Dông dài cờ hội ngày xuân

Những ngày đầu xuân, tiếng trống hội cờ vang lên giục giã trên khắp các làng quê. Hội cờ đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá thể thao dân gian đặc sắc.

Thời xưa, dân ta làm nông nghiệp nhỏ lẻ phụ thuộc mưa nắng tự nhiên, nên ra giêng ngày rộng tháng dài vì mùa màng chưa đến, lại còn chờ mưa xuống đầy đồng, thế nên hội hè được mở chơi vui. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi/Tháng Hai cờ bạc tháng Ba hội hè”. Hội đấu sức có môn vật hoặc kéo co. Hội đấu trí có môn đấu cờ.

Cờ tướng - loại cờ dân gian phổ biến

Chưa có tài liệu nào thống kê ở nước ta có bao nhiêu loại cờ. Cờ tướng, cờ vua, cờ vây đã được đưa vào là một môn thi đấu thể thao chính thức của nước ta và thế giới. Ngoài ra còn có nhiều loại cờ khác. Có loại cờ mỗi bên chỉ có 4 quân, đi mỗi lần tối đa không quá năm bước là cờ Ngũ hành (hay cờ kim mộc thuỷ hoả thổ). Có loại cờ không có quân, mỗi lần đi là một lần đánh dấu bằng ký hiệu, ai có 5 quân liên tiếp trước là thắng, gọi là cờ ca rô. Và có thể kể ra một loạt các loại cờ khác như cờ chân chó, cờ hùm lợn, cờ tam giác, cờ quân sự...

Gần đây, cụ Vũ Bảy ở Bắc Ninh còn nhận bằng phát minh cờ toán, sau được giải triển vọng Nhân tài đất Việt. Trong Festival Bắc Ninh kỷ niệm 1000 năm Thăng Long -  Hà Nội, môn cờ toán đã được giới thiệu rộng rãi. Ông Phạm Thư cũng ở Bắc Ninh phát minh ra loại cờ cóc, mô phỏng nước ăn quân như cóc nhảy, cải tiến từ cờ hùm lợn, có tính cọ sát cao hơn, hấp dẫn hơn.

Trên thế giới cũng có nhiều loại cờ dân gian, và đặc biệt, nhiều loại cờ tương đồng với cách chơi một số môn cờ của Việt Nam. Ví như người Nga có loại cờ Saski giống cờ tướng của ta.

Tuy có nhiều loại cờ như vậy nhưng cờ tướng mới được coi là cờ dân gian phổ biến hơn cả. Cờ đấu hội ngày xuân của dân ta chính là môn cờ tướng này.

Cờ tướng chưa rõ nguồn gốc xuất phát từ đâu, dùng chữ Hán ghi quân trùng với quân bài tam cúc. Cờ tướng thu hút nhiều người mê cờ hoặc chỉ để xem đấu cờ vì cái hay cái hấp dẫn của nó. Đó là lúc chơi, ban đầu hai bên ngang thế lực, trận đầu phơi bày công khai, thế mà kết cục thắng hoà thua là do tài trí của người chơi. Không như các loại bài lá khác, phụ thuộc nhiều vào yếu tố đỏ đen lúc chia bài.

“Điểm mặt” cao cờ

Từ xa xưa, dân ta truyền ngôn có tiên cờ Đế Thích. Đây là người am hiểu mọi bí quyết huyền diệu của cờ, có thể chuyển bại thành thắng trong mọi tình huống. Ở Hà Nội có Chùa Vua thờ Đế Thích, hàng năm đều mở hội cờ thu hút nhiều danh thủ hàng đầu đất nước tham gia thi đấu. Những ai 3 năm liền giành giải nhất  được ghi danh vào bia đá truyền cùng tiên cờ Đế Thích với thời gian. Ngoài Đế Thích, dân ta còn truyền danh thủ Trương Ba là người trần nhưng cao cờ đáng là bạn chơi cờ của Đế Thích.

Cũng theo cổ tích, dân Bắc Ninh rất ham cờ và cao cờ. Dấu tích núi Lạn Kha (nát cán búa) ở Tiên Du là bằng chứng. Người tiều phu Vương Chất ở làng Sộp lên núi đẵn củi, mải xem hai ông tiên chơi cờ đến nát cả cán búa, ắt hẳn người tiều phu này phải là người cao cờ và mê cờ mới thưởng thức được ván cờ tiên như vậy.

Thực tế, vào thế kỷ 17 ở Đường An (Hải Dương), trạng cờ Vũ Huyên đã đánh bại một tay sứ giả cao cờ nhà Minh. Ông cầm quân đen đi hậu, không chú ý ăn quân, có ý nhường khách, chỉ tập trung vào thế cờ, vậy mà giành phần thắng sau 30 nước. Có câu thơ tả về một nước đi mang tính quyết định toàn cục “Ung dung xe rút về thành”, đó là nước rút xe về thành để bình pháo từ cánh trái sang cánh phải tấn công thắng lợi. Dân ta cũng có câu ca ngợi “Rượu kẻ Mơ, cờ Mộ Trạch” để ghi nhớ ván cờ này.

Ở làng Lạc Thổ (Bắc Ninh), dân làng vẫn nhớ chuyện một cao thủ của làng chiến thắng một tay lái buôn người Tàu hợm hĩnh. Chuyện rằng, tay lái buôn Tàu cắm thuyền bên sông Đuống thách đấu. Nhiều kỳ thủ tài ba trong vùng đã bại dưới tay hắn. Có một cụ già kiên trì theo dõi nghiên cứu các ván đấu để rút kinh nghiệm. Và cụ già đã nắm vững điểm yếu của hắn. Vốn cao cờ lại giàu có, hắn sắm bộ quân cờ ngà voi rất đẹp rất quý, đi đâu hắn cũng đem theo bên mình. Một hôm cụ nhận lời đấu với hắn. Cụ nói: “Tiên sinh là cao nhân nhưng tôi cứ chấp tiên sinh hẳn một xe”. Nói xong cụ cầm quân xe ném ngay ra giữa sông. Tay lái buôn Tàu suốt cả ván đấu bị phân tâm không biết cụ già cao cờ đến mức nào hay đây chính là trạng cờ Đại Việt giả dạng, lại bị ảnh hưởng bởi tâm lý tiếc quân cờ quý khiến không thể tập trung vào ván cờ được. Cuối cùng tay lái buôn Tàu đành chịu thua ván cờ ấy, nhổ sào đi mất dạng.

Người xưa tổng kết, muốn chơi cờ giỏi phải nắm vững các yếu lĩnh: thứ nhất, phải tập trung tư tưởng cao độ, tuyệt đối không bị phân tâm trong suốt thời gian diễn ra ván đấu; thứ hai, phải ngồi nhìn kỹ bàn cờ, luôn bao quát toàn bộ vị trí thế đứng của mọi quân cờ trên bàn, nếu không dễ tự đi quân vào tử địa dẫn đến thua cờ; thứ ba mới là am hiểu mọi thế cờ, kiến thức cần thiết cho mọi đấu thủ cũng như công sức đầu tư học hỏi, nghiên cứu và vận dụng.

Văn hoá cờ hội

Cờ hội thường gắn với hội làng, kéo dài cả tuần liền. Bàn cờ rộng hàng sào ruộng còn nguyên chân rạ. Quân cờ vẽ trên bìa gắn vào cọc tre hoặc làm bằng gỗ sơn son thếp vàng. Đó là cờ bỏi. Người chơi ngồi trên chòi cao ở ngay sau quân tướng. Mỗi lần đi quân thì phất cờ lệnh ra hiệu cho người của ban tổ chức di chuyển quân đúng ý định. Người chơi phải thực tài mới dám cầm quân. Để đảm bảo người chơi đạt đến một trình độ nào đó, Ban tổ chức có bước khảo cờ, những người lọt trịch mới được tham gia thi đấu. Việc gà cờ cũng rất khó khăn. Dân ta vẫn truyền mấy mẹo gà cờ. Nào là kháo nhau “con nên khanh tướng công hầu thì được lên xe xuống ngựa”. Nào là “vợ đội chiếu lên đầu cho chồng nhìn thấy nước chiếu chính diện”, từ đó nghĩ ra những nước tiếp theo.

Cờ hội còn được nâng lên thành nghi lễ tế thánh, đó là khi dùng người thật mặc áo viết chữ quân cờ làm quân cờ, gọi là cờ người. Trang phục đẹp như trong tranh vẽ quân tam cúc. Tướng có lọng che. Bên nam thanh bên nữ tú. Tướng ông, tướng bà phải kén chọn từ những người còn cha mẹ song toàn, sinh con đủ nam đủ nữ, ăn nên làm ra, con cái ngoan ngoãn thành đạt. Trước khi khai mạc, cả đoàn phải vào yết thánh. Trước khi vào trận, hai bên phải ghểnh tướng bái nhau trước. Trong suốt ván cờ luôn có trống cái thúc giục, bên nào đi chậm bị trống bỏi thúc sát mang tai. Lại có người của Ban tổ chức có giọng hay rao hát mỗi khi đi quân. Người chơi phải hạn chế ăn quân mà cần tập trung sâu vào thế cờ, bởi nếu quyết định đi nước ăn quân thì phải vào bàn cờ nhỏ mới được ăn quân và không được chơi cờ người tiếp nữa.

Cờ hội là nét văn hoá của dân ta. Ngay từ Tết Nguyên đán đã bắt đầu mùa cờ hội. Hầu như làng quê nào cũng mở hội cờ. Những danh thủ địa phương suốt ngày bận bịu thi đấu triền miên hội nọ gối hội kia. Dân ta chê họ là cờ rong bạc góp, nhưng không có họ thì không có hội. Mùa hội kéo dài tới tận đầu tháng tư sau hội Dâu, hội Gióng. Nhưng ngày nay, hội cờ kéo dài suốt năm, kể cả vào những dịp thôn làng có sự kiện vui mừng như đón bằng văn hoá, bằng di tích lịch sử văn hoá, giỗ tổ chùa, giỗ tổ nghề... chứ không chỉ khuôn vào ngày đình đám hội lệ của làng nữa.

Môn thể thao trí tuệ

Chơi cờ luôn là thú vui tao nhã của dân ta. Chỉ có chơi cờ mới không cần sát phạt bằng tiền bạc mà vẫn hấp dẫn nhau thâu đêm suốt sáng. Chơi cờ cũng đã đi vào văn học. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: “Khi chén rượu khi cuộc cờ/Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”. Trong bài thơ Đánh cờ người, nữ sĩ Hồ Xuân Hương viết: “Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa/Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên/Hai xe chàng gác hai bên/Thiếp sợ bí thiếp liền ghểnh sĩ”.

Các vị lãnh tụ, tướng lĩnh vừa chơi cờ giải trí vừa tìm thấy ở đây những ý tưởng sâu xa để áp dụng vào thực tế. Lênin thường chơi cờ với người anh rể là đại kiện tướng cờ của Nga. Bác Hồ thì viết những câu sâu rộng của đạo cờ và là kim chỉ nam hành động thực tiễn: “Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/Kiên quyết không ngừng thế tấn công/Lạc nước hai xe đành bỏ phí/Gặp thời một tốt cũng thành công”. Từ trước đó, Nguyễn Phi Khanh (thân phụ Nguyễn Trãi) cũng từng có những ý tưởng lớn trong bài “Xem đánh cờ vây”. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ghi lại suy nghĩ thời cuộc trong bài “Ý xưa khi xem đánh cờ”.

Đánh cờ là thú vui tao nhã của nhiều cụ già (ảnh: KT)

Không chỉ đi vào văn học, thuật ngữ cờ còn đi vào lời ăn tiếng nói dân gian gắn với đời sống: Mất xe hơn què tượng; Cờ mất sĩ như đĩ mất váy; Cờ bí như bị giời mưa; Mã về cung tướng khốn cùng; Nhanh như nước mã hồi; Cờ bí thí tốt; Khuyết sĩ kị song xe; Vuông như ô bàn cờ... Thậm chí cách đi quân cũng được dân ta đúc kết thành vần điệu cho người học chơi cờ dễ thuộc dễ nhớ: Mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách.

Trong dân gian cũng không hiếm chuyện cao cờ hiếu thắng bị dân ta chê bai nhẹ nhàng. Thua không chịu nhận thua mà lại bảo là nhận phần nhì, đối phương không cho hoà. Lại có tâm lý thích đấu với người lạ. Thắng thì mời khách ăn uống chu đáo, thua thì cay cú cá cược tiền bạc, thế là sa vào trò lố bịch cờ gian bạc lận.

Tuy nhiên, đại đa số dân ta vẫn coi cờ là một môn thể thao trí tuệ, một thú chơi thanh tao, nên mỗi độ xuân về Tết đến, hội cờ lại được mở ra nơi nơi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên