Đại học Duy Tân Đà Nẵng mua chương trình của các trường ở Mỹ
VOV.VN -Đến nay, Đại học Duy Tân Đà Nẵng đã hình thành 10 chương trình chuyển giao công nghệ của 4 trường đại học uy tín ở Mỹ.
Trong khi nhiều trường tư thục trong cả nước đang đứng bên bờ vực phá sản thì Đại học Duy Tân Đà Nẵng ngày càng lớn mạnh, trở thành Đại học tư thục lớn nhất miền Trung. Vượt qua định kiến xã hội “trọng công khinh tư”, trường đã theo đuổi được mục tiêu đào tạo chất lượng cao. Mục tiêu này góp phần tạo nên tầm vóc của một trường Đại học tư thục tầm cỡ với 36 khoa và Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng.
Hiện trường đã thiết lập mối quan hệ hợp tác, chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo, trao đổi giảng viên và sinh viên với hơn 15 trường đại học và cao đẳng trên thế giới. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại miền Trung phỏng vấn Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Lê Công Cơ, Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Đại học Duy Tân Đà Nẵng về nỗ lực xây dựng trường.
PV: Thưa ông, trong khi trường công lập được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước thì các trường Đại học tư thục phải “tự lực cánh sinh”. Bằng cách nào mà Đại học Duy Tân Đà Nẵng phát triển được như ngày hôm nay?
NGƯT Lê Công Cơ: Tâm lý của xã hội cho đến bây giờ vẫn “trọng công khinh tư”. Phụ huynh cho con vào học trường tư là bất đắc dĩ. Phải học trường công khi tốt nghiệp mới dễ xin việc làm. Trở ngại nữa là nhiều tỉnh, thành phố ra công văn công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng là không tuyển những người tốt nghiệp từ đại học ngoài công lập. Đã vậy, miền Trung là vùng đất nghèo, cho con em vào học trường công lập để đỡ tốn kém học phí.
Chúng tôi phát triển được như ngày hôm nay là nhờ kiên trì xây dựng cho được đội ngũ giỏi về giảng dạy, có tâm huyết với giáo dục, thương yêu sinh viên, thương yêu người học như chính thương yêu con mình. Do đó, trường mới lấy mô hình đào tạo chất lượng cao, gắn liền với nghiên cứu ứng dụng trên nền nhân văn hiện đại.
PV: Nhưng đối với người thầy thì Đức phải đi liền với Tài. Được biết Đại học Duy Tân Đà Nẵng cũng đã có nhiều chính sách thu hút giáo viên giỏi. Cách làm đó mang lại kết quả như thế nào, thưa ông?
NGƯT Lê Công Cơ: Ngay từ đầu, chúng tôi đã đề ra mục tiêu là đào tạo gắn liền với nghiên cứu, gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp. Mỗi giảng viên buộc phải nghiên cứu tình hình trong nước, tình hình thế giới và đưa những nghiên cứu đó vào trong từng bài giảng ở trình độ mà sinh viên có thể tiếp thu được.
Bên cạnh đó, chúng tôi hình thành Viện Nghiên cứu và Phát triển của trường, trong đó phần lớn là những sinh viên được đi học ở những nước tiên tiến làm việc tại Đại học Duy Tân Đà Nẵng. Đến nay, Viện này có hơn 30 tiến sĩ rất trẻ. Chính lực lượng này làm nòng cốt cho nghiên cứu của trường. Đội ngũ này đồng thời trực tiếp giảng dạy để tạo ra chất lượng tốt hơn.
Dĩ nhiên, nghiên cứu như vậy thì tốn kém lắm, vì ở các trường công thì được Nhà nước đầu tư, còn chúng tôi tự lo hết, những giảng viên ở nước ngoài về thì chúng tôi trả lương cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi về ăn ở để họ yên tâm làm việc.
PV: Nhiều năm nay, Đại học Duy Tân tập Đà Nẵng trung nghiên cứu các giáo trình và chương trình đào tạo từ các nước tiên tiến rồi chọn lọc và cải tiến cho phù hợp với sinh viên Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn cách làm này?
NGƯT Lê Công Cơ: Nói đến chất lượng phải nói đến việc học, việc dạy và sử dụng lao động. Việc dạy phải để sinh viên tiếp thu được những chương trình mới, đặc biệt là những chương trình của các trường đại học tiên tiến nước ngoài phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu hiện nay.
Chính vì vậy, Đại học Duy Tân Đà Nẵng đã mạnh dạn đầu tư mua chương trình của các trường Đại học ở Mỹ thông qua con đường chuyển giao công nghệ với giá cao để tạo ra mặt bằng về chương trình mới trong khu vực Đại học ngoài công lập. Đến nay, Đại học Duy Tân Đà Nẵng đã hình thành 10 chương trình chuyển giao công nghệ của 4 trường đại học uy tín ở Mỹ. Vì thế, chất lượng chương trình đào tạo rất tốt.
Đại học Duy Tân Đà Nẵng đã đưa một số giảng viên sang Mỹ để đào tạo về phương pháp và tiếp thu chương trình giảng dạy của họ để truyền đạt lại cho sinh viên. Chúng tôi cũng đã mời những giảng viên các trường đại học tiên tiến ở nước ngoài đến dạy tại trường. Ngoài ra, nhà trường luôn gắn đào tạo với nhu cầu của các doanh nghiệp, của xã hội
PV: Bài học làm người của các cụ ngày xưa được Đại học Duy Tân Đà Nẵng áp dụng cho sinh viên như thế nào, thưa ông?
NGƯT Lê Công Cơ: Năm 1992, khi xây dựng Đề án, tôi lấy 2 câu thơ của Nguyễn Du là “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” làm phương châm đào tạo. Nếu chúng ta không dạy cho sinh viên làm người trước khi tiếp thu kiến thức thì những gì học được cũng xem như bỏ đi. Khi chúng ta mở cửa hội nhập toàn cầu thì cái tốt đi liền với cái xấu, nên phải trang bị cho các em về tính nhân văn./.
PV: Xin cảm ơn ông!./.