Tinh giản biên chế: Làm sao “đúng người, đúng chỗ”?
VOV.VN - Việc tinh giản biên chế phải chống được tiêu cực, người không đáng giữ ung dung tại vị, còn người không có “ô dù” lại bị tinh giản.
Câu chuyện tinh giản biên chế được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua và lại càng được dư luận quan tâm khi những con số 30% hay 1% cán bộ “cắp ô” chưa được kiểm chứng. Để nhanh chóng làm rõ và khắc phục tình trạng gây bức xúc trong dư luận, Nghị quyết phiên họp tháng 12/2013 của Chính phủ đã giao Bộ Nội Vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bổ sung, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế.
Mới đây, Bộ Nội vụ công bố Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế để lấy ý kiến người dân. Mục tiêu của Dự thảo Nghị định đưa ra đã rõ, nhưng để hoàn chỉnh và có tính khả thi trong thực tiễn, còn nhiều điều băn khoăn.
Việc tinh giản biên chế phải đúng người, đúng chỗ (ảnh minh họa) |
Theo Dự thảo Nghị định, lộ trình 6 năm tới (2014 - 2020) sẽ cần 8.000 tỷ đồng để tinh giản khoảng 100.000 biên chế, trong đó 80% là giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Có ý kiến cho rằng, trong vòng 6 năm mà chỉ tinh giản 100.000 biên chế là quá ít. Cũng có ý kiến băn khoăn, liệu rằng việc tinh giản này có tạo điều kiện cho tình trạng chạy chọt, tiêu cực; người không đáng giữ (trong số phần trăm cán bộ “cắp ô”) vẫn ung dung tại vị, còn người không có “ô dù” lại bị tinh giản hay không? Và thêm việc tinh giản bao nhiêu lại tuyển dụng bấy nhiêu, thậm chí còn hơn số đã tinh giản.
Rõ ràng là, rất nhiều vấn đề được đặt ra mà nếu không được giải quyết thì mục đích kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chưa chắc đã thực hiện được.
Thực tế đã cho thấy, không chỉ nói “tinh giản” là thực hiện được ngay. Bởi đây là vấn đề liên quan đến con người, đến công tác tổ chức, công tác cán bộ. Khi tuyển dụng, họ phải đáp ứng được những tiêu chí, yêu cầu nhất định của cơ quan, đơn vị. Vậy thì tại sao họ lại nằm trong danh sách những người phải “tinh giản”? Để xác định, đánh giá không khó, nhưng để nó thực chất, minh bạch và công khai mới là điều khó thực hiện. Bởi không chỉ bây giờ vấn đề chất lượng công chức mới được nhắc tới. Luật Cán bộ, công chức đã quy định người 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ phải nghỉ việc. Nhưng 4 năm Luật có hiệu lực pháp luật, đến nay quy định này hầu như không được áp dụng. Vì thế, với cách đánh giá, xếp loại cán bộ như hiện nay, lo ngại quy định này khó có tính khả thi không phải là không có lý.
Trong bất kỳ thời điểm nào, khi đặt ra vấn đề tinh giản biên chế, tức mong muốn cho bộ máy được tinh gọn, cán bộ, công chức ý thức hơn trách nhiệm của mình. Nhưng mong muốn đó chưa trở thành hiện thực. Nó lại càng là một vấn đề “nóng” của xã hội khi chính Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng: "Tôi làm nhiều nhiệm kỳ rồi nhưng cứ nói giảm thì nó lại tăng". “Sự tăng” ấy được minh chứng bằng số liệu của Bộ Nội vụ, sau 4 năm thực hiện Nghị định 132 về tinh giản biên chế (từ năm 2007-2011), tính đến năm 2012 tổng số biên chế cán bộ, công chức (không bao gồm viên chức và biên chế Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) đã tăng thêm 56.000 người. Bởi thế, nói “lạm phát” biên chế cũng không phải không có thực tế.
Tinh giản biên chế là một vấn đề phức tạp, có tính lâu dài. Cách đây hàng chục năm, sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính Nhà nước, chỉ riêng trong năm 2002, 13 tỉnh, thành phố đã giảm bình quân 7% biên chế, tiết kiệm gần 15 tỷ đồng, tăng mức thu nhập bình quân hàng tháng của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, vướng mắc về cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện đã bộc lộ. Và cốt lõi của vấn đề là định lượng số biên chế có nhu cầu sử dụng thật như mục đích ban đầu không thực hiện được; cùng với đó là nảy sinh cơ chế xin-cho.
Vì thế, để hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định cũng như để nó có tính thực tiễn, không chỉ đặt ra con số 100.000 người, mà căn cơ là cần nghiên cứu để có căn cứ xác đáng. Việc tinh giản biên chế phải xác định được công việc của các vị trí trong từng cơ quan, từng đơn vị; đẩy mạnh mô hình xã hội hóa, phân biệt một cách rõ ràng quản lý Nhà nước và quản lý dịch vụ công; là yêu cầu tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch “đầu vào” để đảm bảo chất lượng, số lượng cán bộ, công chức; là đánh giá một cách khách quan, công bằng và dân chủ cán bộ, công chức…
Tinh giản biên chế là một yêu cầu cấp bách hiện nay, nhưng việc làm đó cần thực chất. Và điều quan trọng, từ những vướng mắc trước đây, từ những vấn đề nảy sinh trong xây dựng chính sách, phải đưa ra được lộ trình, mục tiêu, tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Nó chỉ thực sự là “cây gậy pháp lý” trong lĩnh vực tinh giản biên chế khi đảm bảo “đúng người, đúng chỗ”, khi đáp ứng được yêu cầu khách quan, đúng đắn của đời sống luật pháp, đời sống xã hội./.