Ý kiến cử tri về phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
VOV.VN - Theo dõi chất vấn sáng 6/6, cử tri đồng tình khi các đại biểu QH nêu tồn tại của ngành giáo dục và đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng.
Tại Quảng Ninh, cử tri đồng tình cao khi các đại biểu thẳng thắn chỉ ra thực trạng “chuẩn giả” trong giáo dục, trường được công nhận đạt chuẩn, giáo viên đạt chuẩn nhưng không có thực chất. Cử tri Lê Ngọc Ánh (TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho rằng, chất lượng trường chuẩn chưa được như mong muốn, từ những điều kiện cơ bản nhất như cơ sở vật chất, trang thiết bị.
“Các cháu lớn vẫn phải ngồi trên những bộ bàn ghế dành cho học sinh tiểu học, 3 cháu một bàn rất chật chội. Nhưng thực tế nhà trường vẫn nêu ra là còn nhiều khó khăn cho nên phụ huynh chúng tôi thậm chí phải tự xã hội hóa, tự tìm giải pháp. Vì thế tôi nghĩ là câu trả lời của Bộ trưởng chưa bao quát được hết các vấn đề, chưa nhìn nhận đúng thực trạng là các trường đang “chạy” theo chuẩn”- Cử tri Lê Ngọc Ánh nói.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn sáng 6/6/2018. (Ảnh: Minh Đạt). |
Tại Khánh Hòa, ông Hoàng Xuân Sơn, ở phường Phước Long, thành phố Nha Trang cho rằng, các đại biểu đặt ra nhiều câu hỏi nóng, phản ánh những vấn đề mà cử tri bức xúc như chuyện biên chế giáo viên, quản lý bậc mầm non, tuyển sinh, tốt nghiệp đến đầu ra của sinh viên. Đây là những vấn đề không mới nhưng tiếp tục làm nóng nghị trường vì nhiều năm qua Bộ Giáo dục - Đào tạo vẫn chưa giải quyết tốt.
“Các đại biểu Quốc hội đã chất vấn sát với thực tiễn của ngành giáo dục. Tuy nhiên Bộ trưởng trả lời chưa thỏa đáng. Theo tôi, ngành giáo dục chưa có đột phá. Tiền đầu tư vào Giáo dục thì ngày càng nhiều nhưng chất lượng đầu ra của sinh viên hay đầu vào từ bậc mầm non, mẫu giáo đều không đảm bảo”-Cử tri Hoàng Xuân Sơn nói.
Ông Nguyễn Quang, phường An Hải Đông, Quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho rằng, Bộ trưởng trả lời rất sát những câu hỏi của các đại biểu. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề Bộ trưởng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng như nhóm vấn đề về nhà trẻ, bảo mẫu, Đề án thi cử. Còn ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng bày tỏ: “Tôi rất tâm đắc với phần trả lời của Bộ trưởng về những vấn đề về nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông và đặc biệt là giáo dục mầm non. Mong muốn Quốc hội và Bộ trưởng có chính sách vận động toàn xã hội chung tay chăm lo đạo đức với giáo viên và học sinh trong nhà trường để tránh tình trạng xuống cấp về đạo đức của giáo viên và học sinh”.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng, lần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thể hiện rõ sự cầu thị, tiếp thu và trả lời có trọng tâm vào nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm. Trong đó, phần trả lời chất vấn liên quan đến chất lượng giáo dục đại học và giải quyết đầu ra cho sinh viên khá thuyết phục với những giải pháp cụ thể.
Tại Đồng Nai, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ông Nguyễn Văn Đại, cử tri huyện Trảng Bom cho rằng, những bất cập của giáo dục mầm non hiện nay vẫn còn quá nhiều, nên khó có thể cho rằng giáo dục mầm non được đánh giá cao. Lấy dẫn chứng tình trạng quá tải diễn ra nhiều năm nay, ông Đại cho rằng, Bộ trưởng chưa đưa ra được giải pháp cụ thể cho vấn đề này.
Tại Hà Nội , nhận xét về phiên trả lời chất vấn, một số cử tri cho rằng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã rất thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề đang tồn tại của ngành và đề xuất các giải pháp khắc phục. Cử tri Lê Khắc Hiền, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rất đúng và trúng các nội dung mà đại biểu đặt câu hỏi; đồng thời có tinh thần cầu thị, sẵn sàng tiếp thu ý kiến để giải quyết các vấn đề đang tồn tại của ngành.
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sáng 6/6/2018. (Ảnh: Minh Đạt) |
Một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời rất thẳng thắn đó là bệnh thành tích trong giáo dục. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và rất khó giải quyết. Cử tri Hà Nội cũng đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về thực trạng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, đặc biệt là những giải pháp của ngành để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Tại tỉnh Điện Biên, khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định việc 200.000 sinh viên, cử nhân thất nghiệp sau đào tạo là có thật, nhiều cử tri tại Điện Biên tỏ ra lo lắng về cơ chế đào tạo, mục đích, chất lượng và phương thức đào tạo của ngành giáo dục hiện nay.
Cử tri Nguyễn Thị Vy, tổ dân phố 29, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ cho rằng: Ngành giáo dục đang đào tạo sinh viên, cán bộ một cách tràn lan mà chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng, vấn đề dư thừa, mục đích cần – đủ của các địa phương. Bên cạnh đó chế độ cử tuyển đã bộc lộ nhiều bất cập hạn chế, việc đổi mới giáo dục cử tuyển không có gì mới, Bộ và Chính phủ cần xem xét lại vấn đề này.
Ý kiến cử tri tỉnh Lai Châu cho rằng, vấn đề giáo dục của vùng cao nhiều năm nay vẫn là chất lượng. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên hạn chế chung về kinh tế, xã hội vẫn đang là rào cản cần ngành giáo dục có quyết sách phù hợp hơn.
Cử tri Đắk Lắk mong muốn ngành Giáo dục cần đẩy mạnh phương pháp đào tạo nhân cách người giáo viên. Trong đó, cử tri Vũ Trọng Thủy ở phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Để giải quyết căn cơ tình trạng một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội, ngành Giáo dục cần phải đẩy mạnh phương pháp đào tạo nhân cách người giáo viên./. Toàn cảnh phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
“Áp lực với Bộ trưởng không chỉ chất vấn mà là thực hiện lời hứa”