Giáo dục học đường đang coi nhẹ việc “dạy người”

VOV.VN-Chương trình giáo dục phổ thông đang quá nặng về “dạy chữ” mà chưa chú trọng đến việc “dạy người”, kỹ năng sống cho học sinh.

Trong một Hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức-công dân trong giáo dục phổ thông mới đây, hàng trăm nhà quản lý, tâm lý và giáo viên đã phải thốt lên rằng: “Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đang bị xem nhẹ. Chương trình giáo dục phổ thông đang quá nặng về “dạy chữ” mà chưa chú trọng đến việc “dạy người”.

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành, trường học chỉ quan tâm đến thành tích học sinh giỏi, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp mà ít chú ý đến cải tiến chất lượng giảng dạy, giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm cho học sinh.

Đối với phụ huynh thì đa phần chỉ chú trọng đến kết quả học tập, bồi dưỡng kiến thức chứ không để ý tới tâm sinh lý và rèn luyện lối sống cho con. Điều này phần nào lý giải cho hiện tượng, trong thời gian qua, nhiều trẻ vị thành niên, thậm chí là sinh viên, thanh niên đã có những trình độ nhất định nhưng vẫn vi phạm pháp luật, trở thành tội phạm.

Tăng cường rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh từ cấp dưới là việc làm cần thiết (Ảnh minh họa)

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, trong năm 2012, tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%.

Hành vi phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện. 

Những vụ án gây chấn động xã hội như giết người cướp tiệm vàng ở Bắc Giang được thực hiện bởi một thanh thiếu niên; giết bạn gái một cách man rợ được thực hiện từ một sinh viên ĐH Ngoại thương là những bằng chứng cho thấy tội phạm ở lớp trẻ đang có chiều hướng gia tăng.

Tại sao lại có những hiện tượng đau buồn đó và chúng ta cần phải làm gì để con em trở thành công dân tốt, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT chia sẻ và làm rõ hơn vấn đề này.

Tội phạm hiện hữu ở cả những người học hành đầy đủ

PV: Xin ông cho biết, vì sao tội phạm vị thành niên trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, tội phạm vị thành niên đang gia tăng là do gia đình, nhà trường đã không kịp phát hiện những đức tính xấu của các em từ khi còn nhỏ nên để những tật xấu đó trở thành thói quen. Khi gặp điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi thì những tật xấu đó có thể khiến các em có những hành vi vi phạm pháp luật và trở thành tội phạm khi ở độ tuổi vị thành niên.

Theo tôi, những ý kiến này chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Toàn xã hội phải chịu trách nhiệm về tình trạng gia tăng tội phạm vị thành niên. Một trẻ hư, một thanh niên suy thoái đạo đức không phải chỉ do từ phía nhà trường mà là còn do sự thiếu quan tâm của gia đình, trách nhiệm từ phía địa phương, cơ quan, chi hội, đoàn thể…

Giáo dục đạo đức, lối sống học đường đang bị xem nhẹ!

PV: Ý kiến của ông như thế nào khi hiện nay, hành vi phạm tội không chỉ dừng lại ở những trẻ em ít được học hành mà còn hiện hữu ở những thanh niên có học thức, trình độ nhất định?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Theo đánh giá của Ủy ban Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông đang quá nặng về “dạy chữ” mà chưa chú trọng đến việc “dạy người”.

Đúng là hiện nay, trong xã hội, nhiều người vi phạm pháp luật, trở thành tội phạm là những thanh niên trí thức, người có bằng cấp…

Điều này cho thấy một vấn đề đáng báo động là trong giáo dục học đường, chúng ta chỉ quan tâm đến giáo dục kiến thức văn hóa cho học sinh, sinh viên nhưng đang xem nhẹ giáo dục đạo đức, lối sống và sống trách nhiệm cho các em. Đây là bất cập cần phải nhanh chóng thay đổi. Nếu không thay đổi kịp thời thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của thế hệ trẻ - những người sẽ đóng góp đáng kể cho sự phát triển của đất nước.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống

PV: Vậy theo ông, trong môi trường học đường, chúng ta sẽ phải thay đổi bắt đầu từ đâu?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Trước hết, chương trình học phổ thong, đặc biệt là môn Đạo đức- Giáo dục công dân (GDCD) phải thay đổi cơ bản và thiết thực khiến học trò cảm thấy thích thú, có thể vận dụng được vào chính cuộc sống.

Muốn rèn luyện kỹ năng sống cho học trò thì giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học, để học sinh cảm thấy tu dưỡng đạo đức, kỹ năng sống là cần thiết và coi đó là trách nhiệm không thể bỏ qua.

PV: Việc rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh đang rất đáng lo ngại. Vậy xin ông cho biết, Bộ GD-ĐT đã có những giải pháp cụ thể nào để chấn chỉnh vấn đề này?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Trước hết, Bộ GD-ĐT hết sức coi trọng việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, thậm chí và đào tạo lại cho những giáo viên dạy Đạo đức-GDCD.

Thực tế hiện nay, ở bậc Tiểu học và THCS, giáo viên chủ nhiệm phải kiêm luôn dạy môn Đạo đức. Ở bậc THPT, giáo viên phải dạy kiêm nhiệm, chồng chéo giữa GDCD với những môn khác.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ sẽ phải cùng với các cơ quan khác thực hiện cuộc tổng điều tra xem trong bối cảnh giáo dục có sự thay đổi thì thiếu bao nhiêu giáo viên dạy Đạo đức-GDCD. Số giáo viên hiện tại chưa được chuẩn hóa như thế nào. Nếu chưa được chuẩn hóa thì sẽ xử lý bồi dưỡng, đào tạo lại ra sao?

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đang xem xét chỉnh đổi chương trình sách giáo khoa (SGK) Đạo đức-GDCD gắn với lộ trình thay đổi chương trình học sau năm 2015. Từ chương trình đó, Bộ sẽ trình lên Chính phủ và Quốc hội xem xét, sau đó mới có thể tổ chức soạn thảo, viết lại SGK cho phù hợp với học sinh ở từng bậc học.

Khi Đề án được Chính phủ, Quốc hội duyệt thì ngành Giáo dục có thể triển khai thí điểm ở một số địa phương trước khi tiến hành đại trà.

Cần thiết phải thay đổi tuyển sinh ĐH đối với ngành GDCD

PV: Ông có nghĩ là khi thay đổi chương trình, SGK môn Đạo đức-GDCD thì phải có lộ trình thay đổi cách thức tuyển sinh đại học nhằm tuyển dụng giáo viên chuyên ngành dạy môn học này hay không và vì sao?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Hiện nay, bài toán đau đầu đối với các bạn trẻ là phải tính đến học cái gì để sau khi tốt nghiệp là có việc làm, thu nhập có đủ để sống.

Chính vì vậy, khi các trường ĐH, CĐ thay đổi cách thức tuyển sinh ngành nào đó thì phụ thuộc rất nhiều vào “đầu ra” của sinh viên.

Không chỉ riêng gì đối với ngành đào tạo GDCD mà nhiều ngành khác, các trường ĐH, CĐ cũng phải tính tới bài toán trên.

Đối với việc đào tạo, đổi mới chương trình đổi mới giáo dục GDCD, Bộ GD-ĐT đang xây dựng Đề án có nội dung nêu rõ: Nhà nước phải bao cấp, tìm mọi cách thu hút để đào tạo một số ngành nghề khó thu hút học sinh theo học như GDCD.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Tôi ủng hộ việc không chấm điểm học sinh lớp 1"
"Tôi ủng hộ việc không chấm điểm học sinh lớp 1"

VOV.VN-Việc chấm điểm cho học sinh lớp 1 sẽ không thể chính xác, công bằng vì hiện có quá nhiều phụ huynh cho con học trước.

"Tôi ủng hộ việc không chấm điểm học sinh lớp 1"

"Tôi ủng hộ việc không chấm điểm học sinh lớp 1"

VOV.VN-Việc chấm điểm cho học sinh lớp 1 sẽ không thể chính xác, công bằng vì hiện có quá nhiều phụ huynh cho con học trước.

Cha mẹ có ảnh hưởng đến nhân cách của con cái
Cha mẹ có ảnh hưởng đến nhân cách của con cái

Các cụ ngày xưa thường lập chí để con cái noi theo, coi cái chí của mình là tài sản văn hoá của con cái.  

Cha mẹ có ảnh hưởng đến nhân cách của con cái

Cha mẹ có ảnh hưởng đến nhân cách của con cái

Các cụ ngày xưa thường lập chí để con cái noi theo, coi cái chí của mình là tài sản văn hoá của con cái.  

Không chấm điểm lớp 1: Phụ huynh băn khoăn
Không chấm điểm lớp 1: Phụ huynh băn khoăn

VOV.VN -Dù không ít ý kiến ủng hộ nhưng việc không chấm điểm lớp 1 cũng khiến nhiều người tỏ ra e ngại.

Không chấm điểm lớp 1: Phụ huynh băn khoăn

Không chấm điểm lớp 1: Phụ huynh băn khoăn

VOV.VN -Dù không ít ý kiến ủng hộ nhưng việc không chấm điểm lớp 1 cũng khiến nhiều người tỏ ra e ngại.

Các Giáo sư: "Nhân cách" trong học đường rất đáng ngại!
Các Giáo sư: "Nhân cách" trong học đường rất đáng ngại!

VOV.VN - Trong 12 năm học, các trường chỉ làm được việc trang bị kiến thức cho học sinh, còn trang bị nhân cách con người hầu như bị bỏ ngỏ...

Các Giáo sư: "Nhân cách" trong học đường rất đáng ngại!

Các Giáo sư: "Nhân cách" trong học đường rất đáng ngại!

VOV.VN - Trong 12 năm học, các trường chỉ làm được việc trang bị kiến thức cho học sinh, còn trang bị nhân cách con người hầu như bị bỏ ngỏ...

Mời hiến kế chấn hưng giáo dục
Mời hiến kế chấn hưng giáo dục

VOV.VN - VOV chào đón mọi ý kiến của độc giả, các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý... góp phần đổi mới nền giáo dục nước nhà

Mời hiến kế chấn hưng giáo dục

Mời hiến kế chấn hưng giáo dục

VOV.VN - VOV chào đón mọi ý kiến của độc giả, các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý... góp phần đổi mới nền giáo dục nước nhà