Hàng trăm xe được đề nghị miễn, giảm phí khi qua trạm Bàn Thạch
VOV.VN - Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Phú Yên vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, giảm phí dịch vụ cho hơn 500 xe ô tô của tỉnh qua trạm thu phí Bàn Thạch.
Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Phú Yên và Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét miễn, giảm giá dịch vụ cho hơn 500 xe ôtô của tỉnh Phú Yên qua trạm thu phí Bàn Thạch tại xã An Dân, huyện Tuy An. Trạm thu phí này nằm cách hầm đường bộ Đèo Cả gần 60 km nhưng vẫn đang thu phí hoàn vốn BT (Xây dựng- Chuyển giao) cho dự án này. Đáng nói là nhiều phương tiện của tỉnh Phú Yên mặc dù không sử dụng hầm Đèo Cả nhưng vẫn phải trả tiền.
Nhiều phương tiện của tỉnh Phú Yên mặc dù không sử dụng hầm Đèo Cả nhưng vẫn phải trả tiền.(Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+) |
Trước đó năm 2012, do ngân sách khó khăn nên Thủ tướng quyết định giao hai trạm: Ninh An và Bàn Thạch cho công ty này để thu phí, số tiền thu được một phần góp vốn đối ứng hợp đồng BT dự án hầm Đèo Cả, gồm các hạng mục như: hầm Cổ Mã, đường dẫn, cầu... với tổng giá trị hơn 4 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, trạm Ninh An chuyển sang thu phí cho dự án BOT Quốc lộ 1A và không làm nhiệm vụ thu phí hoàn vốn Đèo Cả.
Đầu năm nay, Công ty Đèo Cả đã di dời trạm thu phí này từ xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa về xã An Dân, huyện Tuy An, với lý do nhằm đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các trạm theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Cụ thể, trạm thu phí Bàn Thạch cách trạm thu phí hầm đèo Cả là 55,8km, cách trạm thu phí của dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 BOT Bình Định là 85,7km.
Bất cập từ các trạm BOT: Dân “cuống cuồng” né đường BOT
Thời gian qua, người dân địa phương và doanh nghiệp vận tải bức xúc cho rằng, việc di dời trạm thu phí Bàn Thạch về địa phận xã An Dân, huyện Tuy An, cách xa hầm đường bộ đèo Cả là chưa hợp lý, hằng ngày các phương tiện ở phía Bắc tỉnh Phú Yên đi vào thành phố Tuy Hòa, dù không đi qua hầm đường bộ đèo Cả nhưng vẫn phải đóng phí như những phương tiện khác.
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết: "Do dự án này có tổng mức đầu tư quá lớn, ví dụ trên Quốc lộ 1 khoảng 60 km-70 km thì người ta mới đặt trạm thu phí, tương ứng khoảng 3.000 tỷ. Nhưng ở đây 1 dự án chỉ kéo dài khoảng 13 km mà giá trị lên đến 11 ngàn tỷ. Cho nên có sự hỗ trợ của Nhà nước làm BT, còn phần BOT do nhà đầu tư bỏ vốn ra. Trạm An Dân là thu phí cho phần liên quan đến góp vốn cho Nhà nước tại dự án này".
Sau khi người dân liên tiếp kiến nghị, cũng như các đại biểu chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên, vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, cho ý kiến chỉ đạo giải quyết những đề nghị của tỉnh trên nguyên tác đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên đã có văn bản đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả xây dựng phương án tài chính cụ thể để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét mức hỗ trợ phù hợp cho việc miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho 529 xe các loại trên địa bàn, chủ yếu là xe thuộc các địa phương xung quanh trạm thu phí. Trong khi đó, hầm đường bộ Đèo Cả, trên Quốc lộ 1 nối Khánh Hòa với Phú Yên, chiều dài hơn 4km, gồm 2 ống ngầm song song cũng đã thu phí các phương tiện qua hầm từ đầu tháng 9.
Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên cho biết: "Trực tiếp chủ yếu là dân của 2 địa phương 2 đầu trạm như phường Xuân Đài và xã An Dân, người dân qua lại hàng ngày. Thứ 2 nữa là một số phương tiện của thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An cũng như của tỉnh đi qua đi lại phục vụ công tác điều hành thì đề nghị xem xét có chính sách miễn giảm cho các phương tiện đó.đang kiến nghị và thuộc thẩm quyền của Bộ. Nhưng mà phải tính toán lại phương án, xem xét cụ thể chính sách cụ thể đối với xe bị ảnh hưởng"./. “Cuộc chiến tiền lẻ” khiến trạm thu phí Quốc lộ 5 hai lần “thất thủ”