Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Doanh nghiệp gửi kiến nghị lên Thủ tướng
VOV.VN - Doanh nghiệp cho rằng Cơ quan tố tụng làm ảnh hưởng đến người bị oan sai và đẩy doanh nghiệp đến chỗ đóng cửa, người lao động mất việc làm.
Ngày 14/9 vừa qua, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề liên quan đến vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” xảy ra ngày 2/8/2013 do Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM khởi tố ngày 4/9/2013. Đây là vụ án mà dư luận hay gọi là: “Vụ chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP.HCM”.
Theo kiến nghị của doanh nghiệp, việc kéo dài thời gian tố tụng – đến nay đã hơn 2 năm 1 tháng, là do những người tiến hành tố tụng ở Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát TP.HCM lạm dụng quyền lực để khởi tố, truy tố oan sai 2 đảng viên, 2 giám đốc doanh nghiệp là ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết.
Tàu thuyền đóng bằng công nghệ mới PPC của Công ty Việt Séc được lực lượng vũ trang mua, sử dụng và đánh giá cao về chất lượng. |
Các doanh nghiệp và người lao động đã nhiều lần gửi kiến nghị khẳng định việc khởi tố, truy tố 2 ông này là không có căn cứ pháp lý đồng thời đề nghị các Cơ quan tố tụng TP.HCM đình chỉ vụ án oan sai này để không tiếp tục gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động nhưng đã không được Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát TP.HCM xem xét.
Nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia pháp luật, luật sư đã phân tích vụ án và có kiến nghị gửi các Cơ quan tố tụng TP.HCM khẳng định việc khởi tố, truy tố ông Đảo và ông Quyết theo Điều 214 Bộ luật hình sự (BLHS) về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” là không có căn cứ, là oan sai.
Dư luận báo chí đã có nhiều bài viết phân tích chỉ ra việc oan sai cùng các sai phạm về tố tụng trong hoạt động khởi tố, điều tra vụ án này nhưng các cơ quan tố tụng không tiếp thu, lắng nghe để sửa mà còn lạm dụng quyền lực kéo dài vụ án làm cho hậu quả việc oan sai ngày một lớn thêm.
Tòa án nhân dân TP.HCM đã phải 2 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Văn bản trả hồ sơ của Tòa án cũng đã nói rõ không có căn cứ để buộc tội 2 bị can nhưng người có thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM vẫn cố bảo lưu quan điểm để truy tố đến cùng ông Đảo và ông Quyết.
Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Liên đoàn Luật sư Việt Nam lên tiếng
Khi thời hạn điều tra bổ sung vừa hết vào ngày 27/8/2015 thì Cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu Bộ GTVT giám định tàu bị nạn BP 12-04-02 đồng thời ban hành quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự và tạm đình chỉ điều tra bị can để chờ kết quả giám định.
Việc trưng cầu giám định lại chiếc ca nô bị tai nạn chỉ làm kéo dài thêm việc oan sai vì các lý do:
Thứ nhất: Ngay khi tai nạn xảy ra thì các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT và các Cơ quan tố tụng đã điều tra, giám định chiếc tàu này để xác định nguyên nhân tai nạn.
Bản kết luận điều tra ngày 12/9/2014 của cơ quan điều tra ghi rõ: “Kết quả điều tra - giám định đã xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn do ca nô BP 12-04-02 chở quá số lượng người cho phép, hành trình ra vùng không được phép hoạt động và việc điều khiển phương tiện không phù hợp”, nhưng do người điều khiển phương tiện đã mất nên Cơ quan điều tra không khởi tố.
Rõ ràng nguyên nhân tai nạn không có liên quan đến chất lượng hoặc tình trạng kỹ thuật của con ca nô. Vậy việc giám định lại có thể làm thay đổi nguyên nhân gây ra tai nạn được không?
Thứ hai: Dù việc giám định lại kết quả thế nào thì ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết cũng không phải là chủ thể của Điều 214 BLHS mà Cơ quan điều tra đang khởi tố.
Chủ thể của Điều 214 BLHS là người có quyền cho phép đưa vào sử dụng phương tiện và người đó chỉ có thể là chủ phương tiện – Cơ quan Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu và người làm đăng kiểm phương tiện – Phòng Đăng kiểm Hải quân.
Ông Đảo chỉ là người lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất ra chiếc ca nô này và bán cho Biên phòng. Từ xưa đến nay và trên cả thế giới này không có nơi nào tai nạn giao thông xảy ra lại khởi tố người sản xuất phương tiện.
Doanh nghiệp cho rằng việc làm sai của Cơ quan tố tụng không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người bị oan mà còn đang đẩy doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ là Công ty Việt Séc đến chỗ đóng cửa và người lao động mất việc làm.
Các luật sư Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ 6 nêu kiến nghị
Mới đây, các luật sư của thuộc Đoàn luật sư Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có kiến nghị lên Bộ Công an, Công an TP.HCM đề nghị đình chỉ vụ án oan sai "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.
Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ, TP.HCM: Cần đình chỉ, tránh oan sai
Các luật sư cho rằng, họ đã gửi rất nhiều kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền nhưng vẫn không được xem xét giải quyết.
Theo văn bản kiến nghị lần 6 của các luật sư, thì một vụ án tai nạn giao thông mà kéo dài đến hơn 2 năm vẫn chưa kết thúc đã cho thấy các cơ quan liên quan không tôn trọng quy định của pháp luật, không dám nhìn thẳng vào sự thật để sửa sai.
Theo các luật sư, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM nên nhìn thẳng vào sự thật để nhanh chóng đưa ra một quyết định đúng đắn là đình chỉ vụ án này.
Nếu tiếp tục kéo dài thì thiệt hại do oan sai ngày càng lớn và làm mất niềm tin của người dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Trước đó, VOV.VN và nhiều cơ quan báo chí cũng đã có một loạt các bài viết liên quan đến vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP.HCM. Vụ án được các chuyên gia pháp luật mổ xẻ, nhiều tổ chức lên tiếng đề nghị xem xét vụ án một cách thận trọng, tránh oan sai.
VOV.VN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc./.
Diễn biến vụ án:
- Ngày 2/8/2013, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy khiến 9 người bị tử nạn trong đó có tài công Phạm Duy Phúc.
Do tài công điều khiển ca nô bị nạn BP 12-04-02 tử vong, cơ quan cảnh sát điều tra đình chỉ điều tra tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy.
Tuy nhiên người sản xuất ca nô ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết bị khởi tố về tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.
- Ngày 17/10/2014, Viện kiểm sát hoàn tất cáo trạng truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214 Bộ luật hình sự.
Sau cáo trạng truy tố, rất nhiều cơ quan tổ chức, người lao động, các chuyên gia pháp luật đã đề nghị cơ quan tố tụng của TP.HCM xem xét lại vụ án để tránh oan sai.
Nhiều chuyên gia pháp luật khẳng định, việc truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214, Bộ luật Hình sự là không có cơ sở.
- Ngày 17/4/2015, TAND TP.HCM trả hồ sơ lần 1 yêu cầu làm rõ kết quả giám định và nguyên nhân vụ tai nạn.
- Ngày 26/5/2015, VKS cùng cấp có công văn khẳng định do không có chứng nhận Đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam là không đảm bảo an toàn.
- Trong quá trình điều tra bổ sung, ngày 25/6/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ GTVT đã có Công văn số 2411/ĐKVN-TB khẳng định ca nô bị nạn thuộc đăng kiểm của Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ GTVT không có thẩm quyền đăng kiểm.
- Ngày 17/7/2015, TAND TP.HCM lại có công văn trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần 2.
- Ngày 28/7/2015, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM ra quyết định trả hồ sơ vụ án “chìm ca nô ở huyện Cần Giờ” để điều tra bổ sung cho Công an TP.HCM.
Theo quyết định, cơ quan thực hành quyền công tố yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra, điều tra bổ sung các nội dung nêu tại quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung (lần 2) số 176/2005/HSST-QĐ ngày 17/7/2015 của TAND TP.HCM và các tình tiết mới phát sinh trong quá trình điều tra bổ sung.
- Ngày 28/8/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM ra quyết định đình tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can với lý do: Sau khi tiến hành điều tra thấy vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” cần phải giám định tư pháp đối với ca nô BP 12-04-02.
Bởi vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định tạm đình điều tra vụ án hình sự "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn" xảy ra ngày 2/8/2013 tại huyện Cần Giờ, TP.HCM theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 372-01 ngày 4/9/2013 để chở kết luận giám định.
Vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP.HCM:
Bài 1: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM: Bị can kêu oan
Bài 2: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Phạm tội vì sản xuất bằng vật liệu… quá mới!?
Bài 3: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: “Quên” vật chứng vụ án, sẽ có oan sai
Bài 4: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Gửi thư kêu oan lên Chủ tịch nước
Bài 5: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ (TP.HCM) do lỗi đăng kiểm?
Bài 6: VCCI đề nghị xem xét cẩn trọng vụ chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP HCM
Bài 7: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM: Trả hồ sơ, điều tra bổ sung
Bài 8: Vì sao tòa án TP HCM trả hồ sơ vụ chìm ca nô ở huyện Cần Giờ?
Bài 9: Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM: Truy tố gượng ép?
Bài 10: Khi Bộ trưởng Đinh La Thăng đã hứa trước Quốc hội!
Bài 11: Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) bị tố thiếu trách nhiệm, gây hại cho doanh nghiệp
Bài 12: Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội
Bài 13: Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu sớm cấp đăng kiểm cho vật liệu PPC
Bài 14: Cục Đăng kiểm nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng
Bài 15: Chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã được thực hiện
Bài 16: Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ: Tình tiết mới “bẻ gẫy” luận điểm truy tố
Bài 17: Tòa án TPHCM lần thứ 2 trả hồ sơ vụ chìm ca nô ở Cần Giờ
Bài 18: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ, TP.HCM: 2 năm không kết thúc nổi 1 vụ án
Bài 19: Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ, TP.HCM: Cần đình chỉ, tránh oan sai
Bài 20: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Điều tra bổ sung vì xuất hiện tình tiết mới
Bài 21: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Liên đoàn Luật sư Việt Nam lên tiếng
Bài 22: Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ, TP.HCM: Tạm đình chỉ điều tra