Hạn chế rủi ro cho du khách trên cung đường rừng Tà Năng – Phan Dũng
VOV.VN -Hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng đang triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi đến Tà Năng – Phan Dũng.
Tà Năng – Phan Dũng được giới du lịch bụi đánh giá là cung đường rừng độc đáo và đẹp nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cung đường rất khó chinh phục và đặc biệt nguy hiểm bởi tính chất địa hình đồi núi, thác ghềnh hiểm trở, mức độ rủi ro cao.
Nơi đây từng xảy ra hai vụ du khách tử vong. Trước thực trạng này, hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng đang triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi đến nơi này.
Cung đường rừng đầy hấp dẫn và thu hút nhiều phượt thủ khám phá. |
Cung đường rừng Tà Năng – Phan Dũng đi qua địa phận hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận. Núi non trùng điệp và phong cảnh thơ mộng làm cho nơi này có sức hút đặc biệt đối với những ai yêu thích du lịch, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên. Trên hành trình đó, du khách được tận hưởng không gian mới lạ, khí hậu mát mẻ, trong lành và thử thách năng lực bản thân khi vượt qua những chặng đường hiểm trở.
Cung đường đầy thử thách cho những ai muốn khám phá núi rừng thiên nhiên. |
“Tôi trải nghiệm hành trình này 3 ngày đêm, tôi cảm thấy rất thú vị, đầy thử thách, khám phá sự mới mẻ với cung đường rừng núi rất là đẹp, leo lên 3 đỉnh núi và xuống 3 cái dốc rất là cao và nguy hiểm. Đặc biệt là khi đi có mưa, chính vì vậy đây là chuyến đi thử thách”, chị Nguyễn Thị Nhuần, ngụ thành phố Phan Thiết vừa có chuyến trải nghiệm tại đây chia sẻ.
Quả thật, con đường rừng này tuyệt đẹp nhưng cũng đầy thử thách. Từ cửa rừng Tà Năng (xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), du khách mang theo thức ăn nước uống đủ 3 ngày 2 đêm, lội bộ và khám phá những cánh rừng nguyên sinh, vượt hơn 22km đường rừng xuôi về xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Ngành du lịch Bình Thuận vừa khảo sát và đóng 38 biển báo trên cung đường Tà Năng - Phan Dũng. |
Anh Lê Văn Tự, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong cho biết cung đường Tà Năng – Phan Dũng vốn dĩ được hình thành từ các lối mòn của người dân bản địa. Trong rừng sâu có rất nhiều ngóc ngách giống nhau, chỉ cần sơ suất, du khách sẽ đi lạc, khó tìm được lối về.
“Cung đường này dài và có nhiều đồi dốc nguy hiểm và có rất nhiều ngả rẽ có thể dẫn đến lạc đường và không có lối ra. Mà không biết thì rất nguy hiểm cho tính mạng”, anh Tự nói.
Biển báo chỉ dẫn du khách tới điểm lấy nước khi bị lạc trong rừng sâu. |
Chính từ mối nguy hiểm đó, cộng với sự chủ quan đã khiến một số du khách gặp nạn khi đến đây du lịch khám phá. Mới đây nhất, ngày 11/5, phượt thủ Thi An Kiện (TPHCM) đã đi lạc và sau đó tử vong trong rừng Phan Dũng. Năm ngoái, một nữ du khách cũng bị nước lũ cuốn trôi khi khi vượt suối trong rừng.
Trước thực trạng này, hai Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận và Lâm Đồng cùng các ngành và địa phương liên quan đã họp bàn, thống nhất công tác quản lý để giảm thiểu rủi ro cho du khách.
Theo đó, hai địa phương sẽ hình thành 2 Trạm thông tin hỗ trợ du khách tại điểm đầu Tà Năng và điểm cuối Phan Dũng, thiết lập đường dây nóng, xây dựng bản đồ hướng dẫn tuyến nhằm phối hợp trong công tác quản lý, thông tin hỗ trợ du khách chung giữa hai địa phương.
Cung đường Tà Năng - Phan Dũng nay đã có bảng chỉ dẫn dọc đường, du khách an tâm không lo lạc đường. |
Trong tháng 7 vừa qua, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Bình Thuận đã tổ chức chuyến khảo sát dọc tuyến và tiến hành cắm 38 biển báo nguy hiểm, hướng dẫn nơi cắm trại, nơi tìm nguồn nước uống và chỉ dẫn hướng đi về Phan Dũng…
“Đi thực tế thấy mức độ nguy hiểm rất lớn, nên việc cắm biển hết sức cần thiết. Và chúng tôi phải nhờ anh em địa phương, rồi anh em ở rừng Tà Năng - Phan Dũng dắt đi mới làm được, cắm được những cái biển này để cho du khách khỏi bị lạc đường, đỡ bớt nguy hiểm trên hành trình”, ông Võ Xuân Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Thuận nói.
Anh Nguyễn Đức Hoan, người dân xã Tà Năng (tỉnh Lâm Đồng), chuyên dẫn các phượt thủ vượt đường rừng cho biết không phải ai đến đây cũng thuê người địa phương dẫn đường.
Có nhiều đoàn du khách đi khám phá một cách tự phát theo bản đồ truyền tay nhau của giới du lịch bụi. Trên thực tế đã có nhiều người bị lạc đường, nhất là trong mùa mưa, cây cỏ mọc um tùm, che lấp các lối mòn nhỏ. Do vậy, theo anh Hoan, việc cắm các biển báo dọc đường rừng rất hữu ích.
“Sở Du lịch Bình Thuận cắm những cái biển như vậy rất là tốt cho những người nào muốn khám phá thử thách, muốn tự đi cùng bạn bè. Người ta sẽ dựa trên những cái mốc đó, người ta có thể đi đến nơi về đến chốn, đỡ rủi ro về tính mạng trên cung đường này rất là nhiều”, anh Hoan nêu quan điểm.
Còn rất nhiều việc phải làm để hoạt động du lịch trên cung đường Tà Năng – Phan Dũng trở nên chuyên nghiệp, bài bản và an toàn hơn. Sắp tớihai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận sẽ phối hợp mở các lớp tập huấn tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn du khách khi họ chẳng may gặp sự cố. Các đơn vị quản lý rừng cũng đang nghiên cứu, đề xuất việc thu phí nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực này.
Đặc biệt, ngành du lịch hai địa phương cùng với hai huyện Đức Trọng và Tuy Phong sẽ tiến tới xây dựng phương án quy hoạch tuyến du lịch Tà Năng – Phan Dũng, hình thành điểm du lịch mới đưa vào khai thác chính thức, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bản địa cùng tham gia phát triển tuyến du lịch này./.
Chinh phục cung đường rừng Tà Năng – Phan Dũng
Tìm thấy thi thể nghi là phượt thủ mất tích 7 ngày ở Tà Năng-Phan Dũng