Bị ép không nhận tiền trợ cấp thôi việc để được chốt sổ BHXH
VOV.VN - Người lao động muốn chốt sổ BHXH phải ký vào giấy tự nguyện không nhận tiền trợ cấp thôi việc với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Mới đây, VOV-TPHCM đã nhận được đơn phản ánh về việc doanh nghiệp trên địa bàn buộc người lao động phải ký vào giấy tự nguyện không nhận tiền trợ cấp thôi việc với số tiền hàng trăm triệu đồng thì mới chốt sổ BHXH.
Trụ sở Công ty cổ phần Tàu quốc, nơi ép công nhân muốn chốt sổ BHXH, phải “tự nguyện” hiến tiền trợ cấp thôi việc.
Khi không nhận được sự đồng tình, nhiều tháng qua, đơn vị này đã không chốt sổ BHXH khiến người lao động không thể làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp, không thể khám chữa bệnh BHYT.
Theo các cơ quan chức năng, đây là hành vi cố tình vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Đó là trường hợp của ông Nguyễn Hữu Hồng, 56 tuổi, ngụ Quận 7, TPHCM. Ông đã làm việc tại Công ty cổ phần Tàu Cuốc, địa chỉ số 33-A34, Khu dân cư Kim Sơn, Đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Phong, Quân 7 được gần 34 năm. Tuy chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng do bị thoát vị đĩa đệm, sức khỏe yếu nên ông đành xin thôi việc và được doanh nghiệp chấp thuận. Tổng Giám đốc công ty đã ra quyết định cho ông Hồng được hưởng trợ cấp thôi việc hơn 93 triệu đồng.
Thế nhưng đã 4 tháng trôi qua, sau nhiều lần đến công ty để yêu cầu được chốt sổ BHXH, đến nay ông Hồng vẫn không có sổ để làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nguyên nhân theo ông Hồng cho biết là do ông không chịu ký vào “Đơn tự nguyện” với nội dung không nhận tiền trợ cấp thôi việc do doanh nghiệp này đưa ra.
Ông Nguyễn Hữu Hồng.
Ông Hồng cho biết thêm: cùng cảnh ngộ với ông còn có 10 người lao động khác, khi nghỉ việc cũng bị ép không nhận tiền trợ cấp thôi việc để được chốt sổ BHXH. Do số tiền không đáng kể nên họ phải chấp nhận yêu cầu của công ty nhằm nhanh chóng được chốt sổ BHXH để làm hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp.
Vừa không có tiền trợ cấp thôi việc vừa phải tốn thời gian dai dẳng đi đòi sổ BHXH không thành, lại ốm đau triền miên mà ông Hồng không thể thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, mà nay cũng đã quá thời hạn 3 tháng làm thủ tục xin nhận trợ cấp thất nghiệp.
“Bây giờ rất khó khăn, không biết làm sao. Nếu có được sổ bảo hiểm để xin ra hội đồng y khoa để hưởng lương, để được BHYT, bí rất bí mà không biết làm cách gì được. Cũng nhiều người nói là đã chấp nhận cam kết nhưng vẫn sẽ kiện vì công ty đã ép mất tiền mới chịu trả sổ cho người ta”, ông Nguyễn Hữu Hồng ngậm ngùi nói.
Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - Liên đoàn Lao động TPHCM, pháp luật đã quy định kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH cho người lao động. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không trả tiền cho người lao động đúng thời hạn, không trả sổ BHXH cho người lao động thì đó là hành vi trái pháp luật, cụ thể là Luật BHXH và Điều 8, Nghị định 95 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội.
“Nếu doanh nghiệp cố tình không trả các khoản trợ cấp hoặc là giữ sổ BHXH hoặc là giữ các giấy tờ khác có liên quan thì người lao động có thể làm đơn khởi kiện. Ở đây Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM chúng tôi sẽ hướng dẫn từng thủ tục, kể cả soạn những đơn khởi kiện giúp cho người lao động khởi kiện”, ông Trần Văn Triều nói.
Thông tin từ BHXH TPHCM cho biết, vào tháng 6 vừa qua, BHXH Việt Nam đã thanh tra chuyên ngành tại Công ty Cổ phần Tàu Cuốc và ghi nhận doanh nghiệp này nợ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp tính đến hết tháng 5/2018 là hơn 1 tỷ 560 triệu đồng. Đoàn thanh tra cũng yêu cầu đơn vị này phải nộp số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp và lãi suất theo quy định của pháp luật. Đến hết tháng 7, con số nợ đã lên tới hơn 1,8 tỷ đồng.
Theo bà Trần Ngọc Giao Châu, Trưởng phòng quản lý thu và khai thác nợ BHXH TPHCM, trong Luật BHXH 2014 đã quy định người lao động được cấp và quản lý sổ BHXH, còn người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ cho người lao động khi họ nghỉ việc.
Hiện nay trên địa bàn TPHCM có tình trạng doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc nhưng không giải quyết việc chốt sổ BHXH cho họ do các đơn vị này đang nợ BHXH. Trước tình hình đó, BHXH Việt Nam đã hướng dẫn giải quyết theo Quyết định 595 quy định việc xác nhận sổ BHXH tại thời điểm đã đóng để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Cụ thể, đối với các doanh nghiệp nợ BHXH, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì doanh nghiệp có trách nhiệm đóng đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp... bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH cho người lao động.
Trường hợp doanh nghiệp chưa đóng đủ thì xác nhận số BHXH theo nguyên tắc người lao động đóng tới thời điểm nào, xác nhận sổ tới thời điểm đó. Sau khi doanh nghiệp đóng khoản tiền nợ thì sẽ xác nhận bổ sung tiếp theo vào sổ BHXH.
“Trường hợp nếu như doanh nghiệp không đủ khả năng đóng trước tiền cho người lao động thôi việc, doanh nghiệp nộp hồ sơ lên cơ quan BHXH đề nghị cơ quan BHXH giải quyết sổ theo cách nộp tiền tới đâu chốt sổ tới đó. Sau này khi doanh nghiệp nộp đủ loại tiền, chốt sổ bổ sung trả cho người lao động”, bà Trần Ngọc Giao Châu, Trưởng phòng quản lý thu và khai thác nợ BHXH TPHCM cho biết.
Trước tình trạng các doanh nghiệp không chốt sổ BHXH khiến người lao động gặp nhiều khó khăn, cơ quan BHXH TPHCM đã tăng cường việc thanh kiểm tra các doanh nghiệp về thu, giải quyết chế độ, sử dụng, quản lý sổ BHXH và chốt sổ cho lao động thôi việc…, nhằm kịp thời xử lý khi phát hiện vi phạm. Về phía người lao động có thể làm đơn tố cáo hành vi này đến cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình./.
Nhức nhối nợ đọng bảo hiểm xã hội ở các tỉnh miền Trung
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tiếp tục khắc phục những hạn chế
Gian lận Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm tự nguyện có thể ngồi tù