Đan Mạch hỗ trợ tạo ra 30.000 việc làm mới
VOV.VN -Chương trình GFC đã hỗ trợ hơn 40 dự án và tạo ra gần 30.000 việc làm mới, tăng thu nhập đáng kể cho người dân.
Ngày 28/11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo “Vai trò của khối tư nhân trong phát triển nông nghiệp và nông thôn”.
Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả Kế hoạch hỗ trợ khu vực kinh doanh tư nhân của Đan Mạch từ năm 2011 đến cuối năm 2014 theo chương trình Nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt Nam (GFC).
Chương trình GFC đã hỗ trợ nguồn vốn cho 42 dự án tại 8 tỉnh thành bao gồm: Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Yên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, An Giang, Cần Thơ.
Cụ thể, GFC tập trung vào các dự án mang tính đổi mới, tạo ra nhiều dịch vụ mới, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới và dần tiến hành nhân rộng mô hình đối với các dự án khác. Bên cạnh việc hỗ trợ tìm kiếm thị trường mới, GFC tập trung giúp giảm thiểu rủi ro tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam và tổ chức ngoài quốc doanh triển khai các ý tưởng dự án đổi mới nhằm xác định và đưa công nghệ mới cũng như triển khai các mô hình kinh doanh.
Đại diện Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, chương trình GFC đã hỗ trợ hơn 40 dự án và tạo ra gần 30.000 việc làm mới cho người dân. Hơn 60.000 người đã được đào tạo chuyên môn, thu nhập cho nông dân tăng lên đáng kể với nguồn thu đáng ghi nhận từ lĩnh vực xuất khẩu.
Ngoài ra, chương trình đã hỗ trợ nâng cao và cải tiến chất lượng dịch vụ theo hướng thương mại hóa cho số lớn các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp hộ gia đình cũng như người nông dân, nhằm tạo ảnh hưởng tích cực và lâu dài đối với sự phát triển của khu vực kinh doanh xuất khẩu.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình GFC cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm như: Không phải tất cả các dự án phát triển chuỗi giá trị đều có thể tác động tới nhóm nông dân và nông hộ “nghèo nhất”; Một số dự án “rủi ro thấp, dễ thành công” đôi khi gây nên sự bóp méo thị trường, đặc biệt là khi sản phẩm được bán vào thị trường nội địa.
Tính đến nay, nguồn vốn Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam tương đương với 25% tổng nguồn vốn hỗ trợ củ toàn bộ Liên minh Châu Âu.
Trong giai đoạn 2014-2015, Đan Mạch sẽ tiến hành giải ngân khoảng 90 triệu USD vốn ODA cho Việt Nam. Các lĩnh vực chủ yếu được nhận hỗ trợ là phát triển xanh, môi trường, phát triển khu vực tư nhân, nước sạch, văn hóa và các hoạt động quản lý nhà nước./.