Việt Nam trong tuần:

“Nóng” các vấn đề dân sinh trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ

VOV.VN -Chính phủ họp phiên "đăc biệt", kỳ họp cuối cùng QH khóa XIII; Sập cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai… là những sự kiện đáng chú ý tuần này.

Phiên họp “đặc biệt” của Chính phủ: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chia tay 

Sáng 26/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 tập trung thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm nay.

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận nhiều biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề nóng nổi lên hiện nay, nhất là liên quan đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn; an toàn vệ sinh thực phẩm; gói tín dụng 30.000 tỷ; quy định đấu thầu giá thuốc và thiết bị y tế…

Các thành viên Chính phủ đã đóng góp nhiều ý kiến, biện pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục những bất cập đang tồn tại và những vấn đề phức tạp mới nảy sinh liên quan đến sớm hỗ trợ các địa phương bị thiên tai 538 tỷ đồng và 10.000 tấn gạo cho các hộ dân nguy cơ thiếu đói; điều chỉnh quy định đấu thầu tập trung khiến nhiều bệnh viện có tiền mà không mua được thiết bị y tế và giá thuốc đấu thầu vẫn còn cao; nhiều dự án hạ tầng lớn đang bế tắc vì các quy định điều chỉnh tổng mức đầu tư…

Kết thúc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có đôi lời phát biểu chia tay các thành viên Chính phủ.

Thủ tướng nói: “Cá nhân tôi, ngày 6/4 tới đây, còn mấy ngày nữa, Đảng, Nhà nước, Quốc hội cho tôi thôi nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, nghỉ chính sách. Như vậy là tôi làm Thủ tướng 9 năm 10 tháng, làm Phó Thủ tướng hai nhiệm kỳ. Phiên họp tới tôi và 19 đồng chí không có mặt”.

Thủ tướng tiếp lời: “Trước hết tôi có lời chân thành cảm ơn các đồng chí thành viên Chính phủ, các đồng chí thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, tạo mọi điều kiện để tôi thực hiện nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao. Chúng ta đã đoàn kết, chung sức đồng lòng trong suốt 10 năm qua, bên cạnh thuận lợi có khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng đã có đánh giá. Việc Trung ương bỏ phiếu tín nhiệm dành tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao nhất đối với tôi, đó là nỗ lực của tập thể Chính phủ”.

Thủ tướng cũng chúc các đồng chí ở lại tiếp tục nhiệm vụ, một số đồng chí được giao trọng trách nặng nề hơn. Mong các đồng chí tiếp tục phát huy thật tốt, hoàn thành trọng trách cao cả mà Đảng và Nhà nước giao.

Thủ tướng có lời chúc rất hóm hỉnh: “Chúc các đồng chí và tôi cũng chúc tôi cùng 15 đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành nghỉ chế độ đợt này giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt... Mỗi đồng chí tuỳ theo hoàn cảnh mà đóng góp sức mình cho Đảng, cho dân”.

Khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII

Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, do đó, bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.

Về công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian khoảng 4 ngày để thảo luận, xem xét, thông qua 7 dự án luật, gồm: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất, nhập khẩu (sửa đổi).

Quốc hội sẽ dành khoảng hơn 4 ngày để xem xét, đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015) và quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020...
Đặc biệt, Quốc hội sẽ dành hơn 10 ngày, từ ngày 31/3 - 12/4 để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước, trong đó có các chức danh chủ chốt là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.

Nợ công: Trả sớm hơn hoặc ‘gánh’ lãi suất cao hơn

Số liệu mới nhất về nợ công của Việt Nam trên đồng hồ nợ công toàn cầu (The global debt clock) cho thấy, lúc 11h00 trưa 23/3, tổng nợ công Việt Nam đang là 94,854 tỷ USD; nợ công chiếm 45,6% GDP; mỗi người dân Việt Nam đang gánh 1.039 USD nợ công.

 

Phát biểu trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nợ công của nước ta tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Kỷ luật đầu tư công vẫn là vấn đề đáng lo ngại, nhiều công trình không phát huy hiệu quả, việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản còn chậm, ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn lớn.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2015, tiền trả nợ đã chiếm khoảng 16% tổng thu ngân sách. Trong năm 2016 con số trả nợ được báo cáo lên Quốc hội và Chính phủ dự kiến là hơn 24% tổng chi ngân sách. Theo đó, ước tính số nợ phải trả khoảng 150.000 tỷ đồng trong năm nay.

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), từ khi nước ta vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình (từ năm 2010), ưu đãi vay các đối tác phát triển dành cho Việt Nam giảm rõ rệt. Đặc biệt, dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Do đó, vốn ODA đã vay, nếu không có khả năng trả nợ nhanh hơn thì sẽ phải gánh lãi suất tăng lên từ 2% - 3,5%.

Hiện tại, khoản vay dài nhất của Việt Nam có thời hạn đến năm 2055, bình quân thời gian các khoản nợ vay là 12,5 năm. Do đó, yêu cầu đặt ra trước khi Việt Nam "tốt nghiệp" ODA vào năm 2017 là phải trả nợ nhanh theo từng khoản vay. Và thời điểm nước ta phải trả nợ nhiều nhất sẽ rơi vào khoảng năm 2022 – 2025.

Sập cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai

Vào lúc 11h30 ngày 20/3, tàu kéo sà lan chở cát bị chết máy đi hướng từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai khi đi qua cầu Ghềnh đã đâm gãy một móng cầu, 2 nhịp sập xuống nước. Lúc xảy ra vụ sập cầu có nhiều người chạy xe trên cầu rớt xuống sông.

Đây là một sự cố giao thông đặc biệt nghiêm trọng bởi không chỉ gây thiệt hại cho hạ tầng giao thông mà còn làm tuyến đường sắt Bắc Nam bị chia cắt. Sau sự cố, không ghi nhận thiệt hại nào về tính mạng của những người đi trên cầu bị rơi xuống sông.

Sáng 21/3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai (PC45) đã bắt giữ hai nghi can trong vụ việc là Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, ngụ Sóc Trăng) khi cả hai nghi can đang lẩn trốn tại tỉnh Sóc Trăng. Lực lượng chức năng đã di lý hai đối tượng về Đồng Nai để phục vụ công tác điều tra.

Sáng nay (27/3), 2 chiếc cẩu nổi có công suất 500 tấn và 150 tấn đã vào vị trí neo đậu, sẵn sàng cho việc trục vớt cầu Ghềnh bị sập. Việc trục vớt dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 2/4, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông- Vận tải. Các đơn vị cũng bắt đầu khoan khảo sát địa chất để phục vụ việc xây dựng cầu mới.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư công trình xây dựng khôi phục cầu Đồng Nai lớn (cầu Ghềnh) Km 1699+860 tuyến đường sắt Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh theo lệnh khẩn cấp.

Đồng ý với đề nghị của Bộ Giao thông - Vận tải và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc bố trí 298,5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) để thực hiện đầu tư công trình. 

Việt Nam nâng cấp cảnh báo về Zika

Liên quan đến việc một du khách Australia sau khi đi du lịch tại Việt Nam về nước được phát hiện nhiễm virus Zika, ngày 24/3, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Zika tại tỉnh Bình Thuận.

Làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận vào chiều 24/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trường hợp du khách Australia đi du lịch ở Việt Nam trở về bị nhiễm virus Zika đã đi qua Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh và đã đến Mũi Né (Bình Thuận) ở 2 đêm. Tuy nhiên, không hoàn toàn bệnh nhiễm từ các địa phương mà du khách này đi qua. Việc này đang trong quá trình điều tra.

Mặc dù chưa xác định được có trường hợp bị virus Zika ở địa phương hay không, nhưng Bình Thuận cần xem như đang ở trong tình huống đã có dịch để chủ động phòng chống. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh Bình Thuận cần thực hiện ngay việc nâng mức độ cảnh báo phòng chống dịch; mở rộng ngay việc giám sát bệnh nhân, nhất là ở khu vực Mũi Né có nhiều du khách quốc tế đến du lịch.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói: “Tất cả các bệnh nhân vào bệnh viện khám, ngay ở phòng khám có những biểu hiện hội chứng cúm, có dấu hiệu chỉ điểm của virus Zika như: đau đầu, sốt, đau cơ, phát ban, viêm kết mạc thì các cơ sở phải lấy mẫu. Làm sao xét nghiệm sốt xuất huyết trước. Sau đó, những mẫu nào âm tính với sốt xuất huyết thì ngay lập tức gửi cho Viện Pasteur Nha Trang. Tôi yêu cầu Viện Pasteur Nha Trang vào Khánh Hòa và Bình Thuận để có thể làm sao chúng ta liên tục làm xét nghiệm. Bởi vì chỉ có xét nghiệm chúng ta mới có thể phát hiện ra được”.

Phòng chống Zika cũng không khác phòng chống sốt xuất huyết. Hữu hiệu nhất vẫn là biện pháp tránh không cho muỗi đốt; đồng thời thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi… Không để muỗi đốt sẽ không bị Zika.

Nỗ lực khắc phục hậu quả vụ nổ tại Văn Phú - Hà Đông

Đã nhiều ngày trôi qua, vụ nổ tại Văn Phú - Hà Đông, Hà Nội ngày 19/3 vẫn để lại dư âm nặng nề.

Ngày 23/3, thêm một nạn nhân tử vong. Những ngôi nhà liền kề vốn có giá tiền tỷ nay đã hư hỏng nặng do sức ép rất lớn của vụ nổ. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 140 ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi vụ nổ. Có đến 95 căn hộ bị vỡ kính, rung chấn làm bung cửa, nứt tường. Trong đó, 4 ngôi nhà bị hỏng nặng, dầm nhà bị gãy, có nguy cơ rơi, đổ, mất an toàn.

Sau vụ việc kinh hoàng xảy ra, người dân sống tại đây đang tích cực khắc phục những hậu quả. Một số hộ dân bị ảnh hưởng nhẹ từ vụ nổ, sau khi sửa chữa nhà cửa, đã có thể tạm ổn định chỗ ở. Hiện, chính quyền địa phương đã cho quây bạt 5 căn nhà hư hỏng nặng, chưa cho người dân tự ý gia cố, sửa chữa khi chưa có đánh giá, thẩm định của cơ quan chức năng.

Nhà thầu Trung Quốc làm đường ống nước sông Đà: Lo hơn mừng!

Đường ống nước sông Đà cung cấp nước sạch cho hàng triệu hộ dân ở Thủ đô sau nhiều lần bị bục, vỡ khiến sinh hoạt của hàng triệu con người bị đảo lộn. Thông tin sẽ có đường ống nước thứ 2 thay thế đã khiến người dân Hà Nội tin tưởng vào một tương lai tươi sáng, không phải sống trong cảnh nửa đêm vác xô, chậu đi xin nước nữa…

Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) - chủ đầu tư dự án đã xác nhận công ty TNHH Sản xuất ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) sẽ là nhà thầu cung cấp hệ thống ống gang dẻo cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông (Dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2). 

Chọn được nhà thầu là tốt rồi, vì xong một phần việc cũng có nghĩa ngày dự án khởi công đang đến gần. Nhưng nhiều người lại “té ngửa” và lo lắng vì sao lại là nhà thầu Trung Quốc? Bởi chúng ta đã có quá nhiều bài học “cay đắng” với không ít nhà thầu Trung Quốc. 

Tại sao với hàng loạt “lùm xùm” khiến dư luận không mấy thiện cảm về cách làm của nhà thầu Trung Quốc mà họ vẫn “lọt” vào những dự án quan trọng? Liệu người dân Thủ đô có tiếp tục trở thành nạn nhân của các nhà thầu Trung Quốc?\

Giờ đã chọn được nhà thầu theo đúng qui trình, đúng luật, không có cớ gì để bàn cãi thêm. Vấn đề cốt lõi người dân chỉ còn biết trông chờ vào sự giám sát nghiêm túc của chủ đầu tư để công trình về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Bởi người dân Thủ đô đã quá khổ vì đường nước sông Đà rồi!

Ruốc bị nhuộm hóa chất: Người Việt công khai tự đầu độc nhau!

Những con ruốc trắng ngần, tươi rói… được ngư dân mang về nhuộm hóa chất cho đỏ tươi, bắt mắt và mang ra Hà Nội bán. Chưa hết, ruốc bẩn, thịt hôi thối, rau tưới bằng dầu luyn, thuốc tăng trưởng, tẩm ướp hóa chất bảo quản… được bán cho người tiêu dùng đã khiến nhiều người lợm giọng, không dám ăn.

Với những con ruốc được nhuộm đỏ tươi bày bán ở Hà Nội, những thông tin, hình ảnh về vụ việc này đã thực sự đánh một đòn chí mạng vào “ông thần khẩu” của biết bao kẻ sành ăn đất Hà Thành. Tươi ư, ngon ư, đặc sản ư? Rước bệnh vào người hết.

Người Việt đang đầu độc nhau một cách công khai mà chẳng ai bị làm sao. Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát đã có lần bày tỏ sự bất lực trước Quốc hội vì không thể dẹp được nạn thực phẩm bẩn do chế tài xử phạt quá nhẹ. Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, “phải coi hành vi sản xuất thực phẩm bẩn là tội ác”. Tội ác đấy, hành động này không khác gì “giết người hàng loạt” đấy nhưng có ai bị xử lý hình sự đâu. Xử phạt dăm ba triệu rồi lại đâu vào đấy vì bị phạt vẫn lãi hơn kia mà.

Mong muốn của người dân về thực phẩm an toàn là rất chính đáng. Con số 150.000 người mắc ung thư mỗi năm chẳng nhẽ không lay động được trái tim các nhà quản lý? Dân chỉ mong rằng, các cơ quan quản lý đừng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau nữa mà hãy xắn tay vào việc đi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên