Người xưa thật lắm vẻ Xuân

Chả có mùa nào không có ở thơ Đường. Mùa xuân có một vị thế riêng. Ta hãy thử bước vào xem

Ai cũng có một thời trẻ trai hăng hái, có khi bất cần. Mùa xuân giục lòng xuân, sự hăng hái càng mạnh mẽ. Công tử nhà giàu, cưỡi ngựa trắng, dùng roi cán san hô, đi tìm tình dọc đường. Thôi Quốc Phụ có bài ngũ ngôn tuyệt cú tả cảnh ấy, gọi là bài “Khúc hát thời trai”: Roi san hô rơi mất/ Ngựa trắng giục không đi/ Bẻ liễu Chương Đài vậy/ Tình xuân đầy đường kia. Cũng nhà thơ này, có bài “Lời than thở”, qua cảnh mà hiểu lòng người con gái cô độc. Đây cũng là bài ngũ ngôn tuyệt cú: Mận đào thưa thớt lá/ Phù dung hồ tàn hoa/ Gấm dở trong khung cửi/ Dế kêu qua màn lá. Đúng là người vui kẻ buồn trong cùng một ngày xuân.

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, Nguyễn Du đã viết thế. Giả Chí xưa cũng vậy. Ông viết bài “Tứ thơ xuân” (Lục ngôn tuyệt cú): Sắc cỏ xanh xanh, sắc liễu vàng/ Hoa đào rối rít, hoa mận thơm/ Gió đông chưa đuổi sầu đi được/ Ngày xuân sầu cũ lại dài thêm. Cũng tác giả này tiễn bạn ngày xuân: Dời Lạc Dương ngày tơ liễu bay/ Tam Tương anh đến nở đầy mai/ Tình đời như thể phù vân ấy/ Biệt ly, sầu hận tựa sông dài.

Đới Thúc Luân, đêm trừ tịch còn phải ngủ ở trạm dịch Thạch Đầu, Giang Ninh, Giang Tô. Ông có bài “Đêm 30 Tết, ngủ ở trạm Thạch Đầu”: Quán trọ, ai hỏi han/ Bạn cùng cây đèn lạnh/ Đêm ba mươi Tết rồi/ Còn xa nhà muôn dặm/ Nghĩ vặt, mình cười mình/ Thương một đời lận đận/ Tóc rụng, mặt u sầu/ Mà xuân, mai lại gặp.

Thành Ngư Dương thuộc đất Yên, gần Bắc Kinh bây giờ, xưa là nơi chiến địa. Người vợ trẻ ở nhà, mùa Xuân đi hái dâu. Đêm qua, nàng vừa nằm mơ được đến Ngư Dương với chồng, vốn đang đồn trú ở đó. Trong bài “Mùa xuân người ở khuê phòng”, Đới Thúc Luân viết: Nõn nà tơ liễu bên thành/ Ngàn dâu ngăn ngắt lá xanh bên đường/ Có nàng giỏ bỏ, tay buông/ Đêm qua mơ đến Ngư Dương gặp chồng.

Vương Duy, “đại gia” tuyệt cú, có nhiều bài thơ xuân rất hay. Nếu bài “Thơ vui bên bàn đá” phơi phới: “Yêu thay bàn đá trong rừng suối/ Bên chén, thùy dương phơ phất bay/ Gió xuân nếu bảo không tình ý/ Sao lại đem hoa sắc chốn này”, thì đến bài “Tiễn Nguyên Nhị đi sứ sang An Tây” (còn gọi là bài “Vị Thành khúc”) đã đẫm buồn: “Sớm xuân mưa bụi Vị Thành/ Liễu xanh càng lại thêm xanh bên nhà/ Chén này xin cạn cùng ta/ Dời Dương Quan, hỏi ai là cố nhân?”. Vị Thành là Tràng An, kinh đô nhà Đường, giờ là Tây An. Tây An thuộc tỉnh Cam Túc, lúc ấy thuộc Hồ. Đi sứ sang Hồ, phải qua ải Dương Quan, đi về phía tây.

Nhớ bạn, mong bạn nhớ mình, Vương Duy viết “Tương tư”: Cây đậu đỏ phương nam/ Xuân về đâm bao ngọn/ Xin người hái thật nhiều/ Để người thêm nhớ bạn. Giản dị, chân thành, tao nhã làm sao! Hạt đậu đỏ phương nam bóng, đẹp. Người xưa thường lấy, xâu thành chuỗi cho phụ nữ cài lên tóc, đeo nơi cổ. Nó tượng trưng cho tình yêu, nên còn được gọi là “hạt tương tư”. Ngày trước, khi còn giặt lụa bên khe Nhược Gia, Tây Thi cũng đeo vòng đậu này.

Gặp người ở quê ra, việc đầu tiên Vương Duy hỏi, là “Cây mai lạnh đã trổ hoa chưa?” (Hoa mai là hoa của nho sĩ): Từ làng ra, anh biết/ Chuyện quê nhà nắng mưa/ Ngày đi, bên song lạnh/ Mai đã nở hoa chưa? Đến bài “Khe chim kêu” thì sự giản dị, trong sáng, cao khiết đã ngấm cả vào không gian: Người nhàn, hoa quế rụng/ Núi mơ màng đêm xuân/ Trăng mọc, chim rừng sợ/ Kêu trong khe mấy lần.

Tống Chi Vấn có bài tuyệt cú rất đời: Thư không, lời nhắn cũng không/ Ta chờ hết cả mùa đông, tìm về/ Lập xuân đến được gần quê/ Sợ không dám hỏi người đi qua đường (Qua sông Hán Thủy). Hỏi, chỉ sợ phải nghe tin dữ!

Đỗ Thẩm Ngôn, viễn tổ của Đỗ Phủ, làm quan xa nhà, lòng chẳng khác người thường. Ông viết: Làm quan, đi xa nhà/ Sợ xuân về đến thế/ Liễu bên sông tốt tươi/ Mây sớm hồng mặt bể/ Gió ấm, oanh vàng ca/ Rau tần xanh như vẽ/ Chợt nghe điệu hát xưa/ Nhớ nhà mà rơi lệ (“Chơi xuân sớm, họa thơ Lục Thừa ở Tấn Lăng”. Tấn Lăng thuộc Giang Tô, nam Trung Hoa).

Vương Xương Linh có bài thất ngôn tuyệt cú nổi tiếng. Đó là bài “Khuê oán” - Lời tự trách của người vợ: Có người vợ trẻ vô tư lự/ Ngày xuân trang điểm bước lên lầu/ Nhìn liễu nõn nà bên lối nhỏ/ Tiếc để chàng đi kiếm tước hầu. Con én đưa thoi, ngày xuân, tuổi xuân vùn vụt qua, sao lại đem hạnh phúc lứa đôi đổi lấy công danh hão huyền?

Thế mùa xuân của lính thú xưa thì sao? Sầm Tham, người mà Lý Bạch trân trọng gọi là “Sầm Công”, viết “Bài ca tuyết trắng tiễn Vũ phán quan về kinh” như sau: Gió bắc tràn qua cỏ trắng gẫy/ Tháng Tám trời Hồ đầy tuyết bay/ Bỗng gió xuân về một đêm no/ Ngàn vạn cành lê hoa nở đầy/ Gió lọt rèm châu, màn trướng ướt/ áo cừu chăn gấm không đủ dày/ Cung sừng cứng lại không giương được/ Còn mặc làm sao giáp sắt đây/ Hãn Hải băng dày trăm trượng vỡ/ Buồn phủ ngang trời vạn dặm mây/ Trung quân đặt tiệc đưa chân khách/ Đàn sáo Hồ, Khương vang trời tây/ Tuyết chiều tơi bời rơi cửa trại/ Cờ hồng băng đóng cũng thôi bay/ Cửa đông Luân Đài đưa tiễn bác/ Đường núi Thiên Sơn tuyết phủ dày/ Đá chắn, đường quanh, người khuất bóng/ Tuyết in chân ngựa vẫn còn đây. Thật là gian khổ, cũng thật là hào sảng. Hãn Hải, Luân Đài, Thiên Sơn đều là đất ở Tân Cương, nơi “rợ” Khương, “rợ” Hồ cai quản, chống lại Trung Nguyên ngày xưa...

Xuân của đất trời vẫn vậy, chỉ tình, cảnh, ý tứ con người trong thơ là muôn hình vạn trạng. Mùa xuân vốn đã hay, nhưng qua thơ xưa, ta thấy người xuân và người thơ lại càng hay hơn nữa./.

(Những bài thơ dẫn trong bài đều do tác giả bài báo này tạm dịch).

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên