Kỷ vật chiến tranh - món quà quý giá với những thân nhân cán bộ “đi B“
VOV.VN -Chiều 25/7, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm và làm việc với Trung tâm Lưu giữ quốc gia III.
Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, các cán bộ đi B (từ năm 1959-1975) gồm 2 đối tượng. Một là những cán bộ chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, sau đó họ tham gia lao động sản xuất trên miền Bắc và được bí mật trở vào miền Nam công tác do yêu cầu của Cách mạng.
Hai là một số cán bộ dân sự người miền Bắc đi B. Cán bộ đi B chủ yếu là y bác sỹ, giáo viên, kỹ sư, các nhà văn, nghệ sỹ, nhà báo... Trước khi vào Nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại đồ dùng, vật dụng, giấy tờ... (gọi là hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B) cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ, họ chỉ mang theo đồ dùng cá nhân do Ủy ban cấp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đến thăm Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Hiện nay, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội Vụ) đang lưu trữ khoảng 72.000 hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B, trong đó có 56.963 hồ sơ cán bộ đi B từ 89 địa phương trong cả nước. Hồ sơ gồm các loại giấy tờ: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, Sơ yếu lý lịch, Chứng chỉ, bằng cấp chứng nhận trình độ học tập; các quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm, thuyên chuyển…
Trong suốt thời gian qua, khối tài liệu hồ sơ, kỷ vật của các cán bộ đi B đã thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội.
Năm 2007, Cục đã trao Danh mục hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B cho các tỉnh, thành phố bằng nhiều hình thức khác nhau.
Từ năm 2009-2016, Cục đã tiến hành chuyển giao dữ liệu và bản sao hồ sơ của cán bộ đi B gửi về Chi cục Văn thư- Lưu trữ các tỉnh trong cả nước, đồng thời có bộ phận chuyên tiếp nhận và phục vụ nhu cầu về thông tin hồ sơ của các cán bộ đi B tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Đến thăm và làm việc tại Trung tâm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá rất cao hoạt động bảo quản gần như nguyên vẹn hồ sơ, hình ảnh, di vật từ khi tiếp nhận được của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Đây là những hiện vật rất quý giá.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những hồ sơ này được chuyển về các địa phương, song vẫn là lưu trữ, chưa được trưng bày, thông tin rộng rãi.
"Tôi đề nghị Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Bộ Nội vụ bàn bạc làm sao đưa 72.000 hồ sơ này lên trên mạng. Để từ lưu trữ đưa ra cho công chúng biết được thông tin. Đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí chú trọng tuyên truyền, giới thiệu về những hồ sơ cán bộ đi B. Nếu gia đình và thân nhân của họ nhận được, đây quả là quà tặng quý giá", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.
Chủ tịch nước: Chăm lo người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên
Phó Chủ tịch nước gặp mặt đoàn đại biểu người có công TP Cần Thơ
Dành 386 tỷ đồng để tặng quà Tết cho người có công với cách mạng
Chủ tịch Quốc hội dự Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho người có công