Thi tuyển công chức liệu có khó hướng tới sự minh bạch?
VOV.VN -Thực trạng “chạy chức chạy quyền” đang đặt ra yêu cầu cần đảm bảo chất lượng “đầu vào” để tuyển chọn được công chức thực sự có năng lực.
Không biết từ bao giờ cụm từ “4C” (tức là con cháu các cụ), hay “con ông cháu cha”, hoặc cụm từ có 4 vần “ệ” lan truyền và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc tuyển dụng sai quy trình, có sai phạm ở Bộ Công thương thêm một lần khẳng định những “xầm xì” trong công tác tuyển dụng, công tác cán bộ rõ ràng là có. Vụ việc gấp gáp đến độ Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải ra văn bản chỉ đạo làm rõ vụ sai phạm thi công chức tại cơ quan này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2014. Đây là một vấn đề xã hội khi nhiều nhà quản lý, các chuyên gia nêu ý kiến, đưa ra các giải pháp để làm sao đạt tới mục đích, giảm nạn “con ông cháu cha” ở các cơ quan, đơn vị Nhà nước; để làm sao có một nền hành chính công vụ thực sự lành mạnh, thực sự vì dân.
Mặc dù tới nay, lãnh đạo Bộ Công thương đã có hình thức xử lý đối với những tiêu cực trong thi tuyển công chức ở Cục Quản lý thị trường, nhưng rõ là sự việc chưa dừng ở đó. Thông tin những sai phạm tương tự xảy ra ở Cục Quản lý cạnh tranh đang được thanh tra lại làm nóng thêm dư luận. Điều này cho thấy, hóa ra lâu nay dư luận nhân dân phản ánh là đúng; hóa ra nó là câu chuyện đã quá phổ biến, quá cũ ở hầu hết các cơ quan Nhà nước. Chỉ có người, cơ quan quản lý là không biết hoặc cố tình không biết mà thôi.
Trong một thời gian ngắn, những vụ việc tiêu cực trong thi cử, thi tuyển liên tiếp được phanh phui. Nào là 40 học viên ở tỉnh Thanh Hóa nộp hơn 1 tỷ đồng để "chống trượt" trong cuộc thi đầu vào lớp Cao học ngành Quản lý kinh tế do trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; nào là 71 sinh viên trường Đại học Quy Nhơn nộp 132 triệu đồng để được nâng điểm, công nhận tốt nghiệp; nào là mua bằng Tiến sĩ Y khoa với giá 200 triệu đồng ở Đại học Thái Nguyên. Và dư luận hẳn chưa quên khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực về việc “chi 100 triệu đồng mới đỗ công chức”.
Thực trạng ấy lý giải vì sao trong dư luận lưu truyền những câu nói “con cháu các cụ”, hay muốn có vị trí xứng đáng trong bộ máy công quyền thì phải có 4 vần “ệ” là “thứ nhất hậu duệ; thứ nhì quan hệ; thứ ba tiền tệ; thứ tư trí tuệ”. Nếu như thiếu một trong 4 vần “ệ” ấy thì chỉ được phép thiếu điều thứ tư, tức “trí tuệ”. Bởi thế mới có nhiều cuộc thi tuyển cán bộ, công chức mang danh minh bạch, khách quan nhưng chỉ có những đối tượng là con ông cháu cha, liên quan đến các mối quan hệ “đặc biệt” hoặc phong bì chứa đầy ngoại tệ là trúng tuyển hay được cất nhắc. Bởi thế, hiện tượng “chảy máu chất xám” đã và đang diễn ra ở nhiều cơ quan Nhà nước mà chưa có giải pháp ngăn chặn.
Cũng vì lẽ đó mới có tới 30% cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” mà cho đến giờ các cơ quan quản lý vẫn loay hoay chưa tìm được ai trong số 30% này để tinh giản. Nguy hại hơn, những đối tượng trúng tuyển bằng các con đường này dễ tạo ra các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây mất lòng tin của người dân vào các cơ quan công quyền, gây ra các phản ứng tiêu cực trong xã hội. Đó là còn chưa nói tới nạn chạy chức, chạy quyền cũng từ các hiện tượng này mà nảy sinh. Hậu quả gây hại của nó cho xã hội như thế nào hẳn ai cũng biết.
Công bằng mà nói, quy trình tuyển dụng công chức, lựa chọn, đề bạt cán bộ hiện nay khá chặt chẽ và phần nào thực chất. Thế nên, nhiều công chức được tuyển dụng thực sự có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt. Họ không cần phải sử dụng tới một trong những điều kiện “tiêu cực” mà vẫn phát triển. Nhưng thực trạng thi tuyển công chức, thực trạng “chạy chức chạy quyền” len lỏi vào hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động xã hội thời gian qua đã và đang thử thách lòng tin của người dân và đặt ra yêu cầu cần chặt chẽ, đảm bảo chất lượng “đầu vào” để tuyển chọn được công chức thực sự có năng lực, có trí tuệ.
Một số địa phương, Bộ, ngành đã từng tự tổ chức thi tuyển công chức, thi tuyển các chức danh lãnh đạo, chọn được những người thực sự có khả năng, có trình độ, đảm nhiệm và hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình. Tuy nhiên, để thống nhất, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và dân chủ rộng rãi trong mọi hoạt động quản lý Nhà nước, Bộ Nội vụ với tư cách là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, đã đề xuất phương án đổi mới phương thức tuyển dụng công chức, không để các bộ ngành và địa phương tự tổ chức thi tuyển. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được lựa chọn, quyết định tuyển chọn những người xứng đáng nhất, nhưng đồng thời là người phải chịu trách nhiệm về những quyết định của chính mình.
Sau những tiêu cực xảy ra thì đây là một phương án cần được nghiên cứu nghiêm túc để đảm bảo công bằng, khách quan, và minh bạch trong việc thi tuyển công chức ở một số Bộ, ngành, địa phương; để không còn những dư luận không tốt về đội ngũ cán bộ, công chức trong nền hành chính phục vụ nhân dân./.