Quà quý của thầy cô giáo vùng sâu Đăk Roong
VOV.VN - Sự chăm chỉ, tiến bộ của các em học sinh và sự hài lòng của các bậc phụ huynh là món quà vô giá với thầy cô giáo trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Roong.
Tại xã đặc biệt khó khăn Đăk Roong, huyện nghèo Kbang, tỉnh Gia Lai, để trẻ em có điều kiện đến trường và tiếp cận cái chữ là rất khó khăn. Thế nhưng, bằng tấm lòng yêu trẻ, bằng sự nhiệt huyết, quyết tâm cùng những cách làm hay, thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Roong đã khắc phục được những khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Học sinh ngày càng tiến bộ, còn các bậc phụ huynh rất hài lòng khi gửi con em đến trường. Đây là món quà quý nhất đối với các thầy cô ở ngôi trường thuộc xã vùng sâu này.
Nhà cậu học sinh lớp 4 Đinh Khang, dân tộc Ba Na, cách Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Roong tới 10km, toàn là đường rừng, vượt đồi vượt suối. Nếu cứ phải hàng ngày vượt đường xa đến trường, có lẽ em đã bỏ học từ lâu. May mắn là trường tổ chức học bán trú nên Đinh Khang và các bạn cùng hoàn cảnh, cứ mỗi nửa tháng, thậm chí một hai tháng mới phải về nhà một lần.
Các thầy giáo tham gia sửa chữa khu nhà ăn ở cho học sinh ở Đăk Roong. (Ảnh: Công Bắc) |
Ở lại trường, em được thầy cô chăm sóc và dạy dỗ chu đáo nên thành tích học tập ngày càng tiến bộ. Đinh Khang nói: “Nhà con ở cách đây khoảng 10km. Con học ở trường đây được 4 năm, thầy cô chăm sóc con rất tốt. Con học được giấy khen học sinh giỏi”
Hầu hết trong số hơn 300 học sinh dân tộc Ba Na của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Roong đều ở lại trường từ thứ hai đến thứ sáu. Những tháng mưa bão, học sinh ở lại 2 tuần, thậm chí cả tháng mới về nhà một lần. Với các em, thầy cô giáo như là cha mẹ thứ hai. Các bậc phụ huynh cũng rất yên tâm gửi con em ở trường.
Bà Đinh Thị Hoan, có con theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Roong, nói: “Cha mẹ chủ yếu làm nông, gửi con vào đây thì rất tin tưởng. Nhờ sự giúp đỡ, quan tâm của thầy cô nên chúng tôi gửi ở lại đi học. Các cháu ăn ở tại chỗ, do sự quản lý của thầy cô.”
Điều kiện của những thầy cô ở ngôi trường bán trú tiểu học Đăk Roong còn khó khăn, nhưng vẫn hết lòng chăm lo học sinh. Mỗi khi chuẩn bị bước vào mùa đông hàng năm, các thầy cô tự tổ chức quyên góp, vận động kinh phí để mua quần áo ấm cho học trò. Tiền vận động được không nhiều, các thầy lặn lội chạy mấy chục cây số đường rừng, ra tận trung tâm huyện để mua quần áo ở tiệm bán hàng xổ, về giặt sạch cho các em mặc.
Đoàn hảo tâm tặng quà cho các em học sinh khó khăn. |
Những lúc có học sinh ốm đau, thầy cô lại phải làm chức năng của người cha, người mẹ, tận tình chăm sóc. Sự gần gũi và yêu thương khiến tình cảm của thầy trò nơi đây vô cùng thân thiết, tạo thêm động lực để các em vượt qua những khó khăn của cuộc sống, chăm lo học hành.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc, dạy lớp 1 tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Roong, xã Đăk Roong, cho biết: “Từ khi em bước chân vào trường thì trường mới thành lập, điều kiện rất thiếu thốn và gặp rất nhiều khó khăn, học sinh cũng thiếu thốn nhiều. Đến với tập thể trường thì cùng nhau đoàn kết và tháo gỡ những khó khăn. Khác với những trường thuận lợi, đến đây các em được tiếp xúc với thầy cô thường xuyên và gần gũi hơn. Chính từ những điều đó đã thúc đẩy em có thêm nghị lực để cống hiến vì sự nghiệp giáo dục.”
Nằm giữa vùng rừng núi, thuộc địa bàn xã đặc biệt khó khăn Đăk Roong, cách trung tâm huyện Kbang chừng 70km, nhưng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Roong vẫn nổi bật lên là ngôi trường xanh, sạch, đẹp với đầy đủ các khu vui chơi, giải trí, chỗ ăn nghỉ, học hành cho hơn 300 học sinh. nằm.
Thầy cô nuôi lợn để cải thiện bữa ăn cho học sinh. |
Có được điều kiện tốt như vậy, các thầy, cô giáo ở đây đã phải không ngừng cố gắng, vừa bỏ công sức, tiền bạc, vừa kêu gọi xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực trong và ngoài tỉnh để xây dựng. Chất lượng dạy và học ở đây cũng được nâng lên qua từng năm và hiện đã trở thành điểm sáng về mô hình trường bán trú của huyện Kbang và tỉnh Gia Lai.
Ông Phạm Quốc Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường nói: "Trên cơ sở chúng tôi tận tậm, tận lực cống hiến, phục vụ học sinh. Trên cơ sở đó thì xã hội đã nhìn nhận và ủng hộ. Từ những đoàn ở Thành phố Hồ Chí Minh rồi các nơi, họ nghe tin, thấy sự cống hiến của thầy cô, họ đã chung tay để xây dựng nên ngôi trường này.”
“Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11” ở xã nghèo vùng sâu Đak Rông rất đơn sơ, giản dị. Quà tặng thầy cô trong ngày này có thể chỉ là vài nhánh hoa dại, có thể không có gì cả. Nhưng đối với các thầy cô giáo ở trường, sự chăm chỉ, tiến bộ của các em học sinh và sự hài lòng của các bậc phụ huynh là món quà vô giá. Đó là thành quả công sức miệt mài của thầy cô qua từng năm tận tùy vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục ở xã vùng sâu Đăk Roong./.