Nhiều giải pháp quyết liệt phòng chống cháy rừng ở An Giang
VOV.VN - Hiện nay, đang là cao điểm của mùa khô, nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp, làm nhiều cánh rừng trên địa bàn tỉnh An Giang có nguy cơ cháy rất cao. Những, ngày qua, trên địa bàn cũng đã xảy ra một số đám cháy, nếu không có sự vào cuộc kịp thời của các lực lượng chức năng thì thiệt hại là rất lớn.
Hiện nay, ngành chức năng và các địa phương của tỉnh đang phải nỗ lực với nhiều giải pháp quyết không để vụ cháy rừng nào xảy ra.
Tại những cánh rừng thuộc khu vực núi Phú Cường, ấp Phú Cường xã An Nông, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, nhiều tán rừng đã bị khô héo, lá đã khô chuyển sang màu vàng; cỏ dưới tán rừng cũng đã chết khô làm cho lớp thực bì càng dày thêm, chỉ một đốm lửa nhỏ là sẽ bốc cháy và cháy lan rất nhanh.
Tuy nhiên, được sự tuyên truyền của lực lượng chức năng, cùng với ý thức cao của người dân trong công tác phòng chống cháy rừng, đến thời điểm này, tại khu vực này vẫn chưa xảy ra đám cháy nào.
Ông Đỗ Văn Tài, ấp Phú Cường, xã An Nông, thị xã Tịnh Biên, đã hơn 10 năm tham gia lực lượng phòng chống cháy rừng tại chỗ của địa phương chia sẻ: “Năm nay, nắng hạn cũng kéo dài, nó ngừng mưa sớm, thời tiết gay gắt; cho nên rừng ở trên núi này, thực bì, bổi nó rất là khô.
Để phòng chống cháy, tôi cũng cùng anh em bên Ban quản lý rừng, Kiểm lâm, hoặc địa bàn của xã An Nông như: xã đội, công an… thường xuyên đi tuần tra để nhắc nhở bà con phòng chống cháy, thường xuyên để ý quan tâm đừng để cho lửa bốc cháy, thứ hai là không cho người bắt ong lên núi vào mùa này, ngóng ngó để xem tình hình có cháy thì bà con trong xóm cho hay, để dập liền tại chỗ; vì sự cố nhỏ rất dễ dập tắt”.
Theo Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang, đơn vị được giao quản lý rừng và đất rừng phòng hộ và đặc dụng trên địa bàn tỉnh An Giang phân bố chủ yếu trên địa bàn của các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, thị xã Tịnh Biên, thành phố Châu Đốc, với diện tích gần 13.300 ha. Trong đó, rừng và đất rừng đặc dụng là hơn 1.800 ha (đất có rừng gần 1.270 ha); rừng và đất rừng phòng hộ là hơn 11.000 ha (đất có rừng là hơn 9.300 ha).
Để làm tốt công tác phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2024, Ban quản lý rừng đã xây dựng và triển khai thực hiện 5 Phương án bảo vệ rừng- phòng chống cháy rừng. Các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án để tăng cường và ứng trực công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cũng như bố trí dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024.
Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân; đồng thời, vận động người dân và thuê mướn nhân công đổ nước bổ sung vào các bồn dự trữ nước do hộ nhận khoán quản lý và phát dọn cỏ vệ sinh làm giảm vật liệu cháy trong rừng; xây dựng đường băng cản lửa và đường tuần tra phục vụ PCCCR.
Bố trí dụng cụ, phương tiện và hợp đồng PCCCR tại gần 200 điểm gồm: 28 máy chữa cháy đồng bằng và đồi núi; 65 máy chữa cháy đeo vai; 14 máy thổi gió cầm tay và đeo vai; 1 xe chữa cháy tự chế; 1 xe bán tải; hơn 2.600 can nhựa 10 lít và một số dụng cụ thủ công khác… Đồng thời, xây dựng 3 cầu tạm phục vụ cho công tác tuần tra chống chặt phá và PCCCR tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến.
Ông Lương Văn Tươi, Phó trưởng trạm Trạm liên huyện Tịnh Biên-Châu Đốc, Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang cho biết, hiện đơn vị đang quản lý khoảng hơn 22ha rừng. Hiện nay đang là cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy là rất cao, với quyết tâm không để xảy ra vụ cháy rừng nào trên địa bàn, đơn vị đã phân công nhiệm vụ từng bộ phận phụ trách từng vị trí, địa bàn cụ thể đối với từng viên chức, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và hợp đồng bảo vệ rừng; xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra, trực gác hàng ngày các khu vực được phân công, nhất là khu vực trọng yếu.
Theo ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng, mặc dù ngành chức, các địa phương và người đã làm tốt công tác phòng chống cháy rừng; tuy nhiên do thiếu ý thức của một số người dân nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy. Mặc vụ cháy nhỏ, nhưng với sự chủ động, nỗ lực ứng phó của lực lượng chức năng, nên kịp thời dập tắt các đám cháy, không để cháy lan làm ảnh hưởng đến diện tích rừng của địa phương.
Hiện nay, do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến thất thường; địa hình đồi dốc, đi lại khó khăn, nguồn nước thiếu nghiêm trọng, lớp thực bì dưới tán rừng khô kiệt, mọi hành vi sử dụng lửa bất cẩn đều có thể gây ra cháy rừng. Các nguy cơ tiềm ẩn chủ yếu gây ra cháy rừng khu vực này cụ thể như: Phát dọn cỏ, cây bụi, đốt để làm nương rẫy gây cháy lan; Đốt xử lý rơm, rạ đối với các diện tích ruộng tiếp giáp với rừng vào mùa khô gây cháy lan vào rừng.
Đặc biệt, với đặc thù của địa phương là có nhiều chùa chiền, các khu, điểm du lịch nằm xen lẫn trong các khu rừng, việc bất cẩn sử dụng lửa, đốt nhang, đốt giấy vàng bạc… luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.
“Đến thời điểm này là cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Để tăng cường công tác phòng cháy rừng, Ban quản lý rừng phối hợp với Kiểm lâm, các địa phương; đặc biệt là trong Ban quản lý rừng là phải ứng trực 24/24, với 100% quân số để phòng chống cháy rừng và nếu có sự cố thì kịp thời tham gia chữa cháy. Tiếp tục công tác tuần tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các đối tượng vào rừng bắt ong; Đồng thời tuyên truyền cho bà con sống trong rừng và ven rừng cảnh giác với lửa củi, chứ nếu không hở là nó cháy và cháy lớn”, ông Nhân nói.
Với tình hình thời tiết hanh khô, nắng nóng như hiện nay, để không xảy cháy rừng. Ngoài những kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng… đòi hỏi ý thức cao từ mỗi người dân.