Ông giám đốc nhận lương 0 đồng

VOV.VN -Tiếng là giám đốc, nhưng lương của ông Tự lại thấp nhất công ty với 0 đồng.

Vừa trở về sau chuyến đi từ thiện tại Bắc Kạn, cựu chiến binh Ngô Xuân Tự nhấp vội chén trà rồi lại chạy thẳng sang xưởng in để thăm hỏi các nhân viên tại đây. Nếu ai đến lần đầu, có thể nhầm lẫn đây là công ty gia đình, khi cả giám đốc và nhân viên đều xưng hô là “bố - con” thân mật.

Thành lập từ năm 2014, đến nay, xưởng của ông Ngô Xuân Tự đã trở thành ngôi nhà của hàng trăm người có hoàn cảnh bất hạnh, những người đã từng có bước đường lầm lỡ, vượt qua sóng gió cuộc đời để tìm cuộc sống mới hạnh phúc hơn.

Tiếng là giám đốc, nhưng lương của ông Tự lại thấp nhất công ty với 0 đồng. Ý tưởng về mở xưởng in xuất phát sau khi ông nhận được sự giúp đỡ của nhiều người và nhận thấy xung quanh mình còn nhiều mảnh đời cơ nhỡ không có việc làm, bị kỳ thị…

Cựu chiến binh Ngô Xuân Tự. 

Những thanh niên đến với lớp học nhân đạo của ông Tự được học nghề, nuôi ăn ở miễn phí, đến khi có tay nghề vững, tiếp tục ở lại làm việc đến khi nào muốn ở về với gia đình.  

Không còn ở lớp dạy nghề, nhưng anh Trần Minh (Quảng Ninh), hiện đang làm lái xe vẫn không khỏi xúc động khi kể về quãng thời gian được ở cùng cựu chiến binh Ngô Xuân Tự.

Bố mẹ ly hôn, thi trượt đại học, cách đây 3 năm, chàng thanh niên tuổi ngoài 20 đã từng định kết liễu đời mình sau khi mắc vào loại “thuốc trắng”. “Biết mình không thể cai, nên tôi từng nghĩ mình sẽ tự tử để giải thoát, bản thân cũng không muốn nghiện, nhưng khi đã lỡ vướng vào rồi, thì không thể dứt ra được”. Đến giờ, anh Minh vẫn coi việc gặp được ông Tự là một cái duyên, đúng giây phút anh định tự kết thúc cuộc đời mình, ông Tự lại xuất hiện, đưa anh về nhà.

Ông Tự kể: “Thấy cái dáng vẻ nó gầy gò, thanh niên chỉ chừng hơn 30 cân, đứng bên cầu, tôi mới hỏi, thì cháu nó khóc kể lại sự tình. Tôi bảo, thôi về với bác, về bác sẽ giúp con cai rồi làm lại cuộc đời”.

Thế rồi, những tâm sự chân tình như một người cha khiến người thanh niên ấy gục vào vai ông mà khóc nức nở. Như một câu chuyện cổ tích, từ ấy, người thanh niên đã từng lạc bước và ông già gần 70 tuổi trở về cùng sống dưới một mái nhà như cha con.

Đến nay, sau khi học được nghề, anh Minh đã trở về với gia đình, có công việc ổn định. Ông Tự kể: “Thi thoảng gia đình cháu vẫn gọi điện lên hỏi thăm tôi, kể chuyện con đi làm công việc ổn định, ngoan ngoãn thế là tôi mừng rồi”.

Không phải một, mà đã có hàng trăm trường hợp như thế được ông Tự giúp đỡ để làm lại cuộc đời.

Khi hỏi ông về “bí quyết vàng”, người lính năm xưa chỉ cười bảo: “Khi mình coi các cháu nó như con cháu mà bảo ban cảm hóa thì sẽ được. Có cương, có nhu, nhưng quan trọng là để các cháu quên đi quá khứ, xóa tan mặc cảm để làm lại từ đầu. Có những khi, thấy cháu nào buồn, lại gọi riêng vào tâm sự, hỏi han sự tình để biết các cháu đang nghĩ gì. Nó rối ở đâu thì mình gỡ ở đó. Rồi phải biết cả giờ lên cơn của các cháu để cho uống thuốc, bắt lao động cả ngày, cho quên hết đi. Dần dần rồi cũng qua”.

Trong căn nhà trần nhỏ của ông Ngô Xuân Tự, ngay sát bàn uống nước, là 2 chiếc giường đơn được kê sát nhau. Ông chỉ vào chiếc giường phía trong giáp tường, ông bảo đó là giường của mình, còn chiếc ngay kế bên, sát với cửa ra vào là giường dành cho những đứa con, những người được ông cưu mang.

Đã không ít người hỏi rằng ông có sợ khi dẫn cả những người bị cả xã hội xa lánh như mắc HIV, nghiện ngập về nhà. Nhưng với những con người ấy, ông chỉ thấy thương chứ không thấy sợ.

Nhớ lại những ngày đầu khi mới mở xưởng, đầu tư máy móc một lúc hết hàng trăm triệu, tiền lương hưu của một cựu chiến binh già chẳng thấm tháp vào đâu, ông Ngô Xuân Tự đã không ít lần ôm sổ đỏ đi cắm để lấy tiền đầu tư, mở xưởng, làm từ thiện. “Có khi sổ nhà mình cắm mất rồi, đi hỏi vay đồng đội, họ lại đưa luôn cho cái sổ đỏ, bảo bác cứ cắm đi, bao giờ xong việc thì trả lại”. Ông Tự tâm sự, chính sự ủng hộ của gia đình, đồng đội là động lực để ông tiếp tục công việc mà nhiều người bảo “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ấy.

Nhấp chén trà, ông tặc lưỡi tiếp: “Nói theo nhà Phật thì là kiếp trước có nợ, nên kiếp này phải trả. Nhưng tôi nghĩ, chưa biết nợ kiếp nào, nhưng kiếp này cứ làm đã”.

Dành nửa đời làm từ thiện

Sau những năm tháng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, xuất ngũ trở về năm 1995, không chỉ mở lớp dạy nghề nhân đạo mà ông còn miệt mài với công việc làm từ thiện.

Hơn 20 năm qua, hễ nghe thấy ở đâu có người gặp hoàn cảnh khó khăn, bất chấp khoảng cách địa lý, người lính già lại xách ba lô đến giúp đỡ.

Toàn bộ kinh phí được ông chắt bóp từ chính khoản lương hưu ít hỏi của mình hàng tháng, có khi phải đi vay nặng lãi, cắm xe máy để làm từ thiện. Biết đến việc làm của ông, nhiều người cũng thường gửi ông quà, nhưng nguyên tắc của ông nhiều năm nay là chỉ nhận hiện vật, chứ tuyệt đối không nhận tiền rồi lại tự thuê xe, một mình mang đồ đạc đến tận địa phương trao cho người dân. Với những người được nhận quà, ông không quên cho lại số điện thoại của người quyên góp để gửi lời cảm ơn.

Đến nay, ông Tự cũng không nhớ nổi mình đã đi đến những đâu để làm từ thiện, chuyến đi gần đây nhất của ông là lên Yên Bái để trao quà cho những học sinh nghèo. Bên cành đào xuân đã nhạt, ông Tự cười tươi, hồ hởi khoe những bức ảnh, đoạn phim khi làm từ thiện được đoàn thanh niên quay lại gửi tặng tận nhà.

Ở cái tuổi, nhiều người muốn an nhàn, sống bên con cháu, người cựu chiến binh 72 tuổi vẫn miệt mài với công việc từ thiện. Bản thân ông lại cảm thấy, mình không mất mát, mà nhận được nhiều hơn. Đó không phải là của cải vật chất, mà là tình cảm thân thiết, gắn bó như gia đình của những người ông từng giúp đỡ.

Gặp ông Tự vào những ngày này, khi trời lúc nóng lúc lạnh, đôi tay còn nguyên những vết sẹo của ông thi thoảng lại đưa lên bóp trán. Ông chỉ vào vết lõm nhỏ ngay giữa trán bảo: “Nó vẫn ở đây suốt 20 năm”. Những mảnh đạn cuối cùng, như minh chứng cho sự đau thương và hy sinh của những người lính trong chiến tranh hiện vẫn nằm sâu trong lưng, trên trán người lính ấy. Cũng bởi vậy, mà khi trái nắng, trở trời, vết thương cũ lại hành hạ ông đau đến tê tái, có khi phải cắn cả đũa cả, then cửa.

Thế nhưng, khi qua những cơn đau, hiếm ai lại nghĩ người cựu chiến binh ấy đã ngoài 70 tuổi, giọng ông vẫn hào sảng, vang vọng, đôi chân vững chắc để bước tiếp trên những chuyến từ thiện ý nghĩa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nụ cười của những cựu chiến binh Xuân Mậu Thân 1968
Nụ cười của những cựu chiến binh Xuân Mậu Thân 1968

VOV.VN - Gặp lại đồng đội ở đây mừng rơi nước mắt. Trong ký ức cũng hiện về khuôn mặt, nụ cười, tiếng nói của biết bao đồng đội đã ngã xuống.

Nụ cười của những cựu chiến binh Xuân Mậu Thân 1968

Nụ cười của những cựu chiến binh Xuân Mậu Thân 1968

VOV.VN - Gặp lại đồng đội ở đây mừng rơi nước mắt. Trong ký ức cũng hiện về khuôn mặt, nụ cười, tiếng nói của biết bao đồng đội đã ngã xuống.

Nhiều cựu chiến binh trở thành những doanh nhân tiêu biểu
Nhiều cựu chiến binh trở thành những doanh nhân tiêu biểu

VOV.VN - Nhiều cựu chiến binh trở thành doanh nhân tiêu biểu, làm giàu cho gia đình, Tổ quốc, đóng góp vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.

Nhiều cựu chiến binh trở thành những doanh nhân tiêu biểu

Nhiều cựu chiến binh trở thành những doanh nhân tiêu biểu

VOV.VN - Nhiều cựu chiến binh trở thành doanh nhân tiêu biểu, làm giàu cho gia đình, Tổ quốc, đóng góp vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.

Ký ức của người cựu chiến binh về những chiến dịch trên nước bạn Lào
Ký ức của người cựu chiến binh về những chiến dịch trên nước bạn Lào

VOV.VN - Những trận đánh khốc liệt năm xưa của Thiếu tướng Cầm Xuân Ế cùng đồng đội luôn ghi đậm dấu ấn trong lòng quân và nhân dân các bộ tộc Lào anh em.

Ký ức của người cựu chiến binh về những chiến dịch trên nước bạn Lào

Ký ức của người cựu chiến binh về những chiến dịch trên nước bạn Lào

VOV.VN - Những trận đánh khốc liệt năm xưa của Thiếu tướng Cầm Xuân Ế cùng đồng đội luôn ghi đậm dấu ấn trong lòng quân và nhân dân các bộ tộc Lào anh em.