Mưa lũ ở Yên Bái: Nhiều người chết, mất tích và bị thương

VOV.VN - Tính đến 21h30 ngày 20/7/2018, toàn tỉnh Yên Bái đã có 26 người chết, mất tích và bị thương, trong đó có 8 người chết

Do ảnh hưởng các đợt áp thấp và đặc biệt ảnh hưởng của bão số 3, những ngày qua tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to, gây ngập úng tại nhiều địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình, Yên Bái; riêng tại các tỉnh Thanh Hóa, Yên Bái đã xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng.

Mưa lũ ở Yên Bái đã khiến 8 người thiệt mạng, nhiều người bị thương

Tính đến 21h30 ngày 20/7/2018, toàn tỉnh Yên Bái đã có 26 người chết, mất tích và bị thương. Trong đó có 8 người chết, 9 nguời mất tích và 9 người bị thương.

Về tài sản, toàn tỉnh Yên Bái có hơn 3.000 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó gần 80 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, gần 100 nhà bị hư hỏng từ 50 đến 70%; gần 2.900 nhà bị ngập nước, sạt lở taluy, tốc mái hư hỏng nhẹ.

Về lúa và hoa màu, đã có hơn 1.100 ha bị hư hỏng, vùi lấp. Bên cạnh đó là thiệt hại về công trình xây dựng, thuỷ lợi, điện lưới, ách tắc hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra đến  nay ở Yên Bái trên 170 tỷ đồng.

Mưa lũ gây thiệt hại nặng ở Yên Bái. Ảnh: Tiến Hiệp.

Tỉnh Yên Bái cũng huy động trên 2.000 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, dân quân tự vệ tham gia; các huyện, thị xã, thành phố cũng huy động lực lượng tại chỗ trên 15.000 người; Bộ Tư lệnh Quân khu 2 cử trên 200 chiến sỹ để cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Về công tác hỗ trợ khẩn cấp cho các gia định bị thiệt hại: Bước đầu, tỉnh Yên Bái đã quyết định hỗ trợ 10 triệu đồng/người đối với hộ gia đình có người chết, mất tích; hỗ trợ 2,5 triệu đồng đối với người bị thương; hỗ trợ 25 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; hỗ trợ 10 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị hư hỏng nặng; hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn 15 kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian 2 tháng để người dân ổn định cuộc sống và sản xuất; bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại để ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó là rà soát, tìm những địa điểm đất nền để dự kiến làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn, giúp các hộ sớm ổn định sản xuất và đời sống.

Cấm nhiều vị trí trên tuyến đường sắt Yên Lào qua Yên Bái do mưa lũ

Tại vị trí cầu Nga Quán, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, nước ngập trên mặt ray hơn 70 cm; tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái có nhiều điểm, nước đã vượt mặt đường ray; nhiều vị trí dọc theo tuyến đường sắt này cũng bị sạt lở taluy âm, dương và bị ngập sâu trong nước.

Để đảm bảo an toàn trên tuyến đường sắt Yên Bái - Lào Cai, ngày 20/7, Công ty cổ phần Đường sắt Yên Lào đã chính thức cấm đường tại Km 171 lúc 11h20’, Km 157 + 372 lúc 11h58’, Km 155 + 015 lúc 12h30’ và Km 180 + 250 lúc 14h40’.

Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay phương án ứng phó thiên tai

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 931/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và chủ động ứng phó mưa lũ.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, nhất là các tỉnh đang bị nhiều thiệt hại tập trung khắc phục hậu quả bão, lũ, triển khai ngay phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn.

Để tập trung khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ, chủ động ứng phó với mưa lũ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và tập trung một số nhiệm vụ sau:

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, nhất là các tỉnh đang bị nhiều thiệt hại trong đợt mưa lũ này như Thanh Hóa và Yên Bái tập trung khắc phục hậu quả, đồng thời triển khai ứng phó mưa lũ:

Triển khai ngay phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn; phân công các đồng chí lãnh đạo Uỷ ban nhân dân, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh trực tiếp xuống địa bàn trọng điểm chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ.

Huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm những người còn mất tích.

Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người chết, mất tích, bị thương, gia đình chính sách.

Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói.

Rà soát các khu vực dân cư nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, chủ động sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngầm tràn, khu vực ngập sâu để đảm bảo an toàn, không để người dân vớt củi khi mưa lũ, tránh xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.

Huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường ngay sau bão, lũ. Khôi phục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là các trạm y tế, bệnh viện, trường học, công trình giao thông, thủy lợi, điện để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người dân.

2. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ và các hình thế thời tiết nguy hiểm để chỉ đạo các biện pháp cụ thể, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại, trước hết tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

3. Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các Quân khu, các lực lượng đóng chân trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi, đê điều, bảo vệ và khôi phục sản xuất nông nghiệp, sớm ổn định sản xuất, đời sống nhân dân sau khi lũ rút.

5. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chủ các hồ thuỷ điện chủ động vận hành an toàn các hồ đập thuỷ điện, đảm bảo đúng quy trình; khôi phục hệ thống điện sau bão, lũ, đảm bảo cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt, nhất là điện phục vụ các trạm bơm tiêu úng; chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam và các cơ quan liên quan kiểm tra, chủ động triển khai phương án bảo đảm an toàn hầm lò, các khu vực bãi thải của ngành than.

6. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất và an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, hỗ trợ địa phương kịp thời khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính.

7. Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở bảo đảm cơ số thuốc dự phòng, tổ chức khám chữa bệnh và tập trung cứu chữa miễn phí đối với những người bị thương; hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, khôi phục cơ sở khám chữa bệnh.

8. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và các hình thế thời tiết nguy hiểm, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời để nhân dân biết chủ động phòng, tránh.

9. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng; đưa tin kịp thời về công tác chỉ đạo, ứng phó; thường xuyên cập nhật, thông báo diễn biến mưa lũ để các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

10. Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay các phương án đối phó với mưa lũ; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.

Trong những ngày tới, mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt trên diện rộng, nhất là tại thành phố Yên Bái. Đồng thời trên biển Đông đang có nguy cơ xuất hiện các hình thế thời tiết nguy hiểm (áp thấp nhiệt đới, bão)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hủy nhiều chuyến bay đến Nghệ An và Thanh Hóa do bão số 3
Hủy nhiều chuyến bay đến Nghệ An và Thanh Hóa do bão số 3

VOV.VN -Hàng chục chuyến bay của các hãng hàng không Vietjet, Jetstar Pacific đã bị hoãn, hủy chuyến đến Vinh (Nghệ An), và Thanh Hóa do ảnh hưởng của bão số 3.

Hủy nhiều chuyến bay đến Nghệ An và Thanh Hóa do bão số 3

Hủy nhiều chuyến bay đến Nghệ An và Thanh Hóa do bão số 3

VOV.VN -Hàng chục chuyến bay của các hãng hàng không Vietjet, Jetstar Pacific đã bị hoãn, hủy chuyến đến Vinh (Nghệ An), và Thanh Hóa do ảnh hưởng của bão số 3.

Giao thông ở Nghệ An bị chia cắt trước khi cơn bão số 3 đổ bộ
Giao thông ở Nghệ An bị chia cắt trước khi cơn bão số 3 đổ bộ

VOV.VN -Do mưa lớn những ngày qua đã làm sạt lở đất đá trên một số tuyến giao thông quan trọng ở miền núi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh bị ngập, sạt lở...

Giao thông ở Nghệ An bị chia cắt trước khi cơn bão số 3 đổ bộ

Giao thông ở Nghệ An bị chia cắt trước khi cơn bão số 3 đổ bộ

VOV.VN -Do mưa lớn những ngày qua đã làm sạt lở đất đá trên một số tuyến giao thông quan trọng ở miền núi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh bị ngập, sạt lở...

Ảnh hưởng bão số 3 (Sơn Tinh): Bắc Trung bộ mưa vừa đến mưa to
Ảnh hưởng bão số 3 (Sơn Tinh): Bắc Trung bộ mưa vừa đến mưa to

VOV.VN - Do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều và tối nay ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa vừa đến mưa to (30-70mm), ở Thái Bình đã có gió giật cấp 6.

Ảnh hưởng bão số 3 (Sơn Tinh): Bắc Trung bộ mưa vừa đến mưa to

Ảnh hưởng bão số 3 (Sơn Tinh): Bắc Trung bộ mưa vừa đến mưa to

VOV.VN - Do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều và tối nay ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa vừa đến mưa to (30-70mm), ở Thái Bình đã có gió giật cấp 6.