Chấn hưng giáo dục: Người giỏi "quay lưng" với nghề cao quý?

VOV.VN-Học sinh, sinh viên giỏi “quay lưng” với nghề sư phạm sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai gần.

Từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào, người thầy giáo luôn được xã hội kính trọng và tôn vinh.

Nhà giáo dục học Tiệp Khắc vĩ đại Comenski đã viết: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”.

Nghề dạy học được ví như những “kỹ sư tâm hồn” - nghề luôn được xã hội tôn vinh và gửi gắm cả thế hệ tương lai.  Thầy giáo là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, mang trên vai mình trọng trách truyền lại tri thức, văn hóa, đạo đức… cho các thế hệ mai sau.

Với ý nghĩa cao cả đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hoá”.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

Người thầy quan trọng là vậy nhưng mới đây, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam vừa công bố điều tra, khảo sát ý kiến giáo viên tại một số tỉnh, thành đối với nghề dạy học. Kết quả quá bất ngờ vì có tới 50% giáo viên các cấp trả lời rằng, nếu được chọn lại nghề, họ đều không muốn chọn lại nghề sư phạm!

Nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhưng hiện nay, học sinh và sinh viên theo đuổi học ngành này rất ít (Ảnh minh họa)

Học sinh, sinh viên quay lưng với nghề “trồng” người

Năm 1996-1997 được coi là thời kỳ “hoàng kim” của ngành sư phạm, khi Bộ GD-ĐT đưa ra quy chế miễn học phí cho học sinh đăng ký vào ngành này. Sự khuyến khích đó đã khiến cho rất nhiều học sinh khá, giỏi “đầu quân” vào các trường sư phạm mỗi khi đến kỳ thi ĐH, CĐ. Sự cạnh tranh để được vào ngành sư phạm đã lên đến cao trào khi có năm, nếu thí sinh nào muốn vào khoa Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội thì phải đạt 27, 28 điểm cho 3 môn thi.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, điểm đầu vào của thí sinh thi sư phạm trong cả nước đang có xu hướng giảm dần, có trường phải lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn và phải tuyển nguyện vọng 2 mới đủ chỉ tiêu. Không chỉ số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào các trường sư phạm giảm sút mà chất lượng đầu vào cũng đang ở mức báo động “đỏ”.

Câu nói: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” dường như đang là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh, sinh viên. Điều quan trọng là, số lượng cũng như chất lượng học sinh đăng ký vào ngành sư phạm sẽ tác động lớn đến đội ngũ giáo viên và nguồn nhân lực cho đất nước trong tương lai.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng: Hiện nay, số lượng sinh viên thi tuyển vào các trường sư phạm ngày càng ít đi. Sinh viên sư phạm ra trường không làm đúng nghề chiếm tới 70%.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến

Có một thời gian dài, đất nước đã tuyển sinh được lượng lớn thí sinh đỗ đạt điểm cao vào các trường sư phạm và tuyển dụng được khá nhiều giáo viên  giỏi vào giảng dạy tại các trường học. Đó là kết quả của việc ngành Giáo dục có chính sách sinh viên đỗ vào các trường sư phạm thì không phải đóng học phí và ra trường được phân bổ công việc.

Thế nhưng, trên thực tế hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp 4-5 năm vẫn không tìm được việc làm. Nhiều sinh viên tâm sự là muốn xin được dạy học ở một trường Hà Nội hay các thành phố khác thì phải mất đến hàng trăm triệu đồng “chạy chọt”. Có sinh viên gia đình khó khăn, không đủ tiền “chạy” nên đành gác lại giấc mơ đứng trên bục giảng và chuyển sang làm trái ngành nghề.

Có những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, khoa Ngoại ngữ ĐH Sư phạm thì lại tìm cách xoay sở để chuyển công việc khác như phiên dịch hoặc làm cho các Đại sứ quán, tổ chức phi Chính phủ, công ty liên doanh với nước ngoài với mức lương hàng nghìn USD.

Thiếu giáo viên giỏi- thảm họa lớn!

Trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm thì tại các vùng, miền khó khăn lại rất cần giáo viên giỏi.

Theo GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học sư phạm, hiện nay, giáo viên ở các vùng miền có sự chênh lệch lớn. Số giáo viên ở thành phố nhiều nhưng các vùng, miền khó khăn thì rất thiếu giáo viên dạy giỏi.

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có những chính sách khuyến khích và trả lương phụ cấp cho giáo viên dạy ở các vùng khó khăn nhưng theo đánh giá của nhiều người, sự hỗ trợ vẫn chưa đủ hấp dẫn họ. Bởi vì ngoài lương và phụ cấp ra, nhiều giáo viên e ngại về điều kiện sống còn thiếu thốn, khó khăn, địa hình ở một số nơi rất hiểm trở, xa xôi nên họ chưa tự nguyện đến đây. Có những sinh viên nữ tâm sự, giảng dạy ở những vùng khó khăn sẽ ít được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên khó lập gia đình khi tuổi xuân qua nhanh.

GS.TS Đinh Quang Báo

Hiện nay, cả nước có hơn 1 triệu giáo viên giảng dạy trải dài khắp các tỉnh, thành, vùng miền nhưng số lượng giáo viên có trình độ, yêu nghề, sẵn sàng bám trường, bám lớp trong bất kỳ hoàn cảnh nào không được như những năm trước. Nhiều giáo viên chỉ dạy ở những vùng miền được một thời gian rồi sau đó lại tìm cách chuyển về những nơi có điều kiện thuận lợi hơn.

Một trong những lý do chính quyết định đến việc thu hút sinh viên theo ngành sư phạm là hiện nay, mức lương của giáo viên còn thấp. Nếu một sinh viên tốt nghiệp vào giảng dạy tại một trường học, sau khi trừ chi phí bảo hiểm xã hội thì tiền lương chỉ còn khoảng 2,2 triệu đồng/tháng. Mức lương này quá thấp để họ có thể sinh sống, bám trụ với nghề.

Mức lương thấp cộng với tìm kiếm việc làm khó khăn đã ảnh hưởng tới việc thu hút học sinh khá, giỏi đăng ký thi vào các trường sư phạm. Điều đáng báo động là khoảng vài năm trước, còn có chút ít học sinh khá, giỏi đăng ký thi vào sư phạm nhưng trong 3 năm trở lại đây, đến học sinh có học lực trung bình cũng không muốn đăng ký theo ngành này.

Hiện nay, chúng ta đang đứng trước thách thức lớn là không thu hút được học sinh giỏi vào ngành sư phạm và thiếu giáo viên giỏi giảng dạy ở các địa phương (kể cả những thành phố lớn) cũng như đội ngũ giáo viên giỏi trong tương lai. Và như vậy, việc chấn hưng giáo dục, mục tiêu đổi mới toàn diện chất lượng giáo dục sẽ khó khả thi.

Đề án đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT đề ra đã nhấn mạnh đến đổi mới chất lượng nguồn lực giáo viên.

Vẫn biết rằng, đất nước ta còn nghèo, ngân sách Nhà nước không chỉ dành riêng cho giáo dục mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, nếu như Chính phủ, Quốc hội không có những giải pháp đổi mới quyết liệt và đồng bộ trong công tác tuyển sinh, tạo việc làm và chiến lược đào tạo nguồn lực cũng như thu hút những người giỏi nhất vào ngành sư phạm thì trong tương lai, chúng ta sẽ không có được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển đất nước và hội nhập với thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giáo dục học đường đang coi nhẹ việc “dạy người”
Giáo dục học đường đang coi nhẹ việc “dạy người”

VOV.VN-Chương trình giáo dục phổ thông đang quá nặng về “dạy chữ” mà chưa chú trọng đến việc “dạy người”, kỹ năng sống cho học sinh.

Giáo dục học đường đang coi nhẹ việc “dạy người”

Giáo dục học đường đang coi nhẹ việc “dạy người”

VOV.VN-Chương trình giáo dục phổ thông đang quá nặng về “dạy chữ” mà chưa chú trọng đến việc “dạy người”, kỹ năng sống cho học sinh.

Không chấm điểm HS lớp 1: Ý kiến từ phụ huynh và nhà trường
Không chấm điểm HS lớp 1: Ý kiến từ phụ huynh và nhà trường

VOV.VN -Trong khi phụ huynh đồng tình với hướng dẫn của Bộ GD-ĐT thì một số giáo viên và nhà quản lý giáo dục tỏ ý ngược lại.

Không chấm điểm HS lớp 1: Ý kiến từ phụ huynh và nhà trường

Không chấm điểm HS lớp 1: Ý kiến từ phụ huynh và nhà trường

VOV.VN -Trong khi phụ huynh đồng tình với hướng dẫn của Bộ GD-ĐT thì một số giáo viên và nhà quản lý giáo dục tỏ ý ngược lại.

GS Ngô Bảo Châu: Phải đổi mới ngay giảng dạy đại học !
GS Ngô Bảo Châu: Phải đổi mới ngay giảng dạy đại học !

VOV.VN-Nếu chúng ta không có đội ngũ giáo viên giỏi thì chẳng thể đào tạo và thu hút được nguồn nhân lực tốt phục vụ cho phát triển đất nước.

GS Ngô Bảo Châu: Phải đổi mới ngay giảng dạy đại học !

GS Ngô Bảo Châu: Phải đổi mới ngay giảng dạy đại học !

VOV.VN-Nếu chúng ta không có đội ngũ giáo viên giỏi thì chẳng thể đào tạo và thu hút được nguồn nhân lực tốt phục vụ cho phát triển đất nước.

Thứ trưởng GD-ĐT: Nguồn nhân lực bị “loại” ngay trên sân nhà
Thứ trưởng GD-ĐT: Nguồn nhân lực bị “loại” ngay trên sân nhà

VOV.VN-Nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng được nhân sự vì hiện nay, nhiều lao động thiếu kiến thức xã hội, kỹ năng thực hành kém.

Thứ trưởng GD-ĐT: Nguồn nhân lực bị “loại” ngay trên sân nhà

Thứ trưởng GD-ĐT: Nguồn nhân lực bị “loại” ngay trên sân nhà

VOV.VN-Nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng được nhân sự vì hiện nay, nhiều lao động thiếu kiến thức xã hội, kỹ năng thực hành kém.

Đạo đức học đường: Nhất định phải thay đổi!
Đạo đức học đường: Nhất định phải thay đổi!

VOV.VN - Để các em trở thành một người có nhân cách, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội hết sức quan trọng...

Đạo đức học đường: Nhất định phải thay đổi!

Đạo đức học đường: Nhất định phải thay đổi!

VOV.VN - Để các em trở thành một người có nhân cách, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội hết sức quan trọng...

Chấn hưng Giáo dục: Có thực mới vực được đạo?
Chấn hưng Giáo dục: Có thực mới vực được đạo?

VOV.VN - Nhiều độc giả cho rằng, đừng đòi hỏi ở các em nhiều, khi mà người lớn chỉ nói lý thuyết mà không thực hành đạo đức tốt.

Chấn hưng Giáo dục: Có thực mới vực được đạo?

Chấn hưng Giáo dục: Có thực mới vực được đạo?

VOV.VN - Nhiều độc giả cho rằng, đừng đòi hỏi ở các em nhiều, khi mà người lớn chỉ nói lý thuyết mà không thực hành đạo đức tốt.