“Ông ba mươi” đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam

VOV.VN - Bài toán giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế cần được đặc biệt quan tâm khi loài hổ ở Việt Nam đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Ngày 29/7, tại Hà Nội diễn ra buổi Tọa đàm Số phận loại hổ (“ông ba mươi”) và tình trạng bảo tồn các loài nguy cấp ở Việt Nam. Trong buổi tọa đàm nhiều dự báo cho rằng, sau sự biến mất của con tê giác cuối cùng vào năm 2010, hổ sẽ là loài thú lớn tiếp theo của Việt Nam được đưa vào danh sách tuyệt chủng trong tự nhiên.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm Số phận “ông ba mươi” và tình trạng bảo tồn các loài nguy cấp ở Việt Nam.

Số lượng hổ ngày càng giảm một cách “chóng mặt”

Ông Trịnh Lê Nguyên (Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên PanNature) cho biết, Việt Nam là một trong số 13 quốc gia còn hổ sinh sống ngoài tự nhiên, song số lượng hổ Việt Nam đang ngày càng suy giảm.

Cụ thể, theo thống kê từ các Chi cục Kiểm lâm năm 2001, quần thể hổ trong toàn quốc ước tính có thể còn trên 100 con.  Tuy nhiên, chỉ sau 10 năm, điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2011 cảnh báo số lượng hổ hoang dã của Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng từ 27 - 47 con. Nghiêm trọng hơn, số liệu cập nhật năm 2016 của WWF cho thấy số lượng hổ ngoài tự nhiên của Việt Nam có thể chỉ còn dưới  5 con và được đánh giá là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Những con hổ được thu giữ từ những vụ mua bán được đưa vào Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chăm sóc.

“Nhiều dự báo cho rằng, sau sự biến mất của con tê giác cuối cùng năm vào 2010, hổ sẽ là loài thú lớn tiếp theo của Việt Nam được đưa vào danh sách tuyệt chủng trong tự nhiên”, ông Trịnh Lê Nguyên cho hay.

Theo đại diện Mạng lưới theo dõi, giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu tại Việt Nam (Traffic), một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm nhanh các loài động vật hoang dã,  trong đó có loài hổ là nhu cầu tiêu thụ của người dân. Nhiều người vẫn có niềm tin các sản phẩm từ hổ có thể chữa bệnh và trừ tà.

Khảo sát của Traffic từ tháng 1- 4/2017 với 1120 người tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, 83% người được khảo sát đã mua các sản phẩm từ hổ là cao hổ cốt, 28% đã mua sản phẩm từ hổ trong 12 tháng qua, 38% đã mua sản phẩm từ hổ trong 1 – 5 năm qua. Đáng chú ý, trong số những người mua sản phẩm từ hổ có tới 71% người mua vì mục đích chữa bệnh dù không biết có hiệu quả thật hay không.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh (Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng Sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, nhiều loài động vật hoang dã tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong đó có loài hổ. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được chính sách tương đối đầy đủ về động vật hoang dã nhưng chưa đồng bộ, vẫn còn chồng chéo trong danh mục loài, chế độ quản lý khác nhau cũng như thiếu những quy định về xử lý tang vật... gây khó khăn trong quá trình thực thi.

Trong Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chăm sóc có nhiều giống hổ khác nhau.

“Việt Nam tham gia chương trình bảo tồn hổ toàn cầu từ năm 2010 và có Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022 nhằm “bảo vệ, bảo tồn hổ, sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022” nhưng để thực hiện được cam kết này thì chúng ta còn nhiều hạn chế về nguồn lực, kinh phí...”, bà Nguyễn Thị Vân Anh nói.

Những thách thức trong việc bảo tồn hổ và các động vật hoang dã

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia đưa ra đề xuất bảo tồn loài hổ như chọn loại hổ thuần chủng để gây nuôi rồi thả hổ về môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, để làm được việc này rất khó vì phải có đủ điều kiện như thức ăn, môi trường sống.

Theo như ông Trần Lê Trà, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phân tích, mỗi con hổ cần thức ăn là vài chục kg thịt mỗi ngày trong khi đó, các loài làm thức ăn cho hổ ngày càng suy giảm vì hàng trăm hàng nghìn chiếc bẫy được tìm thấy trong các khu rừng của Việt Nam. Đồng thời, vùng sống của một con hổ cái cần 40 km2, hổ đực cần 100 km2, để tìm được nơi có diện tích lớn như vậy tại nước ta thì thật sự rất khó. “Đó là chưa kể đến vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn, nếu không thả con nào về rừng thì sẽ mất con đó”, ông Trần Lê Trà nhấn mạnh.

Không chỉ Hổ mà Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội còn chăm sóc nhiều loài động vật hoang dã khác.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh (Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng Sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam luôn coi trọng việc bảo tồn loài hổ qua đó bảo toàn những loài động vật hoang dã khác.

“Nguồn lực đầu tư vào công tác triển khai bảo tồn hổ và các loài còn hạn chế, công tác thực thi pháp luật cũng chưa đáp ứng được so với thực tế, sinh cảnh bị phá vỡ,... Tuy nhiên thực tiễn hiện nay không thể nói là xám màu đến mức mà không làm gì khác, chúng ta cần làm đồng bộ nhiều hoạt động như phục hồi hệ thức ăn, con mồi cho hổ, tạo môi trường sống tốt hơn,...”, bà Vân cho hay.

Tiến sĩ Lê Xuân Cảnh (Nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam IEBR) đưa ra quan điểm việc nuôi nhốt và thả lại tự nhiên rất mất thời gian, khó khăn về tài chính và các giống sẽ bị lai tạp nhiều.

“Việc thả hổ về rừng chưa cấp thiết, vùng sống của hổ cần tính toán kĩ, nếu tăng đàn hổ thì chỉ có dân tái thả là khả thi”, TS. Cảnh cho biết.

Tiến sĩ Lê Xuân Cảnh cho rằng; “Việt Nam chúng ta gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra kiểm soát đặc biệt quá trình buôn bán quốc tế qua Việt Nam vì phải theo luật hải quan, chính vì thế nên Việt Nam được chọn là nơi trung chuyển từ các nước về và đi. Công tác bảo vệ của chúng ta chưa nghiêm, dẫn tới công tác bảo tồn còn hạn chế. Tiềm lực của chúng ta còn thiếu nhiều, nguồn lực đầu tư còn hạn chế”.

Ts. Benjamin Rawson (đại diện quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF) cho rằng: “Số lượng bẫy thu được rất nhiều, theo thống kê của WWF ở các khu bảo tồn đã thu thập được 110.000 các loại bẫy trong 5 năm. Nguy cơ đe dọa cho các loài này rất cao. Việc tái thả vào tự nhiên là không khả thi nếu không giải quyết được vấn đề này”.

Trần Thanh Hương (Quản lý các dự án WCS tại Việt Nam) cho biết: “Ở Việt Nam thực tế quan tâm, ưu tiên đến việc này còn hạn chế so với những lĩnh vực khác, nguồn lực đầu tư quan tâm đến công tác này còn thấp chưa đủ so với mong đợi của cơ quan chức năng. Thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn còn hạn chế, luật đã nghiêm nhưng xử lý đúng người đúng tội rất khó khăn. Hiện tại săn bắt buôn bán động vật hoang dã vì mục đích thương mai là chủ yếu, có tổ chức hoạt động xuyên quốc gia chính vì vậy chống việc này là trách nhiệm của toàn cầu.Vấn đề mấu chốt ở Việt Nam là làm thế nào để thực thi hiệu quả, ví dụ như chúng ta đã từng gặp khó khăn trong việc cấm đốt pháp hay phải đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy tham gia giao thông nhưng nếu quyết tâm và cương quyết thì vẫn làm tốt như thực tế đã chứng minh”.

Những việc cần làm ngay

Tiến sĩ Lê Xuân Cảnh cho rằng: “Mấu chốt ở đây là cố gắng làm sao giữ được cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học ở Việt Nam cao nhưng lại phải giữ được sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Thường những nước có tính đa dạng sinh học cao thì thường cuộc sống là nghèo, chúng ta cẩn trọng trong phát triển và bảo tồn và cần được tính toán kĩ để không ảnh hưởng quá lớn đến nhau”.

Ts. Benjamin Rawson (đại diện quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF) đưa ra đề xuất những việc cần làm ngay đó là: “Cần xem xét công tác bảo tồn loài của các khu bảo tồn, cần có sự tham gia của cộng đồng địa phương để xử lý và chống săn bắn trái phép,... cần có những khuyến khích động viên hay có sinh kế khác để thay đổi hành vi những người hay săn bắn trước đó,  cần xử lý, hạn chế sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã đặc biệt là hổ,...công tác thực thi pháp luật cần chú ý thực hiện, tái thả hổ, làm trên từng cơ sở một và cần phải có cam kết chung tay từ các bên liên quan. Hổ có giá trị rất cao khác với các loài khác, làm sao phải có cam kết để đưa vào nhất là cam kết chính trị”.

Bà Sarah Baker Fergunson (đại diện Traffic Việt Nam) nhấn mạnh: “Chúng ta cần nghiên cứu làm sao để bảo tồn các loài khác nữa, cần thay đổi hành vi và suy nghĩ kèm theo là thay đổi đặt bẫy, săn bắn động vật hoang dã,... cần có nhiều giải pháp khác nhau chứ không có 1 phương thức nào chữa được bách bệnh. Cần tận tay làm dưới cơ sở chứ không chỉ làm ở cấp trung ương và không còn lúc nào khác mà hãy làm ngay không sẽ quá muộn”.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh (Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng Sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), “cần thực hiện chiến dịch truyền thông nhằm thay đổi thói quen của xã hội, tăng cường công tác thực thi pháp luật và hợp tác với các nước có chung đường biên giới để phục hồi, đẩy mạnh bảo tồn như di chuyển, tái tạo hổ,...”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bắt giữ vụ vận chuyển cá thể hổ 200kg và xương cốt động vật hoang dã
Bắt giữ vụ vận chuyển cá thể hổ 200kg và xương cốt động vật hoang dã

VOV.VN - Đội CSKT, Công an quận Đống Đa triệt phá một đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã từ Nghệ An ra Hà Nội.

Bắt giữ vụ vận chuyển cá thể hổ 200kg và xương cốt động vật hoang dã

Bắt giữ vụ vận chuyển cá thể hổ 200kg và xương cốt động vật hoang dã

VOV.VN - Đội CSKT, Công an quận Đống Đa triệt phá một đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã từ Nghệ An ra Hà Nội.

Thả 2 cá thể động vật hoang dã quý hiếm vào Vườn quốc gia Cát Tiên
Thả 2 cá thể động vật hoang dã quý hiếm vào Vườn quốc gia Cát Tiên

VOV.VN -Theo đó, một con tê tê vàng và một con mèo rừng vừa được thả vào Vườn quốc gia Cát Tiên.

Thả 2 cá thể động vật hoang dã quý hiếm vào Vườn quốc gia Cát Tiên

Thả 2 cá thể động vật hoang dã quý hiếm vào Vườn quốc gia Cát Tiên

VOV.VN -Theo đó, một con tê tê vàng và một con mèo rừng vừa được thả vào Vườn quốc gia Cát Tiên.

Triệt phá đường dây vận chuyển buôn bán hổ xuyên quốc gia
Triệt phá đường dây vận chuyển buôn bán hổ xuyên quốc gia

VOV.VN - Huệ khai nhận vừa mua 7 cá thể hổ tại Lào, sau đó vận chuyển trái phép Việt Nam bằng đường bộ và đưa ra Hà Nội tìm mối tiêu thụ.

Triệt phá đường dây vận chuyển buôn bán hổ xuyên quốc gia

Triệt phá đường dây vận chuyển buôn bán hổ xuyên quốc gia

VOV.VN - Huệ khai nhận vừa mua 7 cá thể hổ tại Lào, sau đó vận chuyển trái phép Việt Nam bằng đường bộ và đưa ra Hà Nội tìm mối tiêu thụ.

Triệt phá đường dây buôn bán động vật hoang dã tại Quảng Nam
Triệt phá đường dây buôn bán động vật hoang dã tại Quảng Nam

VOV.VN -Ngày 16/5, Công an tỉnh Quảng Nam triệt phá đường dây buôn bán, nuôi nhốt, tàng trữ, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.

Triệt phá đường dây buôn bán động vật hoang dã tại Quảng Nam

Triệt phá đường dây buôn bán động vật hoang dã tại Quảng Nam

VOV.VN -Ngày 16/5, Công an tỉnh Quảng Nam triệt phá đường dây buôn bán, nuôi nhốt, tàng trữ, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.