Miễn 20% thi tốt nghiệp THPT: Cân nhắc kẻo "lợi bất cập hại"
VOV.VN -Nhiều người hoan nghênh chủ trương đổi mới của Bộ GD-ĐT nhưng cũng không khỏi lo ngại tiêu cực sẽ bùng phát
Kết quả học phản ánh đúng năng lực học sinh?
Có con năm nay thi chuẩn bị tốt nghiệp THPT, anh Mai Văn Thủy (phường Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội) rất quan tâm về thông tin sẽ có 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT.
Anh Thủy cho biết, anh không ngại lực học của con mình, nhưng anh lại rất “ngại” những tiêu cực đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. “Tôi cho rằng với việc dạy và học ở nhiều nơi hiện nay, rất khó để đánh giá học sinh một cách đúng theo chất lượng khi mà bệnh thành tích trong ngành Giáo dục vẫn chưa được hạn chế. Nhiều trường muốn đạt thành tích cao, sẽ cố gắng đạt chỉ tiêu Bộ đưa ra và cho điểm phóng tay. Như vậy còn đâu là đánh giá đúng năng lực thực sự của học sinh và những em thực sự học tốt nhiều khi sẽ bị thiệt thòi”.
Nhiều phụ huynh, học sinh rất quan tâm về thông tin sẽ có 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT |
Chị Liên cho biết, từ khi học lớp 1, không chỉ con gái chị mà hầu như tất cả các cháu trong lớp đều phải học thêm ở nhà cô, mặc dù nhà trường đã có lệnh cấm. Lần nào cũng vậy, trước hôm thi, học sinh đều được ôn luyện những dạng tương tự bài thi đến thuộc như cháo chảy, nên kết quả thi các cháu đều đạt điểm 9-10. Học sinh nào đạt điểm thấp hơn được gọi là “kém” và phần lớn là không đi học thêm nhà cô.
“Với cách học đối phó như hiện nay, không biết có bao nhiêu phần trăm là kiến thức thực của các cháu. Cả lớp đều học sinh giỏi thì biết chọn ai để miễn thi bây giờ. Ngay cả những học sinh được miễn thi, cũng chưa hẳn đã là học giỏi thực sự”- Chị Liên băn khoăn.
Em Mai Xuân Hà, học sinh lớp 12 một trường THPT ở Hà Nội kể rằng, những học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp PTTH ở trường em cũng bàn tán khá nhiều khi nghe thông tin sẽ có 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp. Ai cũng lo lắng mình có nằm trong số 80% học sinh còn lại. “Dự thảo đưa ra gần với dịp các em chuẩn bị học hết THPT và không biết sẽ thực hiện khi nào cũng tạo ra áp lực đối với chúng em. Những bạn điểm cao thì khá yên tâm, còn những bạn điểm thấp hơn lại lo lắng và thấy nuối tiếc, nếu còn thời gian sẽ thúc đẩy các bạn cố gắng hơn”.
Tiếp cận vấn đề ở góc độ khác, thầy giáo Phạm Văn Thưởng (Nam Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa) lại nêu vấn đề, năm nào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng đạt trên 90%, vậy thì có nên xét tỷ lệ học sinh được miễn tốt nghiệp ngươc lại, nghĩa là miễn cho 80% học sinh, chỉ có 20% phải thi. Như vậy vừa giảm áp lực cho các em, vừa gần với chủ trương của Bộ là tổ chức kỳ thi đơn giản, đỡ tốn kém lại theo xu hướng của nhiều nước hiện nay.
Liệu có nảy sinh tiêu cực?
Còn cô giáo Ngô Thị Thu, Phó Hiệu trưởng một trường THPT ở Thanh Hóa lại cho rằng, khi đưa ra chỉ tiêu 20%, Bộ căn cứ vào đâu và cũng cần có tiêu chí rõ ràng để việc lựa chọn được công bằng, không tạo ra tiêu cực khi xét miễn.
Tuy vậy, cô Thu cho rằng, các kỳ thi cũng là những lần để các em trải nghiệm và đánh giá năng lực của mình. Đã học thì phải có thi cử, có phân loại nên để tất cả các em cũng thi sẽ lựa chọn một cách công bằng hơn. “Kể cả thi hay miễn thì điều quan trọng vẫn là sự công bằng, chất lượng trong giáo dục. Nếu mà còn tiêu cực, còn bệnh thành tích thì có thực hiện phương án nào cũng chỉ là hình thức”- Cô Thu nói.
Cô Thu cũng lo lắng việc áp chỉ tiêu 20% cho các trường như vậy sẽ rất khó khả thi. “Ở các trường ở Thành phố, trường chuyên lớp chọn thì tỷ lệ 20% có thể là khá thấp, vì thực tế có trường chuyên, tỷ lệ các em học tốt khá cao. Nhưng ở các trường miền núi, thực sự chất lượng khá thấp, khó có thể chọn được tỷ lệ như vậy để cho các em miễn thi. Nếu trường hợp nhiều trường chạy theo thành tích, họ nâng điểm cho học sinh để cán đích 20% thì tiêu chí miễn giảm theo chất lượng có còn ý nghĩa nữa không?”.
Cô Thu cho rằng, cũng có thời kỳ Bộ GD-ĐT cũng đã cho thời kỳ xét tuyển cho một học sinh vào thẳng Đại học, nhưng sau đó có nhiều vấn đề tiêu cực nảy sinh, rõ nhất là việc xin điểm-chạy điểm nên sau đó Bộ đã dừng chủ trương này lại. Vì thế, khi chưa quản lý tốt chất lượng đào tạo, chất lượng giáo viên thì chưa nên thực hiện chủ trương miễn thi tốt nghiệp THPT một cách vội vã.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lại cho rằng, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao như hiện nay 97-98%, thì không nên tổ chức thi mà phải tìm một cách đánh giá khác có hiệu quả.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, việc đưa ra tỷ lệ 20% thí sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT còn nhiều điểm bất hợp lý. “Ngày trước Bộ cũng đã một lần miễn thi nhưng hệ lụy của nó là việc chạy điểm, xin điểm, tiêu cực xảy ra nhiều nên Bộ lại bỏ quy định này. Vậy giờ đây, Bộ lấy cơ sở nào để đưa ra con số 20%, mà ở mỗi địa phương chất lượng giáo dục mỗi khác, áp dụng tỷ lệ này cho tất cả các địa phương lại càng phi lý. Theo tôi chưa nên thực hiện việc miễn thi tốt nghiệp THPT vào thời điểm này, nếu không sẽ “lợi bất cập hại”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, có thay đổi gì đi nữa thì điều quan trọng là chương trình, nội dung, phương pháp dạy như thế nào. Nhưng trên hết, vẫn là vấn đề con người, đặc biệt là nhân cách người thầy cần phải được đặc biệt quan tâm. “Bấy lâu nay báo chí phản ánh rất nhiều về việc tiêu cực trong ngành giáo dục. Mới đây báo chí cũng đưa về tỷ lệ tham ô ngày càng lớn trong ngành, tôi rất buồn. Nhưng họ phản ánh đúng, bởi vẫn tồn tại chuyện cô giáo mầm non ghi sổ nhận xét về cho gia đình rằng con em họ còn yếu kém, sau đó gia đình lại kẹp trở lại phong bì vào trong sổ đưa cho cô; rồi việc ăn cắp thời gian, tuyển dụng công chức cũng phải mấy tiền để “chạy”… Tất cả những chuyện này rõ ràng là tham ô. Ngành Giáo dục cần phải sớm chấn chỉnh những việc này mới mong đến việc đổi mới chất lượng giáo dục-đào tạo”.
Trong một Hội nghị với Bộ GD-ĐT mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh rằng, cần cân nhắc đến việc giao cho các địa phương tỷ lệ 20% miễn thi tốt nghiệp. Theo Phó Thủ tướng, việc thi hay miễn thi đều phải hướng tới hiệu quả, phát huy được năng lực, kiến thức của học sinh và định hướng nghề nghiệp cho các em./.