Bâng khuâng tiếng Đài

Mỗi dịp Xuân về, Tết đến, tôi “ôm” đài, lắng nghe từ ngày 23 tháng Chạp. Mỗi năm thêm một tuổi, bâng khuâng và thương nhớ… tiếng Đài.

Đã có những mùa xuân đến rồi đi. Dù thế nào chăng nữa, chiếc đài nho nhỏ vẫn như là một cuốn sách “gối đầu giường” của tôi. Việc tôi trụ vững với bục giảng cho đến hôm nay, qua các thời kỳ mà “cái dạ dày” đã xui khiến bao người bạn tôi bỏ nghề để bươn chải kiếm sống bằng nghề khác, đâu có ai biết là tôi đã sống không có nỗi buồn là nhờ vào… tiếng Đài.

Gắn bó với tiếng Đài

Những người tuổi 40 trở lên mới biết, mới nhớ, cái đài chạy pin ngày xưa (thời bao cấp) quý thế nào. Sách báo đối với giáo viên hồi đó rất thiếu thốn. Thèm đọc phải mua thứ sách báo cũ bán xôn ngoài vỉa hè, hoặc lùng sục trong chợ, để mang về ngấu nghiến.

Nhà nghiên cứu Huế Hồ Vĩnh kể với tôi, trong một lần lùng sục tại chợ Đông Ba, anh đã tình cờ phát hiện ra cuốn sách lịch cuối cùng của triều Nguyễn như thế. Còn nhà báo Nguyễn Xuyến, một cộng tác viên thường xuyên của nhiều tờ báo, thì giới thiệu với tôi nguồn tư liệu đồ sộ của ông là… một tủ báo Nhân dân sưu tầm trong hàng chục năm không ai có.

Tôi công tác ở một nơi rất xa thành phố, xã Vinh An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), nơi mà cánh nhà báo ngày ấy muốn đi thực tế, phải đạp xe mất một ngày đường, rồi ở lại thêm một, hai ngày nữa. Ngăn cách bởi phá Tam Giang mênh mông, đôi bờ không nhìn thấy nhau, nên báo về chậm đến ba, bốn ngày, tin tức “nguội” hết.

Sau khi dành dụm bằng cách bán đi con gà, con lợn tôi lên thành phố Huế mua một cái đài chạy pin. Đi mua máy, bạn bè căn dặn tôi là chọn cái đài nào càng ít pin càng tốt (cứ như bây giờ người ta đi mua ô tô thì chọn “con” xe nào ít ngốn xăng nhất). Sắm đài rồi nhưng muốn có pin để nghe cũng khó lắm. Hàng quý, cửa hàng mậu dịch quốc doanh chỉ phân phối cho mỗi cán bộ một vài đôi pin Văn Điển, vừa nghe đài, vừa dùng đèn pin. Phải thuộc diện cán bộ mới có được tiêu chuẩn phân phối.

Đón Tết Nguyên đán, dọn nhà cửa xong, tôi đem cái đài ra lau chùi, sau đó lắp pin mới vào. Cái đài đặt dưới cành mai vàng, nơi trang trọng nhất trong phòng khách, chờ nghe chương trình Tết từ ngày 29 - 30 (tháng Chạp). Hàng chục cái Tết tôi đều làm như vậy, tiếng Đài đưa tôi đi vào năm mới, gieo niềm hy vọng bồi hồi, giữa bộn bề khó khăn, gian khổ.

Giờ mà nghe chuyện cũ, hẳn có người nghĩ tôi có “vấn đề”, nhưng nhớ về thời ấy, cái xã biển nơi tôi công tác có gần một vạn dân nhưng chỉ có khoảng mười cái đài bán dẫn thì mới hiểu được cái đài hiếm quý dường nào. Giá cái đài Liên Xô ngày ấy rẻ nhất cũng bằng hai cái tivi màu 21 inh bây giờ (nếu quy ra vàng),  hay cả năm lương thầy giáo “làng” đấy nhé.

Rồi Hợp tác xã Nông nghiệp xã bỏ ra một kinh phí khá lớn để mắc cho mỗi hộ dân một cái loa Ba Đình treo tường, cái loa nhựa màu xanh, bé như cái hộp phấn viết, chỉ có nút volume vặn to nhỏ chứ không tắt được. Khi “máy chủ” của Hợp tác xã phát, dân mới được nghe. Sở dĩ “cho” dân nghe đài rất hạn chế vì Hợp tác xã phải tiết kiệm tiền xăng dầu chạy máy nổ khi phát đài.

Con đường “cộng tác viên”

Trong những ngày tháng “hiu hắt” ấy, khu tập thể của tôi nghe tất tần tật những chương trình của đài địa phương và Đài TNVN. Những lúc nghe tường thuật trực tiếp bóng đá, hội đồng giáo viên tập trung cứ như xem hội.

Rồi bỗng một ngày, tôi gặp người nhà Đài là anh Nguyễn Trương Đàn - Phó Giám đốc Đài tỉnh về công tác vùng đầm phá Tam Giang (Sau này anh Đàn làm Trưởng Đại diện Văn phòng miền Trung và Tây Nguyên của Đài TNVN đến khi nghỉ hưu). Biết tôi là giáo viên dạy văn, anh bảo “sao em không viết tin bài cho Đài tỉnh?”, tôi thử làm cộng tác viên với Đài từ đó.

Không biết có nhờ anh Đàn “ưu ái” không mà nhiều năm liền tôi được tặng thưởng cộng tác viên xuất sắc. Anh Đàn còn gợi ý cho tôi cộng tác với Đài TNVN, tôi làm theo. Ngày ấy đâu có đơn giản như thời vi tính, photocopy bây giờ. Tôi viết tay một bản gửi Đài tỉnh, rồi lại nắn nót sửa và chép  bản thứ hai gửi ra Đài TNVN.

Từ cái xã biển bên bờ phá Tam Giang heo hút, tôi gửi tin bài theo đường bưu điện, rồi ngong ngóng đợi chờ… Mỗi lần được nghe Đài tỉnh hay Đài TNVN sử dụng bài của mình, tôi sung sướng vô cùng. Hồi đó nhuận bút ba cọc ba đồng (lương tháng giáo viên như tôi được 58 đồng), viết cho thoả chứ làm sao dám trông vào nhuận bút.

Mỗi dịp Xuân về, Tết đến, tôi “ôm” cái đài, lắng nghe từ ngày 23 tháng Chạp - ngày đưa ông Táo về chầu trời. Từ 5 giờ sáng đang còn nằm trên giường, tôi đã nghe giới thiệu chương trình trong ngày để biết Đài có phát bài Tết của mình không. Mỗi lần Đài tỉnh hay Đài TNVN sử dụng bài của mình, tôi hí hửng như trúng xổ số. Rồi nghe đài đến thuộc lòng từng câu, từng chữ. Riêng Đài tỉnh ngày đó còn thiếu kinh phí, mỗi chương trình phát đi phát lại tới 3 lần, mỗi tuần chỉ làm 2 - 3 chương trình, tôi được nghe bài viết của mình đọc ra rả nhiều lần, thích ghê. Từ các anh bảo vệ gác cổng, cho tới chú Nguyễn Phước Túc (đã mất) - Giám đốc Đài tỉnh đều “nhẵn mặt” tôi. Với Đài TNVN, báo Đài TNVN, địa chỉ 58 phố Quán Sứ - Hà Nội đã trở thành quen thuộc, mỗi lần nhận nhuận bút, nhân viên Bưu điện huyện Phú Vang chả cần hỏi tôi chứng minh thư.

Từ “cái nôi” nhà đài, tôi lân la sang báo viết, lại còn được Đài tỉnh cho đi học một khoá làm báo do Đài TNVN và tổ chức SIDA (Thuỵ Điển) tài trợ. Và nếu không do hoàn cảnh gia đình, lại là cán bộ quản lý của ngành giáo dục, thời trẻ trai tôi đã được nhận vào “gia đình” Đài tỉnh làm việc.

Bây giờ là thời của Internet, của email, của fax. Mỗi ngày tôi làm việc trên mạng 4 - 5 giờ, nhưng vẫn nâng niu cái đài, cái máy chữ Remington cũ kĩ như hai kỷ vật không quên. Mỗi lần Tết đến, tôi đọc hàng chục tờ báo. Đọc bài mình viết. Nhưng cảm xúc háo hức ngày xưa thì không bao giờ còn tìm thấy nữa!

Với tôi tiếng Đài cũng vậy, mỗi năm thêm một tuổi, bâng khuâng và thương nhớ…./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên