trong phạm vi dự án lại mang tới cho doanh nghiệp những gánh nặng tài chính.
“Khi giao rừng nhưng không có một đồng tiền nào cho việc bảo vệ. Bây giờ chúng tôi lấy đâu ra? Thà rằng đừng giao cho doanh nghiệp nữa vì không bảo vệ được. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Cây cao su trồng khi lũ lụt cũng chết, hạn hán cũng chết. Thế nên chúng tôi đã chuyển 60 ha sang trồng bơ, xoài… trồng cây ăn trái. Bởi bây giờ không thể ôm mãi cây cao su được. Ôm sẽ chết hết”, ông Bùi Mạnh Hùng thông tin thêm.
Rừng bị phá để trồng cao su, nhưng cao su bị bỏ hoang thành rừng. |
Đáng báo động hơn nữa, trong các dự án nông lâm nghiệp ở Đắk Lắk là chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chỉ nắm tình hình một cách chung chung. Khi chính các doanh nghiệp thông tin rằng, rừng trong dự án của mình bị phá nghiêm trọng, thì các địa phương trong tỉnh không thể định lượng thiệt hại thực tế để có biện pháp phù hợp.
Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp, nơi có 25 dự án nông lâm nghiệp đang triển khai, cho biết: “Bây giờ muốn biết được rừng còn hay không, các doanh nghiệp phải đánh giá lại hiện trạng. Lúc đấy mới biết được rừng bị mất đến đâu”.
Tuy nhiên theo luật, việc đánh giá tài sản, xem tài sản hao mòn như thế nào là trách nhiệm của chủ tài sản, bởi đây là các doanh nghiệp thuê rừng, có nghĩa rừng vẫn là của Nhà nước, cho các doanh nghiệp thuê.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Phú giải thích: “Đành rằng là như vậy, nhưng năm 2014 đã tiến hành kiểm kê và biết được trữ lượng rừng đã giảm. Đồng thời theo quy định, 5 năm kiểm kê một lần. Cơ quan nhà nước không kiểm kê theo từng năm mà kiểm kê theo những thời gian nhất định”.
Mặc dù có tên là các dự án giao rừng, cho thuê rừng, nhưng thực tế, Đắk Lắk miễn hoàn toàn tiền thuê trong suốt 50 năm thực hiện dự án, rừng giống như được "cho không" (!?).
Là bên đi thuê nhưng doanh nghiệp được coi là chủ rừng, tùy ý phớt lờ yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk về việc báo cáo hiện trạng rừng, phớt lờ phối hợp với chính quyền địa phương trong xử lý các vi phạm.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng không phải chịu trách nhiệm pháp lý nào, cũng không phải bồi thường khi để rừng bị phá.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, những "điều vô lý" này là "hợp lý" vì hệ thống chính sách, pháp luật hiện nay về bảo vệ, phát triển rừng còn nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Hoài Dương nói: “Chưa có quy định nào của nhà nước quy định rõ, doanh nghiệp quản lý bảo vệ kém hiệu quả thì doanh nghiệp phải bồi thường. Vấn đề này, chúng tôi đã kiến nghị với Trung ương là phải sửa đổi bổ sung, không thể cứ giao cho doanh nghiệp rồi "sống chết mặc bay". Khó khăn vướng mắc đầy rẫy nhưng không xử lý. Thế nhưng khi rừng mất lại bảo họ phải đền”.
Một doanh nghiệp ở Ea Súp xé rào, cải tạo đất trồng cao su thành đất trồng lúa. |
Rừng là vàng, nếu biết bảo vệ thì rừng rất quý, khẩu hiệu ấy được dựng lên ở nhiều nơi trong tỉnh Đắk Lắk, nhưng ngay cạnh nơi dựng những khẩu hiệu này lại là những cánh rừng đã bị phá trắng.
Tại các cuộc gặp với UBND tỉnh, các doanh nghiệp thừa nhận, hiệu quả bảo vệ rừng từ dự án của mình là con số âm, rừng bị suy giảm nghiêm trọng cả về diện tích và chất lượng. Thế nhưng không có kinh nghiệm nào được tỉnh rút ra từ những dự án tệ hại này.
Có lãnh đạo doanh nghiệp đã chỉ đạo cấp dưới phá hàng chục ha rừng trong dự án của mình và đã bị cơ quan công an khởi tố, thế nhưng dự án vẫn tiếp tục được triển khai.
Không những thế tỉnh Đắk Lắk vẫn tiếp tục xem xét 11 dự án nữa, để giao hơn 7.000 ha. Rừng vàng của tỉnh tiếp tục được giao vào tay những ông chủ chỉ có khả năng làm mất rừng./.