Vụ án Agibank Cần Thơ: Những căn cứ buộc tội không thuyết phục
VOV.VN -Vụ án kéo dài là do cách tính thiệt hại đối với Agribank không hợp lý và kết quả định giá tài sản thế chấp của bị can “ở mức rất thấp”.
Sau gần 3 năm kể từ ngày khởi tố vụ án “Vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Agribank Cần Thơ (24/12/2015), đến nay đã phải tạm đình chỉ điều tra. Vụ án kéo dài là do cách tính thiệt hại đối với Agribank không hợp lý và kết quả định giá tài sản thế chấp của bị can “ở mức rất thấp” đã trở thành nghi ngại lớn nhất để khẳng định họ có tội hay không. Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng Cơ quan An ninh Điều tra - Công an TP Cần Thơ (CQANĐT) và VKSND TP đã “hình sự hóa” quan hệ kinh tế; đã can thiệp quá sâu vào hoạt động SX-KD của DN?
Kết quả định giá tài sản
Tiền vay trừ tài sản thế chấp: “Chênh lệch" hay “Thiệt hại”?
Theo các Kết luận Điều tra của CQANĐT và Cáo trạng của VKSND TP Cần Thơ: Từ năm 2012 - 2015, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (GĐ Cty Nông thủy sản Tây Nam) cùng Phạm Tường Thi (GĐ Cty TNHH Tân Tiến), Nguyễn Văn Đạt (nhân viên Cty Tân Tiến) “thông đồng, cấu kết” với ba cán bộ của Agribank Cần Thơ là Lê Thanh Hải (GĐ), Trần Huy Liệu (Phó GĐ), Bùi Tuấn Anh (Trưởng phòng Tín dụng) “lập khống hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản thế chấp để vay và sử dụng vốn vay sai mục đích, gây thiệt hại cho Agribank Việt Nam 303,683 tỉ đồng”.
Cả 6 bị can cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179, BLHS năm 1999.
Để bị coi là phạm tội theo điều luật trên, Cơ quan tố tụng phải chứng minh các bị can đã “gây thiệt hại” về tài sản cho Agribank.
So sánh các kết quả định giá tài sản. |
Các Bản kết luận điều tra và Cáo trạng đều có chung cách tính: Lấy tổng số tiền gốc và lãi Agribank Cần Thơ cho vay trừ đi tài sản thế chấp của bị can (do CQANĐT, VKS trưng cầu định giá) bằng thiệt hại.
Theo đó, từ năm 2012 đến 2015, Nhân đã vay Agribank Việt Nam (qua chi nhánh Cần Thơ) 6 khoản cả gốc và lãi là 682,971 tỉ đồng. Trong khi đó, toàn bộ giá trị tài sản thế chấp (do CQANĐT và VKS trưng cầu định giá) là 379,288 tỉ đồng. Đối trừ hai con số này còn 303,683 tỉ đồng, được CQANĐT và VKS coi là “thiệt hại đặc biệt lớn” của Agribank để làm căn cứ buộc tội.
Cách tính thiệt hại như trên đặt ra câu hỏi: Số tiền đối trừ nêu trên là “chênh lệch” giữa các khoản vay với tài sản thế chấp hay là “thiệt hại”? Agribank Việt Nam đã có hai văn bản khẳng định họ chưa thiệt hại, thì vụ việc là quan hệ dân sự hay vụ án hình sự? …vv.
Có ý kiến cho rằng: Với cách tính thiệt hại như CQANĐT và VKSND TP Cần Thơ trong vụ án này, thì bất cứ chủ DN nào cũng có thể trở thành tội phạm.
Kết quả định giá tài sản: Đâu mới là giá trị thật?
Theo cáo buộc, cả 6 lần Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân vay Agribank Cần Thơ đều có tài sản thế chấp. Vấn đề ở chỗ, giá trị tài sản thế chấp “cao hơn” hay “thấp hơn” mức vay?
Siêu thi Citimart tại số 51 Nguyễn Trãi ,TP Cần Thơ được định giá quá thấp so với giá thị trường |
Trong khi Ngân hàng và khách hàng cùng hai Công ty định giá, đặc biệt là Kết luận của Thanh tra CP đều chứng minh giá trị tài sản thế chấp “cao hơn nhiều lần” vốn vay, thì CQANĐT và VKS khẳng định “thấp hơn nhiều lần’. Xin được nêu hai dẫn chứng điển hình:
Thứ nhất: Đầu năm 2012, Nhân thế chấp khu đất mặt đường tại 12 Nguyễn Trãi, TP Cần Thơ có diện tích 2574,6m2 để vay 289 tỉ đồng cho việc xây dựng “Cụm chế biến nông thủy sản xuất khẩu” tại TP Vị Thanh (Hậu Giang).
Cty CP Định giá Hoàng Quân (Cần Thơ) thẩm định khu đất trị giá 258,228 tỉ đồng; Công ty Định giá Độc Lập (TPHCM) tái thẩm định là 225,138 tỉ; Agribank Cần Thơ và Nhân thỏa thuận 231,714 tỉ. Đặc biệt Thanh tra CP tại Kết luận số 987/KL ngày 22/6/2018 khẳng định “khu đất này năm 2012 có giá khởi điểm là 233 tỉ”. Mức giá trung bình của 4 đơn vị trên là 237,02 tỉ đồng.
Vậy mà CQANĐT và VKS trưng cầu Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự chỉ có 107,62 tỉ đồng, bằng 45,4% so với mức giá bình quân của bốn đơn vị trên.
Thứ hai: Siêu thị Citimart, số 51 Nguyễn Trãi diện tích 2938,7m2 đất và 6534m2 sàn nhà. Trong khi CQANĐT và VKS trưng cầu định giá 139,218 tỉ đồng, thì bốn đơn vị trên định giá trung bình 328,048 tỉ, gấp 2,356 lần so với định giá của CQANĐT, VKS.
Kết quả định giá của bốn đơn vị trên hoàn toàn độc lập ở những thời điểm khác nhau.
Xem xét các số liệu, nhất là so sánh Kết luận của Thanh tra CP với kết quả định giá tài sản trong Cáo trạng, TAND TP Cần Thơ đã có văn bản gửi VKSND TP nêu rõ: “Phương pháp định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự TP Cần Thơ có những điểm chưa phù hợp”.
Cảnh hoang tàn trong khu đất số 12 Nguyễn Trãi TP Cần Thơ |
“Những điểm chưa phù hợp” mà tòa nêu ra khiến dư luận một lần nữa đặt câu hỏi: Vì sao giá trị những khu đất “vàng” lại “chênh” nhau quá lớn chưa bằng một nửa các đơn vị độc lập? Liệu việc định giá đã khách quan theo đúng pháp luật hay chưa? Tòa nghi ngờ kết quả định giá quá thấp, vậy đâu là giá thật?
Ba lần tòa trả lại hồ sơ - vì sao?
Sau mỗi lần nhận được “Thông báo kết quả định giá tài sản”, gia đình bị can Nhân đều làm “Đơn khiếu nại” và “Đơn đề nghị” định giá lại tài sản thế chấp, nhưng không lần nào yêu cầu của họ chấp nhận. Bởi theo CQANĐT và VKS “việc định giá tài sản đã làm đúng pháp luật”!
Tuy nhiên, trong công văn gửi VKS ngày 19/7/2018, TAND TP Cần Thơ lại cho rằng: “Các ý kiến, yêu cầu xác định lại giá trị tài sản thế chấp của những người tham gia tố tụng trong vụ án có cơ sở thực tế”.
Siêu thị CitiMart nằm trên giao lộ đường Nguyễn Trãi - Trần Văn Khéo có vị trí " đắc địa" tại TP. Cần Thơ |
Vì theo Tòa, giá trị tài sản ở khu đất số12 Nguyễn Trãi của CQANĐT, VKS trưng cầu chỉ có 107,618 tỉ đồng (năm 2016), thấp hơn rất nhiều so với giá khởi điểm 233 tỉ đồng năm 2012 trong Kết luận của Thanh tra CP. “Tương tự như vậy đối với tài sản số 51 Nguyễn Trãi cũng cần thiết xem xét lại về giá trị của tài sản”.
Tại phiên xử sơ thẩm ngày 08/8/2018, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu CQANĐT và VKS “Tiến hành trưng cầu định giá tài sản trong tố tụng hình sự đối với toàn bộ các tài sản thế chấp đảm bảo các khoản vay của các Cty và cá nhân có liên quan trong vụ án tại thời điểm 2018”.
Ngoài hai khu đất có giá trị lớn, còn nhiều tài sản khác cũng được định giá rất thấp. Chẳng hạn: Khu đất gần 22.000m2 tại KCN Vị Thanh được Agribank Cần Thơ định giá 21,2 tỉ đồng, thì CQANĐT, VKS chỉ công nhận mức giá 8,975 tỉ đồng (bằng 42,43%).
Hay diện tích đất 67 “sổ đỏ” đạt tiêu chuẩn quốc tế nuôi cá tra xuất khẩu tại Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh cũng được định giá chỉ bằng 29%, 22%. Thậm chí có tài sản chưa tới 17% giá trị mà hai bên thỏa thuận.
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân tại phiên tòa |
Đặc biệt cùng mảnh đất liền kề tại KCN TP Vị Thanh được BIDV định giá cho một khách hàng vay có giá hơn 938.00đ/m2, trong khi đất của Cty Tây Nam chỉ được định giá 132.000 đ/m2, bằng 1/7 (tức 14%) so với giá của BIDV.
Trong “Đơn yêu cầu định giá lại tài sản”, ông Nguyễn Văn Kịch (cha đẻ bị can Nhân) khẳng định: “Kết quả định giá tài sản không đúng pháp luật, không đúng với giá trị thật và không theo quy luật thị trường”. Theo ông Kịch: “Không có bất kỳ việc nâng khống tài sản nào, cũng không có thiệt hại nào xảy ra cho Agribank như cáo buộc”.
Ngà y 8/9/2018, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, bị can cuối cùng trong vụ án được tại ngoại và tạm đình chỉ điều tra. CQANĐT cũng tạm đình chỉ điều tra vụ án vì “thời hạn điều tra đã hết và chưa có kết quả định giá theo yêu cầu của Tòa”.
Gần 3 năm qua, CQANĐT đã 3 lần ra Bản Kết luận điều tra; VKS cũng đã ban hành 3 Cáo trạng. Đặc biệt, TAND TP Cần Thơ đã có 3 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và 2 lần mở phiên tòa sơ thẩm nhưng vẫn chưa thể tuyên án.
Một vụ án kinh tế mà chứng cứ buộc tội không thuyết phục thì sẽ phải kéo dài. Thiệt hại về tài sản và mất mát niềm tin sẽ không hề nhỏ./.
“Đại án” Agribank Cần Thơ:Tạm đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can
Đại án Agribank Cần Thơ:Cựu GĐ Công ty Thủy sản Tây Nam được tại ngoại
Trả hồ sơ lần 3 vụ án Agribank Cần Thơ do có chứng cứ mới
Truy tố 6 bị can gây thiệt hại hơn 300 tỉ đồng cho Agribank Cần Thơ
Chiếm đoạt 8,4 tỷ đồng, nguyên giám đốc cùng 2 nhân viên Agribank bị khởi tố