Sức sống cộng đồng là cơ sở để Ví, Giặm trường tồn
VOV.VN - Sức sống bền bỉ trong cộng đồng chính là cơ sở để Ví, Giặm trường tồn cùng với thời gian.
Ngay trong giờ phút hân hoan đón mừng danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cho Ví Giặm, lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã khẳng định với quốc tế về những cam kết trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản này. Công tác ấy chắc chắn sẽ rất khó khăn, nhất là khi môi trường diễn xướng mất đi, những bờ bãi nương dâu, bờ tre, bến nước... đã không còn là bệ đỡ cho những cuộc Ví, Giặm của người phường vải, phường nón, phường chài. Nhưng khó cũng phải làm. Chính việc duy trì hoạt động bền bỉ các câu lạc bộ Ví Giặm ở mỗi thôn xóm đã góp phần củng cố và lưu giữ những câu hát Ví, hát Giặm trong cộng đồng.
Đã tròn 10 năm chị Trần Thị Hương tham gia câu lạc bộ dân ca xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Công việc đồng áng lúc nào cũng bận rộn, hết mùa này đến vụ khác, hết cấy lúa, trồng ngô, lại quay sang tỉa lạc, vun khoai… nên việc duy trì hoạt động câu lạc bộ là sự cố gắng rất lớn của các thành viên. Các chị vừa học hát, vừa sưu tầm, ghi chép lại nhiều lời Ví, Giặm cổ để truyền lại cho con cháu.
Không ít những bạn trẻ ở Nghệ An và Hà Tĩnh được học hát dân ca từ nhỏ và tham gia vào các hội diễn, liên hoan
“Vì lòng đam mê, khi thấy các anh các chị đi trước tham dự, tôi cảm thấy phấn chấn và vui vẻ thêm nên tôi cũng tham gia vào câu lạc bộ. Vì bận việc chăn nuôi, đồng áng, nhưng tôi cũng muốn đi theo đoàn để có thêm nguồn động viên. Cộng với niềm đam mê của mình, tôi cố gắng tôi luyện thêm giọng nói và tiếng hát”, chị Hương nói.
Yêu hát dân ca Ví, Giặm từ nhỏ, chị Phạm Thị Ánh Ngọc, giáo viên Trường trung học cơ sở Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết, khi phong trào hát dân ca phổ biến đến các trường học, từ năm 1998, chị đã lồng ghép những làn điệu Ví, Giặm vào bài giảng của mình, trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về loại hình âm nhạc truyền thống này.
“Không chỉ giáo viên âm nhạc dạy được dân ca mà những giáo viên dạy Văn, dạy Sử cũng có thể giới thiệu về nguồn gốc dân ca. Giáo viên âm nhạc có thể truyền thị cho các em bằng tinh thần, bằng giọng hát của mình để các em thấm thấu hơn sự ngọt ngào, mềm mại, về tinh hoa của cha ông để lại, chị Ngọc cho biết.
Nối tiếp những giá trị truyền thống ông cha để lại, ngày nay không chỉ những người già mà tình yêu với dân ca Ví Giặm ngấm dần cùng lớp trẻ. Em Nguyễn Thị Nga - thành viên câu lạc bộ dân ca xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An cho biết, hát dân ca là truyền thống của gia đình.
“Từ lúc nhỏ, em đã đam mê hát dân ca. Khi tập văn nghệ trong làng trong xóm, em đều hát dân ca. Em cũng không nhớ lúc đó mình bao nhiêu tuổi. Bây giờ em đang học sư phạm và em sẽ theo nghiệp giáo viên nhưng niềm đam mê dân ca Ví, Giặm, chắc chắn em sẽ theo đến cùng”, em Nga chia sẻ.
Ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, dân ca nói chung và Ví, Giặm nói riêng đang sống được trong lòng người hâm mộ là nhờ phong trào văn nghệ quần chúng, nhờ hoạt động bền bỉ của câu lạc bộ Ví Giặm tại địa phương. Ví, Giặm ngày càng được lan toả rộng khắp đến từng gia đình, vào tận trường học với giới trẻ. Phong trào hát dân ca phát triển khắp các địa phương ở hai tỉnh này với trên 80 câu lạc bộ và gần 2000 nghệ nhân hoạt động thường xuyên, trong đó có gần 100 nghệ nhân hát Ví, Giặm tiêu biểu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam.
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An thì chính hệ thống các câu lạc bộ đã tạo nên một mạng lưới hát dân ca rộng khắp các địa phương, trở thành “cái nôi” lưu giữ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
“Hiện nay chúng tôi đang phục hồi lại các không gian, môi trường diễn xướng, làn điệu cổ bằng việc nâng cao chất lượng mạng lưới câu lạc bộ ở các phường xã. Đó là hát, diễn phải gắn với các điều kiện, không gian trình thức biểu diễn, không gian diễn xướng. Các làn điệu cổ ra đời như thế nào cũng được nghệ thuật hóa, được khơi lại trên các chương trình biểu diễn”, ông Phạm Tiến Dũng cho biết.
Nếu như ngày xưa, người Nghệ Tĩnh đứng bên này sông hát với sang bên kia sông, trai làng này đối đáp với gái làng bên, thì bây giờ, cứ hai năm một lần, người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh lại gặp nhau trong Liên hoan dân ca được tổ chức luân phiên để giao lưu, học hỏi, truyền cho nhau những làn điệu mới sưu tầm được.
Trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh có cơ hội được bước ra với công chúng yêu văn hóa, âm nhạc quốc tế, cũng sẽ có thêm cơ hội được tiếp cận với những qui trình bảo tồn bài bản, hiện đại. Tuy nhiên, sức sống bền bỉ trong cộng đồng mới chính là cơ sở để Ví Giặm trường tồn cùng với thời gian. Nói như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, “chừng nào tiếng Nghệ còn thì Ví, Giặm sẽ không bao giờ mất”./.