Người họa sỹ vượt qua bệnh hiểm nghèo nhờ vẽ tranh
VOV.VN - Phạm Viết Hồng Lam đã vượt qua bệnh tật, những hoang mang, trống trải. Giờ vẫn vẽ, anh khó chối từ những mảnh quê của mình.
Những làng quê nhiều năm nghiêng bóng vào đời và tranh Phạm Viết Hồng Lam. Khi căn gác áp mái 13 phố Thiền Quang, Hà Nội quá chật chội, thiếu không gian để anh “hít thở”, ngôi nhà vườn Cống Mọc đã là chỗ đi về.
Khi nhiều đồng nghiệp ẩn vào siêu thực… Phạm Viết Hồng Lam vẫn đăm đắm chất quê giản dị. Giữa im lìm chất liệu, những hạt màu hồn nhiên được “gieo trồng”, khác nào những hạt giống tinh thần giúp anh băng qua căn bệnh ung thư vòm họng để sống và “cày xới”. Điều đó cũng giống như anh đã đi qua chiến tranh với vết thương sọ não và đôi tai hỏng.
Anh thường nói: “Thuốc của tôi là cơm ăn với muối vừng, tập thiền, tình yêu của người vợ và những sắc màu”. Bạn bè sẽ nhớ nhiều tới mối tình giữa anh và người vợ, người đồng nghiệp, đồng môn đại học Mỹ thuật Hà Nội - họa sĩ Tạ Phương Thảo.
Tranh Phạm Viết Hồng Lam có sự hội ngộ của dân gian và hiện đại. Một chút Đông Hồ xưa thấp thoáng mà không cũ. Một chút phương Tây xen vào cách phối màu nguyên chất, lối vẽ trang trí ít cầu kỳ kiểu “Ma-tit-xơ”. Nhưng vẫn là hồn quê Việt cả thôi. Từng khuôn tranh tỏa ra thứ hương thơm của rượu nếp cái hoa vàng - ấm và say như ẩn nồng nàn mùa hạ.
Khác nhiều với cha anh - họa sĩ Phạm Viết Song, tranh anh không đẹp “kinh viện”, chặt chẽ trong từng nét vẽ mà thoải mái, phóng khoáng như quên đi mọi luật lệ. Đây là cách anh thoát ra khỏi cái bong sừng sững của người cha để tìm một gương mặt riêng.
Mỗi họa phẩm tự hát một giai điệu riêng. Đó là sắc tím, đỏ, vàng… hay phong cảnh làng quê sở trường. Có thể chỉ là một ngôi làng cụ thể hay những cảnh làng quê được khái quát, chiêm nghiệm qua thời gian. Thấy nắng, gió đi về trong những khóm tre, mái cũ; thấy sắc vàng hoa mướp bau lên… Không ưa lý sự hay tốc độ nghẹt thở thị thành, anh nhẩn nha trong ánh sáng tốt lành của những miền quê yên tĩnh. Những tác phẩm - những mảnh không gian đựng đầy khí trời trong trẻo của làng quê Bắc Bộ. Cũng vẫn là cảnh quê bình dị, cây rơm vàng ấm, cổng làng, bụi chuối, đàn gà sinh sôi, đôi bồ câu gù nhau…nhưng đã được choàng lên những giấc mơ đẹp.
Nhiều năm nay anh hướng cây cọ vào 12 con giáp vẫn với những nét vẽ trẻ trung và tinh giản. Những con vật qua sắc màu của anh càng gần gũi, và như đang nói lên tiếng nói của người họa sỹ, thấp thoáng những biểu tượng của sự hướng thiện... Năm nào, tháng Chạp, chờ Giêng, anh cũng vẽ tặng bạn bè tranh con giáp của năm mới đó thay cho lời chúc an lành.
Phạm Viết Hồng Lam đã vượt qua bệnh tật, những hoang mang, trống trải. Giờ vẫn vẽ, anh khó chối từ những mảnh quê của mình. Nhưng đã thấy những biểu cảm mới mẻ hơn, đằm thắm hơn. Thời gian, sự từng trải giúp anh có được những nét cọ đằm sâu, cô đọng. Nhiều tác phẩm gần đây thấy sự ổn định của bút pháp. Chất trang trí mờ đi. Thay vào đó là những cuộc trò chuyện đồng cảm hơn giữa đời sống nội tâm và thiên nhiên, cảnh vật. Cũng đa dạng hơn về thể tài. Nhưng khó đổi thay những vẻ đẹp xưa cũ của làng quê./.