Không chấm điểm ở bậc Tiểu học, giáo viên có trách nhiệm hơn?
VOV.VN - Thông qua đánh giá học sinh bằng nhận xét, phụ huynh cũng sẽ biết được con của mình có năng lực học tập tốt và yếu kém ở điểm nào…
Hiện nay, các trường Tiểu học đang bắt đầu thực hiện việc không chấm điểm hàng ngày học sinh cấp Tiểu học. Theo đó, giáo viên sẽ không dùng điểm số để đánh giá học sinh thường xuyên mà đánh giá năng lực học tập của các em bằng cách ghi nhận xét: Hoàn thành hoặc không hoàn thành từng bài học, môn học.
Ngoài đánh giá học sinh cấp Tiểu học bằng cách không chấm điểm, các trường còn phải đánh giá năng lực và phẩm chất đạo đức của các em. Phụ huynh có thể hỗ trợ con em học tập tốt hơn thông qua việc đánh giá của giáo viên.
Trước việc không chấm điểm hàng ngày học sinh cấp Tiểu học, nhiều phụ huynh và giáo viên đã có những băn khoăn, lo lắng. Phóng viên báo Điện tử VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội.
Phương thức mới không phải là bỏ hẳn việc chấm điểm
PV: Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương chính thức không chấm điểm học sinh cấp Tiểu học từ ngày 15/10. Là thành phố có điều kiện giảng dạy và học tập tiến bộ hơn so với nhiều tỉnh, thành khó khăn, Hà Nội đã tiếp nhận công việc trên như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trí Dũng: Sau khi tiếp thu chỉ đạo của tập huấn “Nâng cao năng lực đánh giá học sinh tiểu học” do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức cho cán bộ, giáo viên là cốt cán của các tỉnh, thành phố, Sở GD-ĐT Hà Nội đã triển khai kế hoạch tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên Tiểu học từ ngày 3 đến 10/10/2014. Theo đó, 100% cán bộ, giáo viên Tiểu học của thành phố Hà Nội đã được tập huấn, được tiếp thu đầy đủ tinh thần chỉ đạo và nội dung đánh giá học sinh Tiểu học được quy định theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ GD-ĐT.
Trong Quy định theo Thông tư 30 cũng không phải bỏ hẳn việc đánh giá bằng điểm số đối với học sinh cấp Tiểu học. Tuy nhiên, việc đánh giá bằng điểm số chỉ thực hiện đối với học sinh ở bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học, ở một số môn như: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc. Còn hàng ngày, hàng tuần, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn sẽ đánh giá năng lực học tập của học sinh bằng nhận xét: nhận xét bằng lời, bằng ghi nhận xét dựa trên sự quan sát quá trình học tập, tham gia hoạt động giáo dục của học sinh; đối chiếu với “Chuẩn kiến thức, kĩ năng” theo quy định của Bộ, căn cứ lực học cụ thể của mỗi học sinh.
Từ trước đến nay, nhiều người dân, đặc biệt là phụ huynh học sinh luôn cho rằng, việc đánh giá học sinh chỉ thông qua điểm số thì mới chính xác. Thế nhưng, theo Quy định theo Thông tư 30, việc đánh giá bằng nhận xét có cái mới và toàn diện hơn ở chỗ giáo viên không chỉ xác định được kết quả mà còn nắm vững được những chuyển biến tích cực trong học tập của các em trong cả một quá trình, từ đó có biện pháp để hướng dẫn, giúp đỡ học sinh ngày càng tiến bộ. Thông qua đánh giá học sinh bằng nhận xét, phụ huynh sẽ biết được con của mình đã hoàn thành hoặc chưa hoàn thành ở môn nào, mặt nào? Có năng khiếu và thiếu kỹ năng ở môn học, phần học nào? Đạt hay chưa đạt về phát triển năng lực, phát triển phẩm chất ở vấn đề gì?
Để các thầy cô giáo thực hiện tốt việc đánh giá học sinh bằng nhận xét, Bộ GD-ĐT đã ban hành hệ thống sổ sách cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn để giáo viên ghi chép từng tháng một cách rõ ràng quá trình thực hiện nhiệm vụ của học sinh.
Việc đánh giá bằng nhận xét học sinh đòi hỏi giáo viên phải có tinh thần trách nhiệm và năng động, tận tụy với học sinh hơn. Tuy nhiên, đối với những lớp có sĩ số học sinh cao không yêu cầu giáo viên phải ghi nhận xét hết tất cả học sinh của lớp trong 1 ngày. Việc ghi nhận xét này có thể được thực hiện bằng cách trong 1 ngày, giáo viên chỉ ghi nhận xét ở 1 nhóm, 1 tổ; ngày hôm sau ghi nhóm khác. Hàng tuần, hàng tháng, giáo viên sẽ tập hợp lại quá trình học tập của học sinh để ghi nhận xét một cách cụ thể, chi tiết.
Có đầy đủ căn cứ để đánh giá chính xác năng lực của học sinh
PV: Nhiều người lo ngại, khi áp dụng hình thức đánh giá học sinh bằng nhận xét thì khó thể biết được chính xác năng lực học tập của các em một cách khách quan, công bằng. Ông nghĩ như thế nào về lo ngại trên?
Ông Nguyễn Trí Dũng: Việc đánh giá học sinh không chỉ phụ thuộc vào những lời nhận xét của giáo viên mà còn căn cứ vào cả điểm số của các bài kiểm tra cuối học kỳ I, cuối năm học ở các môn học căn cứ theo hướng dẫn “Chuẩn kiến thức kĩ năng” của Bộ GD-ĐT .
Về phía giáo viên phải có trách nhiệm và đạo đức, lòng tự trọng nghề nghiệp trong việc nhận xét năng lực học tập của học sinh một cách trung thực, khách quan thông qua quá trình phấn đấu của các em. Căn cứ vào nguyên tắc đánh giá bằng nhận xét trong quy định của Thông tư 30 chứ giáo viên không thể áp đặt lời nhận xét hay chấm điểm cho học sinh một cách chủ quan được.
Trong quá trình giáo viên nhận xét, đánh giá học sinh luôn có sự chứng kiến của tập thể lớp. Quá trình nhận xét cũng được các giáo viên, tổ chuyên môn trao đổi thường xuyên, có sự tham gia trao đổi nhận xét của phụ huynh học sinh.
Còn trong những lần kiểm tra cuối học kỳ I, cuối năm học, hiệu trưởng nhà trường phải có trách nhiệm kiểm soát bộ đề và thang điểm (Đề bài kiểm tra phải căn cứ đối tượng học sinh để có các mức độ phù hợp) để học sinh làm bài và giáo viên căn cứ vào đó để chấm điểm. Sau đó, có sự kiểm tra, chấm chéo giữa các lớp, các giáo viên trong cùng khối lớp. Trong việc xét học sinh lên lớp, giáo viên chủ nhiệm không thể tự quyết định mà còn phải có sự tham gia ý kiến nhận xét của các giáo viên bộ môn.
Đối với học sinh lớp 5 chuẩn bị lên lớp 6 cấp trung học cơ sở, trong mỗi kỳ kiểm tra cuối học kì I, cuối năm học sẽ có giáo viên THCS phối hợp với giáo viên cấp Tiểu học để cùng tham gia coi thi và giám sát chấm điểm đối với học sinh. Với quy trình đó thì sẽ thể hiện được tính chính xác, khách quan công bằng khi đánh giá một học sinh.
Phương thức đánh giá mới không liên quan đến dạy thêm- học thêm
PV: Nhiều phụ huynh cho rằng, việc đánh giá học sinh bằng nhận xét sẽ không thể giảm bớt được tình trạng học thêm- dạy thêm. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Trí Dũng: Việc đánh giá học sinh bằng nhận xét là cả một quá trình theo dõi năng lực học tập và rèn luyện của học sinh. Ngành giáo dục áp dụng phương thức này là mục đích nhằm đánh giá năng lực của học sinh một cách khoa học, toàn diện hơn. Còn việc đánh giá học sinh bằng nhận xét không liên quan gì đến dạy thêm - học thêm.
Chương trình giáo dục Tiểu học hiện hành đã cung cấp chuẩn kiến thức kĩ năng đảm bảo để học sinh phát huy năng lực, phẩm chất. Trong thực tế, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành các văn bản cấm dạy thêm, học thêm; dạy học trước chương trình đối với học sinh cấp Tiểu học. Tuy nhiên, hiện tượng dạy thêm - học thêm vẫn còn đây đó ở ngoài trường học, một phần xuất phát từ cách nghĩ của một số phụ huynh quá kì vọng, muốn con mình phải giỏi hơn nữa. Nhiều người cho rằng, phải cho con học trước chương trình thì con mình mới theo kịp hoặc không bỡ ngỡ khi lên lớp trên…
Tuy nhiên, tác hại của việc học thêm, học trước chương trình là càng tăng áp lực học tập, sinh tư tưởng chủ quan khi học sinh học trong lớp nghĩ mình đã biết rồi và cảm thấy nhàm chán trong bài học trên lớp…
Hiện tượng dạy thêm-học thêm cũng là vấn đề cần được sự vào cuộc của các cấp, các ngành cùng với ngành giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục. Hiệu trưởng các nhà trường phải có trách nhiệm, quán triệt giáo viên chấm dứt: mở lớp ở các khu dân cư, một nơi nào đó không phải tại nơi cư trú hoặc theo đề nghị của một số phụ huynh dạy cho con em họ…
PV: Xin cảm ơn ông!./.