Phiên họp thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII

Ngôn ngữ quảng cáo phải trong sáng, rõ ràng

Các ý kiến cho rằng nhiều nội dung trong Dự thảo Luật Quảng cáo còn trùng lặp các luật Cạnh tranh, An toàn vệ sinh thực phẩm…

Sáng 26/9, tại Hà Nội, Chủ tich Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Dự kiến, phiên họp diễn ra từ ngày 26/9-1/10.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp (ảnh TTXVN)

Tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về 7 dự án Luật (ngoại trừ Luật Cơ yếu đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII do còn có nhiều ý kiến khác nhau về cơ quan quản lý trực tiếp Ban Cơ yếu Chính phủ). 6 dự án Luật còn lại được thảo luận lần đầu là Luật Quảng cáo; Luật Quản lý giá; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Giám định tư pháp; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.

Ủy ban Thường vụ  Quốc hội cũng nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9, Quốc hội khóa XII. Cho ý kiến về các Báo cáo của Chính phủ về: tình hình thực hiện kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách năm 2011; phương hướng nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015; Chương trình mục tiêu Quốc gia 5 năm 2011-2015; chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015; Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề; Báo cáo của Chính phủ về kế hoạch sử dụng đất đai giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020.

Bảo đảm sự độc lập về tổ chức của Ban Cơ yếu

Trong buổi làm việc sáng nay (26/9), dưới dự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày báo cáo xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cơ yếu, đồng ý chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ đang trực thuộc Bộ Nội vụ sang Ban Cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Quốc phòng nhưng vẫn giữ tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Cơ yếu Chính phủ như hiện nay.

Về vị trí của Ban Cơ yếu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Ban Cơ yếu Chính phủ không phải là một đơn vị trong hệ thống tổ chức của lực lượng vũ trang, nên cần được bảo đảm sự độc lập cần thiết về tổ chức, cán bộ, kinh phí và hoạt động để thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành đặc thù, chế độ công tác nghiêm ngặt, thống nhất, chặt chẽ.

Ngôn ngữ quảng cáo cần trong sáng

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trình bày Tờ trình dự án Luật Quảng cáo; Nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về dự án  Luật Quảng cáo.

Luật Quảng cáo nhằm thay thế cho Pháp lệnh quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành đến nay đã có những hạn chế, không còn đáp ứng yêu cầu phát triển của hoạt động quảng cáo. Luật Quảng cáo ra đời nhằm đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu: Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa các quy định Hiến Pháp; đảm bảo tính thống nhất

Dự thảo Luật Quảng cáo có 5 chương 47 điều.

Cho ý kiến về dự thảo Luật Quảng cáo, thành viên Thường vụ Quốc hội ủng hộ sự cần thiết ra đời Luật để thay cho pháp lệnh. Tuy nhiên, một số thành viên Thường vụ Quốc hội cho rằng Tờ trình chưa thể hiện rõ những chính sách lớn, các cơ sở quy định chưa cụ thể rõ ràng...

Về khái niệm, cần làm rõ thêm thông tin hoạt động, thông tin giới thiệu hàng hóa dịch vụ. Theo đại biểu Trương Thị Mai thông tin giới thiệu doanh nghiệp cũng là hình thức quảng cáo tới công chúng. Đồng thời cũng cần làm rõ, cụ thể thế nào là quảng cáo đúng và không đúng dễ làm công chúng hiểu sai.

Về quảng cáo trên báo điện tử

Điều 26 Dự thảo Luật quy định quảng cáo trên báo điện tử không vượt quá 25% diện tích mỗi trang. Thường trực Ủy ban về Dự án Luật Quảng cáo cho rằng hiện chỉ có 3 báo điện tử hoạt động hòa vốn và có lãi. Vì thế, hạn chế nguồn thu từ quảng cáo sẽ dẫn đến báo điện tử không đủ kinh phí chí cho hạ tầng công nghệ. Do đặc thù về công nghệ, diện tích mỗi trang báo có thể kéo dài trên màn hình. Bên cạnh phần quảng cáo cố định còn có hình thức quảng cáo không cố định, có thể phóng to, thu nhỏ.

Do vậy, việc quy định về diện tích quảng cáo trên báo điện tử khó khả thi. Nếu quy định cứng nhắc về diện tích quảng cáo trên báo điện tử thì sẽ khó áp dụng cho những phương tiện thông tin tương tự.

Ngoài ra, theo quy định chỉ có báo điện tử và trang thông tin phải xin cấp phép, trong khi đó hoạt động quảng cáo thông qua các blog cá nhân, các trang mạng xã hội, thư điện tử… đang nằm ngoài sự quản lý.

Thường trực Ủy ban cũng cho rằng  Dự thảo luật chưa đề cập đến trách nhiệm liên kết trên báo điện tử (link) tới các trang, báo khác. Pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan báo điện tử đối với nội dung các website liên kết với báo mình; các báo chỉ chịu trách nhiệm về nội dung trên báo của mình.

Các thành viên đề nghị làm rõ quy định về thời lượng được phép quảng cáo trên internet, kênh truyền hình trả và không trả tiền. Đây là vấn đề mới, cần được nghiên cứu kỹ vì thực tiễn cho thấy những phương tiện này đang hoạt động rất mạnh.

Đại biểu Phan Trung Lý cho rằng cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật, làm rõ nhiều nội dung trùng lặp với các luật khác như Luật Cạnh tranh, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu trùng thì cần phải xem xét như thế nào?

Theo đại biểu không nên bỏ giấy phép quảng cáo mà cần xem xét rõ loại hình thức nào phải xin phép quảng cáo, loại hình nào không cần.

Về quảng cáo ngoài trời, theo ông Huỳnh Ngọc Sơn cần quy định rõ đối tượng, thời gian quảng cáo, âm thanh.

Thời lượng giờ vàng của truyền hình cũng cần được nghiên cứu, quy định cụ thể. Theo đại biểu, một số kênh truyền hình hay báo quan trọng như: báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân… cũng cần quy định chỉ được phép quảng cáo trên phụ trang hay kênh VTV1 nên tìm kiếm nguồn thu khác thay cho quảng cáo như hiện nay.

Lập lại trật tự trong quảng cáo

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Luật Quảng cáo ra đời phải đáp ứng tính pháp lý cao hơn. Một số quy định trong Luật cũng cần phải cụ thể, nhất là quy định rõ ngôn ngữ trong quảng cáo cần phải trong sáng, rõ ràng, lành mạnh.

Vì thế Luật ra đời cần phải đạt được những yêu cầu cơ bản hạn chế được tình hình quảng cáo không đúng, quảng cáo gây nhiễu loạn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban thẩm tra cần có ý kiến thống nhất giữa Chính phủ, Ban soạn thảo và Thường vụ Quốc hội để đạt nhất trí cao trước khi trình Quốc hội.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý giá./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên