Bức tranh sáng giữa vùng U Minh Hạ

Trong câu chuyện của người dân sống lâu đời bên dòng kênh Xoài Rạp đã nghe nhắc nhiều đến cái tên Khí-Điện-Đạm Cà Mau với niềm cảm mến.

Bên dòng sông Cái Tàu thuộc xã Khánh An, huyện U Minh giữa vùng rừng U Minh Hạ mấy năm rồi tấp nập, náo nhiệt trên bến dưới thuyền, không khí nhà máy công trường nườm nượp. Cả khu đất trên 200ha vốn là vùng phèn chua cỏ ngập giờ đã hình thành Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau bề thế. Khởi công từ năm 2005, đến năm 2007, công trình khí và điện đã hoàn thành đi vào sản xuất ổn định. Công trình cuối cùng là nhà máy đạm công suất 800.000 tấn urê/năm khởi công xây dựng từ cuối tháng 7/2008, đầu năm 2012 sẽ hoàn thành, cho lô sản phẩm phân bón đầu tiên...

Trên cái nền rừng tràm rừng đước trùng trùng lớp lớp, cả hệ thống nhà máy, đường ống dẫn khí, nhà điều hành, khu phụ trợ cùng ống khói sừng sững hiện lên, trông thật sướng mắt, ấm lòng. Anh Hoàng Trung Dũng, Phó Trưởng ban Quản lý Dự án Khí-Điện-Đạm Cà Mau của Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam nhận xét rằng, việc Trung ương và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia chọn U Minh Hạ làm nơi đặt Cụm Công nghiệp đầu tiên của tỉnh cực Nam Tổ quốc không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Ý nghĩa kinh tế là vì cả khu vực mấy trăm héc ta hầu hết là cỏ năn cỏ lác, đất phèn chua mặn, mỗi năm làm ra không được mấy hạt lúa. Kinh tế nữa là khu vực nhà máy không xa biển lại sát sông Cái Tàu, thuận tiện đường vận tải thuỷ. Lại nữa, đường ống dẫn khí công suất 2 tỷ m3 mỗi năm nối từ đây tới giàn khai thác dầu khí BR-B tại mỏ MP3 vùng biển Tây Nam liên doanh giữa Việt Nam-Malaysia là ngắn nhất...

Còn nhân văn? U Minh Hạ là căn cứ kháng chiến, căn cứ Trung ương Cục một thời, chịu nhiều bom rơi đạn nổ; con người nơi đây trung dũng kiên cường, thuỷ chung son sắt... Mấy chục năm sau chiến tranh, con người ở vùng đất nghĩa khí này vẫn chưa hết nghèo hết khó. Đặt cụm công nghiệp hiện đại nơi đây là có ý tạo sức bật cho cả vùng, là cách thiết thực đền ơn đáp nghĩa...

Bây giờ, khi chỉ mới đưa hệ thống khí-điện vào hoạt động mà Cụm Công nghiệp này đã mang lại hiệu quả nhiều bề. Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đánh giá, đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt đối với tỉnh nhà, làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Nếu như trước đây, tỷ trọng nông nghiệp chiếm tới 65%, nay chỉ còn 37%; tỷ trọng công nghiệp đã tăng lên 37%, và dịch vụ 26%.

Một con số cụ thể rất có sức thuyết phục: Năm 2009, Cụm khí-điện đóng góp vào ngân sách Cà Mau 600 tỷ đồng, bằng 33% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Năm 2010, đạt mức xấp xỉ 730 tỷ đồng. Đến đầu năm 2012, khi dây chuyền đạm đi vào sản xuất, nguồn đóng góp cho ngân sách địa phương sẽ cao hơn và ổn định hơn nữa… Ông Dương Tiến Dũng cũng không quên nhắc lại, vào thời điểm mùa khô 2 năm vừa rồi, thuỷ điện hoạt động cầm chừng, cả nước thiếu điện, 2 nhà máy điện công suất 1.500 MW ở Cụm khí-điện-đạm này đã tỏ rõ hiệu quả, góp phần giải quyết bài toán thiếu điện cả nước.

Tính ra, sản lượng điện của 2 nhà máy sản xuất xấp xỉ 11% sản lượng điện cả nước, đủ đáp ứng nhu cầu điện cho các tỉnh vùng nam sông Hậu. Hoạt động công nghiệp từ Cụm khí-điện-đạm Cà Mau đã tạo ra sức hút các ngành dịch vụ đi theo. Hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, giao thông, du lịch và các loại hình dịch vụ khác phát triển tương ứng, làm ấm lên toàn cảnh bức tranh kinh tế của tỉnh cực Nam Tổ quốc. Từ trung tâm thành phố Cà Mau về U Minh Hạ đã có con đường nhựa thoáng rộng, hiện đại, rút ngắn thời gian, khoảng cách đi về... Sân bay Cà Mau hai năm rồi đều đặn ngày 2 chuyến đi về Thành phố Hồ Chí Minh tiện lợi cho chuyên gia và các nhà đầu tư đến vùng đất mới. Cũng từ khi có Cụm khí-điện-đạm, du lịch Đất Mũi có cơ hội đón thêm nhiều đoàn khách đến tham quan, khám phá vùng đất nhiều kỳ thú này.

Có cảm giác như từ khi có Cụm công nghiệp khí-điện-đạm đặt ở vùng U Minh Hạ, đã có thêm nhiều cơ hội đổi thay cho nhiều người dân Cà Mau. Trong số những kỹ sư, công nhân làm việc trong Cụm khí-điện-đạm, có nhiều người là con em của vùng đất Cà Mau. Như chàng kỹ sư hoá Đào Công Anh, làm việc ở phòng điều hành nhà máy điện, quê ở Khánh Đa, huyện U Minh...; như Bùi Phúc Kháng, kỹ sư Bách khoa, quê ở huyện Đầm Dơi, làm việc ở trạm điều hành khí... Và rồi đây, còn nhiều nữa những công nhân, kỹ sư con em nông dân Cà Mau và Nam bộ trở thành những người quản lý, vận hành công trình khí - điện - đạm thuộc loại hiện đại so với thế giới này.

Không chỉ có thế, sự có mặt của công trình trọng điểm rất hiệu quả này tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập cho rất nhiều bà con quanh vùng. Chỉ tính riêng chuyện con cá ngọn rau cho cả khu công nghiệp cũng có sức hấp dẫn lớn với những người biết dựa vào sức phát triển của công nghiệp để phát triển dịch vụ.

Như lời ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, từ thành công của Cụm công nghiệp khí-điện-đạm mở ra cơ hội đầu tư khu công nghiệp của tỉnh Cà Mau diện tích tới 360ha, tạo thêm đà cho địa phương khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh của một tỉnh ba bề giáp biển.

Rồi còn chuyện ngành dầu khí đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng mở mang trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, trung tâm văn hoá... góp phần thay đổi diện mạo từ đô thị đến vùng nông thôn vùng sâu vùng xa.

Theo dòng sông lớn trên con tàu cao tốc về Ngọc Hiển, Năm Căn, đã thấy đôi bờ hiển hiện đường điện hạ thế, trường học mới dựng lên, mang dấu ấn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia. Trong câu chuyện của người dân sống lâu đời bên dòng kênh Xoài Rạp đã nghe nhắc nhiều đến cái tên khí-điện-đạm Cà Mau với niềm cảm mến. Cả trong câu vọng cổ mà cô hướng dẫn viên du lịch Đất Mũi cất lên trong chiều mưa cũng luyến láy bổng trầm cụm từ mới lạ đang dần thân thuộc này:

Đón dòng khí từ ngoài khơi xa về vùng rừng U Minh Hạ

Khí-điện-đạm Cà Mau nhân lên mãi niềm vui.../.                                                              

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên