Luật hóa “nghề giúp việc”
VOV.VN - Nghề giúp việc đang phát triển nhanh, tuy nhiên quy định của pháp luật đối với nghề này còn rất lỏng lẻo.
Tới đây, lao động giúp việc gia đình sẽ có tên trong danh mục nghề quốc gia. Khi đó, giúp việc gia đình sẽ chính thức trở thành một nghề, người lao động sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo pháp luật như được đào tạo nghề, cấp chứng chỉ hành nghề… và sẽ tránh được những kỳ thị, phân biệt từ xã hội.
Thiếu chuyên nghiệp
Thị trường lao động giúp việc gia đình có xu hướng gia tăng khi xã hội phát triển. Rất nhiều phụ nữ có vị trí việc làm cao trong xã hội, họ phải dành nhiều thời gian cho công việc, chuyên môn nên cần có người hỗ trợ công việc gia đình, chăm sóc con nhỏ, cha mẹ già hay những thành viên khác trong gia đình bị ốm.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Sự phát triển của nghề giúp việc ngày càng lớn nhưng các quy định của pháp luật đối với nghề này còn lỏng lẻo. Bộ luật Lao động năm 2012 tuy đã có một mục gồm 5 điều quy định về lao động giúp việc gia đình, nhưng những quy định đó mới chỉ mang tính chất khung, chưa có hướng dẫn cụ thể, khiến cho việc thực hiện trách nhiệm, quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động chưa được đảm bảo.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia về giới và lao động cho biết, quan hệ lao động giữa người giúp việc gia đình và người sử dụng giúp việc gia đình thời gian qua chủ yếu là thỏa thuận miệng. “Lời nói gió bay”, hậu quả, là nhiều người giúp việc gia đình bị lạm dụng, bị xâm hại, còn người sử dụng giúp việc gia đình cũng bị ảnh hưởng tới quyền lợi khi người lao động tự ý phá bỏ hợp đồng.
Chị Hương Giang (Khu chung cư Trung Hòa-Nhân Chính, Hà Nội) cho rằng, để tìm được một người giúp việc có tay nghề và đủ sự tin cậy để giao phó con cái, nhà cửa không dễ dàng chút nào. “Người thì có tính ăn cắp vặt; người lớn tuổi chỉ làm theo ý họ chứ không làm theo yêu cầu của nhà chủ”, chị Giang bức xúc.
Chị Giang thừa nhận, thỏa thuận lao động giúp việc giữa hai bên hoàn toàn mang tính cá nhân, giữa gia chủ và người giúp việc, không có cơ quan pháp luật nào liên quan. Khi gia chủ phát hiện giúp việc ăn cắp chỉ có thể theo bản copy CMTND của họ để lần tìm. Chị cho rằng đã đến lúc không thể bỏ ngỏ vấn đề quản lý nghề giúp việc gia đình như hiện nay.
Còn chị Hương, một công chức nhà ở Khu tập thể Thành Công Hà Nội, không nhớ nổi đã thuê bao nhiêu người giúp việc. Chị Hương chia sẻ: “Dù đã tự dặn mình phải biết chấp nhận nhưng họ vẫn không chấp nhận mình. Những người mới từ nông thôn lên họ vụng quá, mình không đủ sức để đào tạo họ; những người đã có chút kinh nghiệm thì hay “kén cá chọn canh”, muốn làm việc nhàn nhã, đòi hỏi nhà càng ít tầng càng tốt, không có người già, không có trẻ con”.
Người giúp việc gia đình cũng có những lý lẽ riêng khi giải thích những khúc mắc trong mối quan hệ với gia chủ. “Có người đón em về giúp việc gia đình nhưng người ta không nói thật, chỉ nói về lau nhà, nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo… nhưng khi về nhà lại có ông già liệt. Em đề nghị phải tăng lương em mới làm nhưng nhà chủ không chịu” – một người giúp việc chia sẻ.
Cần có những ràng buộc pháp lý
Lao động giúp việc gia đình đa phần là lao động nông nhàn, chưa được đào tạo, thiếu những kỹ năng cơ bản khi làm những công việc mà họ đảm nhận. Còn người đi thuê lao động vì quá cần người làm mà không tìm hiểu kỹ xem người giúp việc có đủ năng lực và kỹ năng để đáp ứng công việc hay không. Sự lỏng lẻo trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong loại hình nghề nghiệp đặc thù này là nguyên nhân khiến cho thị trường lao động giúp việc thiếu tính chuyên nghiệp.
Tới đây, khi đưa lao động giúp việc vào danh mục nghề quốc gia, lao động giúp việc được xếp ngang tầm với những nhóm lao động khác, cũng sẽ phải có khung pháp lý để bảo vệ và điều tiết mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Khi đó, những người tạo dựng mối quan hệ này, có liên quan trong mối quan hệ này, người lao động và sử dụng lao động không thể tự mình lùi ra khỏi khung bảo vệ đó.
Bà Hồng cho rằng, để được bảo vệ, họ phải thực hiện nghĩa vụ ký hợp đồng lao động. Việc ký hợp đồng lao động sẽ giúp cho các bên hiểu được nhau rõ ràng hơn, các bên đặt ra các quy định, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên phải đạt được là gì. Thực tế hiện nay cả người lao động và sử dụng lao động chưa nhận thức được vấn đề này. Chính vì thế mà cả hai bên đều không muốn ký hợp đồng lao động bằng văn bản.
Bà Hồng đề nghị, từ khi có khung pháp lý cần có nhiều bước khác nữa để làm sao các bên đều hiểu rõ họ cần phải làm như thế nào, họ cần phải được cung cấp thông tin, được đào tạo, họ cần hiểu rõ được quyền lợi và trách nhiệm như thế nào, ai sẽ nói với họ những điều đó.
Cũng theo bà Hồng, trong lộ trình chuyên nghiệp hóa người sử dụng lao động và người lao động giúp việc gia đình, việc luật hóa những quy định về giúp việc gia đình là rất cần thiết. Quá trình luật hóa cần quan tâm tới những đặc thù của loại hình lao động này và phải có những hướng dẫn chi tiết, ví như về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của giúp việc gia đình.
Khác với nhóm lao động khác, đặc thù của giúp việc gia đình không thể làm 8 tiếng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ có thể dừng lại giống như các loại hình lao động khác; phần lớn lao động giúp việc ở tại nơi làm việc. Việc nghỉ hàng tuần hay nghỉ trong ngày như thế nào cũng không thể giống những nhóm lao động khác./.